Có thể bạn không cần đến một con dao mezzaluna đắt đỏ hay một chiếc que lấy mật cầu kỳ - nhưng nếu là một đầu bếp “chân chính”, chắc chắn bạn sẽ phải trang bị nhà bếp với tối thiểu khoảng 15 – 20 dụng cụ thiết yếu.
Các bạn, hãy nhìn hai vật này và thật thà thú nhận: bạn có biết chúng dùng để làm gì không?
Thật ra, chúng đều là công cụ trong nhà bếp cả!
Vật đầu tiên gọi là dao mezzaluna thiết kế hai lưỡi song song, chuyên để băm rau củ quả hoặc băm thịt một cách không tốn sức.
Vật thứ hai là dụng cụ chuyên dụng và vô cùng “đẳng cấp”: honey drizzle – que rưới mật. Với người phương Tây, mật ong là món quà vô giá của tự nhiên và do đó, cách bảo quản cũng như sử dụng mật cũng muôn phần cẩn thận. Mật ong được giữ trong lọ gốm sứ, và để không làm bẩn cả lọ mật, sẽ có một que rưới mật đi kèm. Để lấy mật, người ta cầm que, xoay nhẹ và nhấc que ra khỏi lọ. Những rãnh song song ở đầu que giúp giữ mật lại, không nhỏ vung vãi; mật sẽ chảy xuống khi que được chúc xuống một góc vừa phải và rưới lên trên món ăn. Que lấy mật, sau đó, sẽ được “an vị” lại bên trong lọ mật, không phải rửa. Tất nhiên, ta hoàn toàn có thể dùng muỗng để múc mật ra ngoài, nhưng khó có thể tránh việc mật nhỏ lộp độp trên bàn, và lý do quan trọng hơn cả là một chiếc muỗng sẽ không thể có “thần thái” sang trọng như chiếc que lấy mật.
Có thể bạn không cần đến một con dao mezzaluna đắt đỏ hay một chiếc que lấy mật cầu kỳ - nhưng nếu là một đầu bếp “chân chính”, chắc chắn bạn sẽ phải trang bị nhà bếp với tối thiểu khoảng 15 – 20 dụng cụ thiết yếu.
Thứ nhất, phải có đủ dao và thớt
Bước đầu tiên của nấu nướng bao giờ cũng là sơ chế nguyên liệu nên thứ đầu tiên cần có trong nhà bếp đương nhiên phải là dao và thớt.
Có rất nhiều loại dao để lựa chọn, nhưng sẽ có 3 loại nằm đầu danh sách: dao đầu bếp, dao tỉa, và dao chặt. Dao tỉa dùng cho những việc tỉ mỉ và đòi hỏi sự khéo léo, dao chặt dùng để đối phó với các nguyên liệu cứng cần dùng sức, và dao đầu bếp để xử lý tất cả các thể loại việc còn lại.
Cũng có rất nhiều loại thớt để lựa chọn, có thể dùng bất kỳ loại nào phù hợp, nhưng số lượng ít nhất phải có 2 chiếc khác nhau: một chiếc dùng cho nguyên liệu cần chế biến và chiếc kia dùng cho nguyên liệu chín hoặc không cần chế biến.
Muỗng gỗ lớn
Tại sao phải là muỗng gỗ? Có nhiều lý do để chọn muỗng gỗ trong nấu nướng, chẳng hạn: không làm trầy xước mặt chảo khi đảo thức ăn; không làm lẫn vị kim loại vào thức ăn; đôi khi là do thẩm mỹ… Với những nguyên nhân này, muỗng gỗ luôn luôn là thứ tuyệt đối phải có trong bất kỳ nhà bếp “có tâm” nào.
Xẻng xúc bằng kim loại
Những chiếc xẻng xúc kim loại có cán gỗ rất lý tưởng cho những món sử dụng phương pháp áp chảo, lật nhanh. Lý do cho sự lựa chọn này rất đơn giản. Những món ăn áp chảo thường được nấu trên nhiệt độ cao nên một chiếc xẻng xúc bằng kim loại sẽ giúp giữ nhiệt độ cho cả hai mặt nguyên liệu; cán gỗ cách nhiệt, giúp đầu bếp không bị nóng.
Kẹp gắp
Với người châu Á quen thuộc với đũa để đảo, khuấy thức ăn thì kẹp gắp không được đánh giá cao lắm, bất quá chỉ để gắp đá viên trên bàn tiệc. Thế nhưng, kẹp gắp có công dụng thần kỳ hơn thế nhiều.
Thứ nhất, kẹp gắp to nên sẽ không mất sức để giữ và điều khiển. Thứ nhì, lực của kẹp gắp lớn hơn của đũa nên thức ăn sẽ không bị tuột. Thứ ba, kẹp gắp có thể gắp hầu như tất cả các cỡ thức ăn, tiện dụng hơn đũa rất nhiều.
Đồ đánh trứng
Không chỉ dùng để đánh trứng, đây còn là dụng cụ vô cùng đắc lực để khuấy và trộn các dung dịch lỏng lẫn hỗn hợp bột khô. Một chiếc muỗng/nĩa không thể thay thế đồ đánh trứng. Người đầu bếp cần chính xác một dụng cụ như thế này để xử lý những nguyên liệu cần được trộn đều và hoà vào nhau mà chưa cần mức độ “đao to búa lớn” như phải cho vào máy xay.
