Sau mỗi sự kiện "đỉnh" được cả thế giới quan tâm, dấu ấn Việt Nam để lại trong lòng nước bạn không chỉ là sự chuyên nghiệp, điều kiện vật chất, lòng hiếu khách mà đặc biệt nhất chính là ẩm thực Việt.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội ngày 27 – 28/2 tới không phải lần đầu tiên Việt Nam trở thành điểm đến của những sự kiện “đỉnh” được cả thế giới quan tâm. Trong 10 năm qua chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị lớn, kể cả những hội nghị quan trọng như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Sau mỗi sự kiện như vậy, dấu ấn Việt Nam để lại trong lòng nước bạn không chỉ là sự chuyên nghiệp, điều kiện vật chất, lòng hiếu khách mà đặc biệt nhất chính là ẩm thực Việt.
Tại APEC 2017 diễn ra ở Đà Nẵng, bữa trưa với các món ăn thuần Việt do ba mẹ con nghệ nhân Ánh Tuyết cùng vào bếp với các thành viên ở khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng thực hiện đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và nguyên thủ quốc gia các nước hết lời khen ngợi. Ông Anthony Naranjo, đầu bếp Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng đã tỏ lòng cảm ơn, cảm kích các thành viên trong đội đầu bếp đã chế biến nhiều món ăn ngon miệng, tinh tế chiêu đãi 21 nhà lãnh đạo cấp cao APEC.
Trước đó, năm 2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa món bún chả Hà Nội vang danh khắp thế giới khi ông gọi tới 2 suất và điều này đã được tái hiện hấp dẫn qua phóng sự do CNN thực hiện. Hành động của ông Obama ngay lập tức khiến mọi người liên tưởng tới câu chuyện cựu Tổng thống tiền nhiệm Bill Clinton trong chuyến công du đến Việt Nam năm 2000 đã "vô tư" để chuyên cơ và dàn vệ sĩ đứng chờ cả tiếng trong khi ông... một mình “giải quyết” hai bát phở. Nhờ sự kiện này, quyển từ điển Oxford danh tiếng đã dành ra hẳn một phần giải nghĩa riêng cho từ “phở”, phân biệt nó hoàn toàn thay vì chỉ dùng “noodles” để chỉ chung các món ăn có sợi.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả tại Hà Nội. Ảnh: chụp màn hình instagram
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, cũng dẫn câu chuyện năm 1958, khi lãnh tụ CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành - ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện nay - đến thăm Việt Nam, vì mê món ăn Việt do Bác Hồ giới thiệu đã đem theo cả vị đầu bếp người Việt ngày hôm đó sang Triều Tiên phục vụ trong nhiều năm.
Từ đó, vị lãnh tụ này luôn có một dấu ấn, tình cảm đặc biệt với ẩm thực Việt nói riêng cũng như người Việt Nam nói chung. Theo ông Kỳ, cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên tới đây sẽ là cơ hội “vàng” để giới thiệu các món ăn Việt, các đầu bếp, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam.
“Có câu nói “con đường ngắn nhất để đi đến tình yêu là thông qua dạ dày”. Khách quốc tế đi đến bất cứ nơi nào cũng mong muốn được thưởng thức đồ ăn ngon và khám phá nền ẩm thực của một quốc gia chính là cách để thấu hiểu văn hóa, lịch sử của một dân tộc. Nếu có thể nhân cơ hội này quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua các món ăn đặc sắc, du lịch chắc chắn được tác động rất lớn bởi ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch. Toàn bộ hệ thống dịch vụ tại chỗ sẽ được kích thích, phát triển, phần lợi nhuận nhà nước thu được từ tỷ lệ 70% này sẽ ngày càng lớn”, ông Kỳ khẳng định.
Theo TNO