Mặc dù không quá phong phú, nhưng ẩm thực ở Điện Biên lại ghi điểm bởi sự độc đáo, đặc biệt là các món đặc sản từ rau rừng.
Đến với mảnh đất hào hùng này, từ tiết canh rừng, nộm hoa ban cho đến món nhót xanh cuốn bắp cải… chắc chắn cũng sẽ khiến du khách phải hài lòng.
Tiết canh rừng
Tiết canh rừng là món đặc sản riêng chỉ có ở bản Mường Luân, Điện Biên. Chỉ với nguyên liệu là lá cây bơ mó cùng một số loại gia vị, người dân tộc Lào đã khéo léo làm nên món ăn gây tò mò, kích thích vị giác của du khách.
Cây bơ mó là một loại cây rừng khá dễ kiếm, thường mọc vào mùa nóng. Cây có thân dây leo, lá màu xanh nhạt, phát triển rộ từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Sau khi hái lá bơ mó đem về, người ta thường mang đi rửa sạch, giã nhuyễn, pha với nước và vắt bỏ bã để có một hỗn hợp đặc, sền sệt màu xanh.
Tiết canh rừng gây tò mò cho nhiều người.
Tiếp đó, hỗn hợp này được trộn với các loại nguyên liệu khác gồm hành, tỏi, ớt, lá chanh, lạc rang, rau thơm… Để trong khoảng 5 phút, món ăn sẽ chuyển sang màu xanh thẫm và kết đông lại, có thể thưởng thức ngay lập tức.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng ít ai biết rằng, tiết canh rừng đòi hỏi người chế biến phải nhanh tay, có kinh nghiệm để xác định chính xác lượng nước, trộn các nguyên liệu đi kèm cho phù hợp thì món ăn mới đông được.
Tiết canh rừng có vị ngọt, thanh mát của lá cây, hòa quyện với đó là mùi thơm của các loại gia vị, rau thơm khá dễ ăn. Người dân tộc Lào thường thưởng thức tiết canh rừng trong các bữa cơm hàng ngày, thậm chí đem dâng lên mâm cỗ cúng tổ tiên.
Hoa ban
Hoa ban là sản vật của núi rừng và là linh hồn của Tây Bắc. Không chỉ tô điểm cho đất trời, hoa ban còn góp phần làm phong phú cho văn hóa ẩm thực vùng cao, khiến bao người say mê với những món ăn thơm ngon, thanh sạch.
Hoa ban khoe sắc giữa đất trời Điện Biên.
Mùa xuân, khi hoa ban nở kín núi rừng, các cô, các chị lại tranh thủ đem gùi đi hái búp hoa. Họ nhặt lấy cánh và nhụy ban, đem rửa nhẹ nhàng rồi trần qua nước nóng, cuối cùng là vò nát hoa để nấu thành nhiều món ăn khác nhau.
Nào là bát canh hoa ban thanh khiết, đĩa hoa ban nhồi cá nướng dậy mùi hấp dẫn… Ngoài ra, khi nấu xôi, người Tây Bắc thường cho thêm hoa ban vào đồ cùng. Miếng xôi ban ngọt dịu, thơm bùi, chấm cùng chẩm chéo thì không gì có thể sánh bằng.
Hoa ban có thể chế biến thành vô vàn những món ăn quyến rũ, níu lấy lòng người.
Nộm hoa ban là món ăn cầu kỳ và ngon miệng, thể hiện sự tỉ mỉ của người vùng cao. Ban được trần nước sôi rồi trộn với các gia vị như vỏ dổi, ớt, hạt tiêu, mắc khén... Thêm vào đó, để món ăn đảm bảo độ béo ngậy thì không thể thiếu thịt cá suối nướng. Tất cả các nguyên liệu được đảo đều với nhau, chờ chừng 20 phút cho ngấm gia vị là dùng được.
Nộm hoa ban là món ăn có sự hòa quyện của nhiều vị chua, cay, mặn, đắng, ngọt, bùi, kích thích vị giác. Ngày xuân, khi đã chán ngán những món ăn béo ngậy, nộm hoa ban trở thành món ngon giải ngấy mang đậm hương vị núi rừng.
Rêu đá
Rêu vốn dĩ là một loại thủy sinh, nhưng với người dân tộc Tày, Thái, Mông, Mường… rêu đá là một nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa ẩm thực. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.
Hái rêu đã là công việc vất vả, nhưng đập rêu còn đòi hỏi sự khéo léo và cầu kỳ không kém. Sau khi vớt rêu lên, người ta để lên thớt hoặc một hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho rong rêu bong ra các tạp chất. Phải đập sao cho khéo để rêu không bị nát, dễ mất chất dinh dưỡng và màu xanh tự nhiên. Sau khi được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, rêu có thể chế biến thành nhiều món.
Rêu được vớt từ suối lên.
Nếu thực khách muốn thưởng thức món canh rêu tươi, người Tày sẽ đem rêu nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, cho mắm muối và các gia vị rồi ăn nóng. Với món nộm rêu, người ta thường lấy rêu non, đồ cho chín rồi trộn cùng súp, mì chính và các gia vị. Nhưng độc đáo và được ưa chuộng nhất, chắc chắn phải kể đến món rêu nướng.
Chọn loại rêu dài bằng ngón tay trộn cùng muối, ớt, rau mùi, hành, sả, mắc khén rồi đem bọc trong lá chuối đã được hơ nóng cho mềm và tránh rách. Cuối cùng, người chế biến chỉ cần nướng trên than hồng cho tới khi xém lớp lá bên ngoài.
Sau khi nướng, rêu đá trở nên mỏng tang, giòn và vô cùng thơm ngon.
Theo kinh nghiệm dân gian, rêu nướng còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Bắp cải cuốn nhót xanh
Nhiều du khách truyền tai nhau rằng, lên Điện Biên phải tìm bằng được món bắp cải cuốn nhót xanh chấm cùng chẩm chéo.
Thực khách có thể thưởng thức bắp cải cuốn nhót xanh như món ăn chơi thú vị.
Đầu tiên, phải chọn những chùm nhót xanh vừa thành quả chưa lâu. Quả nhót phải xanh mướt, hơi mềm, chưa mọng nước, chua rôn rốt và cũng thoảng qua vị chát. Tiếp đến, bắp cải cũng phải là những lá vừa tầm, không già, không non quá. Sau cùng, chỉ cần thêm ít tỏi, lá rau mùi và gừng thái lát nữa là được.
Khi ăn, thực khách đặt các nguyên liệu vào trong lá bắp cải rồi cuốn và khẽ chấm vào bát chẩm chéo, vừa ăn vừa râm ran chuyện trên trời dưới biển. Món ăn chơi này là sự tổng hòa của các vị chua, cay, mặn, ngọt.
Theo Dân trí