Chiếc mũ đầu bếp được xem là hình ảnh nghề đại diện của những ai theo nghiệp “cầm chảo”. Bạn có tò mò chiếc mũ đầu bếp ra đời từ khi nào? Vì sao nó lại cao như vậy?
Ảnh nguồn Internet
Lịch sử mũ đầu bếp
Không gian làm việc của các đầu bếp chỉ quanh quẩn trong gian bếp, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nhưng họ vẫn đội mũ, bạn có biết vì sao không?
Tương truyền, tại Vương Quốc Anh, vào thời vua Henry VIII, trong một lần dùng bữa, nhà vua phát hiện có sợi tóc trong món súp của mình. Ông đã tỏ ra vô cùng tức giận và ra lệnh cho tất cả đầu bếp phải đội mũ trong khi nấu nướng để sự việc tương tự không lặp lại. Kể từ đó, chiếc mũ đầu bếp màu trắng ra đời.
Bên cạnh đó, cũng có một câu chuyện khác của người Hy Lạp kể về chiếc mũ đầu bếp. Thời kỳ đất nước Hy lạp rơi vào tình cảnh loạn lạc vì chiến tranh, những đầu bếp nổi tiếng phải nương nhờ các tu viện – đây là nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm. Sống trong tu viện, các đầu bếp phải mặc đồ đen, đội mũ đen như các tu sĩ và chịu trách nhiệm các công việc nấu nướng. Tuy nhiên, vì ai cũng mặc trang phục giống nhau nên khó phân biệt đâu là tu sĩ, đâu là đầu bếp nên về sau, họ đã quyết định để các đầu bếp mang mũ trắng. Sau khi chiến tranh kết thúc, các đầu bếp vẫn giữ nguyên hình ảnh chiếc mũ màu trắng để nhắc nhớ về quãng thời gian đó.
Ảnh nguồn Internet
Thuật ngữ mũ đầu bếp
Theo tiếng Ả Rập, mũ đầu bếp được gọi là “toque”. Mặc dù thuật ngữ này đã tồn tại vài ngàn năm nhưng đến năm 1800, khi người Pháp dùng từ “Blanche toque” để chỉ chiếc mũ của đầu bếp hay những ai theo học nghề nấu ăn thì cụm từ này mới thật sự phổ biến và bắt đầu được sử dụng thường xuyên.
Chiều cao và nếp gấp trên mũ đầu bếp
Vào thế kỷ XVIII, người ta quan niệm chiều cao chiếc mũ đầu bếp thể hiện năng lực, vị trí và đẳng cấp của người đầu bếp. Vì thế mà đã có đầu bếp đội chiếc mũ cao đến 18 inches (tương đương gần 46cm). Tuy nhiên, khi đội một chiếc mũ cao như thế rất bất tiện nên dần dần thang đo chiều cao đã được hạ xuống còn 9 – 12 inches (23 – 31 cm) để các đầu bếp không còn cảm thấy gò bó, khó chịu khi làm việc.
Nếu bạn quan sát kỹ một chút sẽ thấy trên mũ đầu bếp thường có những nếp gấp. Sự xuất hiện của những nếp gấp này là hoàn toàn có chủ đích, nếp gấp càng nhiều thể hiện người đầu bếp đó có tay nghề càng cao. Do đó mà chiều cao và số lượng nếp gấp trên mũ chính là tiêu chí để đánh giá mức độ lành nghề, kinh nghiệm và địa vị của người đầu bếp.
Ảnh nguồn Internet
Mũ đầu bếp ngày nay
Ngày nay, chiếc mũ đầu bếp dần được cách tân để trở nên đẹp hơn. Ngoài lý do giúp do đầu tóc người nấu ăn được gọn gàng, thể hiện tác phong sạch sẽ, chuyên nghiệp thì chiếc mũ đầu bếp cũng thể hiện tính thẩm mỹ, thời trang và dấu ấn khác biệt của từng khách sạn, nhà hàng khác nhau. Vì thế mà bạn sẽ thấy chiếc mũ đầu bếp sẽ có nhiều hình dạng, kiểu dáng, màu sắc khác nhau:
Tuy nhiên, dù chọn loại mũ nào để sử dụng thì chiếc mũ “Toque” hình trụ màu trắng vẫn được xem là biểu tượng lịch sử của nghề đầu bếp – là hình ảnh đại diện cho người bếp trưởng trong các khách sạn – nhà hàng.
Theo Hoteljob