Cốc và muỗng đong
Cốc (hay cup) đong và muỗng đong giúp bạn tiết kiệm vô số thời gian với các loại gia vị. Xin nhấn mạnh ở đây là TẤT CẢ các loại gia vị. Thử làm một phép so sánh: “150gr đường cát, 5gr muối tinh, 2.5ml va-ni” và “1 cup đường cát, 1 table spoon muối tinh, 1/2 teaspoon va-ni”, các bạn sẽ hiểu ngay sự lợi hại của bộ đong này.
Một bộ cốc đong thường có 4 món: 1 cup, ½ cup, 1/3 cup, và ¼ cup.
Một bộ muỗng đong thuờng có 4 món: 1 table spoon (15ml), 1 teaspoon (5ml), ½ teaspoon (2.5ml), và ¼ teaspoon (1.24ml).
Rổ chao
Đây không phải rổ đựng khi rửa nguyên liệu tươi sống. Đây là rổ chao, chuyên để tách phần chất lỏng và phần nguyên liệu rắn đã được nấu chín, và rất nóng. Đơn cử một ví dụ: khi bạn luộc mì ống, bún khô, hay đậu phộng; bạn chỉ cần úp ngược cả nồi vào rổ chao và chờ cho nước thoát đi hết. Do thường xuyên chịu nóng nên rổ chao bắt buộc phải là rổ kim loại.
Dao bào chữ Y
Dao bào đương nhiên là cần thiết, nhưng tại sao phải là dao chữ Y?
Vì loại dao này an toàn hơn (bạn sẽ không bào phải ngón tay mình), có thể sử dụng được bằng cả hai tay (vì động tác vô cùng đơn giản), và dễ bảo quản hơn loại dao bào hai lưỡi.
Kéo thực phẩm
Nhấn mạnh: kéo thực phẩm, nghĩa là không phải kéo cắt vải, cũng không phải kéo làm thủ công. Kéo cắt thực phẩm phải đối mặt với những bề mặt kỳ quặc hơn, những cấu trúc khó chịu hơn – do đó lưỡi kéo cần phải dày hơn và thiết kế gia lực nhiều hơn. Với một chút khéo léo, kéo thực phẩm có thể cắt được cả con gà nướng.
Với đòi hỏi cao như vậy, kéo thực phẩm phải được gia công bằng thép tốt, không rỉ, và tất nhiên là giá thành không rẻ.
Máy xay
Trợ thủ đắc lực của tất cả những ai đứng bếp chính là một chiếc máy xay tốt với nhiều cối xay và lưỡi xay chuyên dụng như cối xay thịt, cối xay rau củ, và cối xay thực phẩm chín.
Chỉ bằng một nút bấm, các nguyên liệu sẽ tự động nát ra và hoà trộn vào nhau để tạo thành những đĩa súp thơm ngon, những chén nước sốt hấp dẫn hoặc những ly sinh tố bổ dưỡng.
Chảo gang
Đối với một số người đứng bếp theo nghĩa đen – nghĩa là chỉ đứng ở ngay bếp lò để nấu nướng chứ không chế biến nguyên liệu – thì chảo gang có tay cầm là thứ hữu ích và linh hoạt nhất trong danh sách những dụng cụ “phải có”.
Chảo gang chịu được nhiệt độ cao, phân bố nhiệt độ rất đều, và lại không dính – trở thành cánh tay mặt lý tưởng cho hầu như mọi món chiên/xào/áp chảo. Ngoài ra, bạn có thể dùng nó như một khuôn nướng trong lò nữa.
Xem thêm: Chọn chảo như chọn… vợ
Nồi hầm
Nhiều người không đánh giá cao nồi hầm.
Nhưng thử hỏi có bao nhiêu bữa cơm trong ngày không có một món canh xương hầm, bao nhiêu bữa cơm không có món cá kho/thịt kho rục? Hầm xương hoặc kho rục trong nồi hầm nhanh hơn, hương vị đậm đà hơn, và tận dụng được hết công năng của bếp.
Nếu như bếp nhà chưa có nồi hầm, bạn có thể bắt đầu trang bị một chiếc đi.
Khay nướng
Ở Việt Nam không có nhiều gia đình thích dùng lò nướng. Nói rõ hơn là “không biết dùng lò nướng”. Nhưng nếu đã có lò thì chắc chắn bếp cũng phải có khay nướng chống dính để nướng cookies, nướng gà, nướng thịt, nướng bánh mì…
Và một dụng cụ khác không thể thiếu khi dùng lò nướng là găng tay lớn, loại dày và mềm, để lấy khay nướng ra khỏi lò.
Cây cán bột
Đây là một dụng cụ chỉ dành cho các bếp bánh, nơi phải làm việc cùng với các tảng bột. Sau khi nhồi, để tạo hình cho bánh (từ bánh Tây đến bánh ta), chúng ta đều cần dụng cụ này.
Cây cán bột có thể làm bằng gỗ, bằng kim loại, hoặc khi đối đế quá thì có thể lấy một chai thuỷ tinh tròn để thay cũng được – nhưng an toàn nhất vẫn là cây cán bột chuyên dụng.
Bếp nhà bạn còn dụng cụ nào thú vị nữa không?
Chiếc Thìa Vàng