Khi núi rừng Tây Bắc bung nở những vạt hoa mận, hoa đào cũng là lúc cây mắc có cao tít tắp sau mỗi nếp nhà nơi đây vào mùa rộ quả.
Cùng với hoa thơm, trái ngọt điểm xuyết sắc màu gọi Xuân về, quả mắc có bắt đầu hiện diện nhiều hơn trong bữa ăn thường nhật của người dân tộc Thái những ngày cuối năm. Và như lẽ đương nhiên, quả có mặt trong mâm cơm ngày Tết như một hương vị đặc sắc, riêng có.
Những vạt quả mắc có ánh lên trong sắc nắng xuân tươi tắn, trong veo.
Nhắc đến Tây Bắc, lâu nay trong nếp nghĩ của đa số, người ta vẫn cứ quen mặc định với những sản vật núi rừng đã trở thành “thương hiệu” quen thuộc như nếp nương, gà đồi, măng rừng, thảo quả, mắc mật… Hiếm người biết, giữa bạt ngàn, trùng điệp của mảnh đất này, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên… còn “điểm danh” tên một loại quả gia vị trong ẩm thực của người dân tộc Thái - quả mắc có.
Dưới sắc nắng xuân tươi tắn, trong veo, nhìn từ đằng xa, những chùm mắc có xanh vàng tròn mẩy, lấp ló ẩn hiện trong tán lá xanh gân guốc… Cái tên quả nghe lạ lẫm và vốn không chuyển tải được nhiều thông điệp là vậy nhưng suốt bao đời nay vẫn đều đặn âm thầm, khiêm tốn đồng hành cùng những “món ngon vật lạ” trong thói quen ẩm thực của người Thái.
Bữa cơm thịnh tình cuối năm tại nhà chị Đèo Thị Thường, dân tộc Thái bản Nậm Lùm, xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) như rôm rả hơn khi cả chủ và khách ai nấy đều háo hức tìm hiểu về loại quả này. Trĩu nặng trên tay chùm mắc có tươi rói, nhẵn mịn vừa trẩy xuống, chị Thường bảo điều đặc biệt của loại quả này là năm nào thời tiết càng khắc nghiệt, sương muối, giá rét càng nhiều thì quả càng đượm vị chua ngọt, thanh mát hơn.
Quả mắc có hiện diện trong bữa ăn thường nhật và trong mâm cơm ngày Tết của người dân tộc Thái.
Trong phút chốc chuyện trò, những quả mắc có đã gọt vỏ, thơm dịu, đượm sắc vàng… được để ngay ngắn vào bát. Rót một ít nước sôi, nêm vào một chút bột canh, điểm thêm vài cọng hành hoa, rau dăm, một bát nước chấm “mắc có” ngon lành đã sẵn sàng đồng hành trong bữa cơm thường nhật.
Nước chấm mắc có có vị chua ngọt, thanh nhẹ và rất hợp để ăn với rau sống mà theo chị Thường “nếu thiếu thì mất ngon một nửa”. Và càng ngon hơn khi rau má rừng với nước chấm mắc có bởi vị đắng của rau và vị chua của quả như hòa vị cho nhau. “Vào những ngày lễ Tết có nhiều món ăn thì hai vị này chính là món “trung hòa” và có tác dụng mát gan tiêu độc cho những ai uống nhiều rượu”.
Cây mắc có chủ yếu mọc nhiều ở Lai Châu, Điện Biên nhưng người dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu từ lâu đã biết thưởng thức và dùng mắc có như là một loại quả làm gia vị, ngoài những sản vật đã trở nên nổi tiếng như mắc khén, thảo quả, mắc mật…
Mặc dù quả mắc có chỉ là gia vị “gia giảm” trong sinh hoạt ẩm thực. Cũng chưa ai rõ thực hư công dụng, ý nghĩa ra sao nhưng theo chị Thường, đồng bào dân tộc Thái coi quả mắc có như là hiện thân của sự kiên cường và vững vàng trong tiết trời giá rét miền sơn cước; càng tôi luyện, thử thách khắc nghiệt nhiều thì sắc, vị càng đượm hơn.
Trước khi ra về, cẩn thận gói ghém một vài chùm quả mắc có làm quà “đặc biệt” cho người miền xuôi, chị Thường căn dặn “để dành Tết hẵng mang ra thưởng thức để nhớ hơn hương vị của người Thái”.
Nước chấm mắc có có vị chua ngọt, thanh nhẹ và rất hợp để ăn với rau sống.
Bịn rịn kẻ ở người đi, nâng niu gói quả trong tay, chị ứng tác mấy câu thơ tiễn biệt:
Nhớ nhau cũng bởi quả này,
Thương nhau cũng bởi vị này đấy thôi,
Ngọt chua đượm ở vành môi,
Tình đây, nghĩa đấy xa xôi vẫn đầy…
Trong không khí ngày Xuân, nhớ đến những quả mắc có phong vị lạ lẫm cũng là cách để tìm về một nét riêng có trong văn hóa ẩm thực của người dân tộc Thái. Âu cũng là để nhắc nhớ đến nghĩa tình mộc mạc, dung dị của đồng bào dân tộc trên những dặm đường rong ruổi xa xôi! Mộc mạc như chính quả mắc có vậy!
Theo Baochinhphu.vn