Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã ủng hộ việc các nghệ nhân làm bánh nước này chuẩn bị hồ sơ để ứng cử bánh mì Baguette (Pháp) là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cùng điểm lại một vài món ăn, thức uống đặc sắc có mặt trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại UNESCO.
Nghệ thuật làm Pizza (Italia)
Pizza Margherita đặc trưng của vùng Naples (Italia).
Ngày 7/12/2017, “Nghệ thuật làm bánh Pizza” truyền thống của thành phố Naples, miền Nam Italia đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) lựa chọn là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, tại cuộc họp của Ủy ban Di sản này trên đảo Jeju (Hàn Quốc).
Ông Sergio Miccù, Chủ tịch Hiệp hội những người làm Pizza Naples cho biết, nếu Italia được cả thế giới biết đến là quê hương của bánh Pizza thì thành phố Naples chính là quê hương của những người thợ làm ra loại bánh Pizza ngon nhất thế giới.
Một chiếc pizza truyền thống cần được nướng trong lò củi.
Loại Pizza đặc trưng của vùng Naples chính là Pizza Margherita, được một đầu bếp địa phương thực hiện vào năm 1889 để chiêu đãi Nữ hoàng Margherita khi bà đến thăm Naples. Một chiếc Pizza Margherita “thần thánh” phải được nướng trong lò củi và có phần đế bánh mỏng.
Chiếc bánh có màu đỏ của cà chua vùng San Marzano, màu trắng của pho mát mozzarella làm từ sữa trâu và màu xanh của lá húng quế, đặc trưng cho màu cờ của đất nước hình chiếc ủng.
Theo ông Sergio, Hiệp hội những người làm Pizza Naples đã chuẩn bị hồ sơ ứng cử lên UNESCO trong suốt ba năm và thu thập được hơn hai triệu chữ ký của người ủng hộ trên khắp thế giới.
Ông Sergio chia sẻ: “Nghệ thuật làm Pizza Naples được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới không chỉ mang đến niềm tự hào cho người dân Italia mà còn trở thành một “đại sứ” giúp quảng bá văn hóa Italia một cách rộng rãi tớibạn bè quốc tế.
Văn hóa Bia (Bỉ)
Bỉ sở hữu hơn 3.000 loại bia khác nhau.
Tổ chức UNESCO đã kết nạp “Văn hóa bia Bỉ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại hồi 30/11/2016, sau một năm rưỡi nghiên cứu và xét duyệt. Tại một thời điểm khi nhiều quán rượu đóng cửa hay gặp khó khăn vì lượng tiêu thụ sụt giảm, sự công nhận quốc tế này được coi là một tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp này.
Nước Bỉ sở hữu tới hơn 3.000 loại bia khác nhau và trong đó có những loại được cả thế giới ưa chuộng như bia đỏ, bia đen, bia trắng hay bia hoa quả dành cho phụ nữ. Người Bỉ cho biết, khi bạn uống một chai bia Bỉ, đó không đơn thuần là thưởng thức một đồ uống có cồn mà chính bạn đang trải nghiệm văn hóa của đất nước họ. Ngoài ra, bia cũng được sử dụng để nấu ăn, sản xuất pho mát.
Hàng năm, Bỉ tổ chức rất nhiều lễ hội bia để quảng bá văn hóa của họ với bạn bè quốc tế.
Sven Gatz, người từng đứng đầu Hiệp hội Sản xuất bia Bỉ và sau đó trở thành bộ trưởng văn hóa khu vực phía bắc Flanders gọi việc văn hóa bia của họ được UNESCO công nhận cũng giống như chiến thắng World Cup.
Ủy Ban thẩm định Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá cao các biện pháp mà Bỉ đã áp dụng để bảo tồn nền văn hóa bia, nhất là chính sách đào tạo nghề cho lĩnh vực này cũng như các biện pháp chống tiêu thụ quá nhiều rượu bia.
UNESCO cũng hoan nghênh những nỗ lực của ngành bia Bỉ trong việc bảo vệ môi trường, cố gắng gìn giữ và bảo tồn các xưởng sản xuất bia thử nghiệm nhỏ dành cho những người đam mê nấu bia.
Ẩm thực Washoku (Nhật Bản)
Trong tiếng Nhật, từ “washoku” được dùng để phân biệt món ăn Nhật với món ăn có ảnh hưởng từ nước ngoài (yoshoku).
Khi ẩm thực truyền thống Nhật Bản - Washoku được UNESCO công nhận vào ngày 4/12/2013, người Nhật đã vô cùng tự hào bởi đây không phải là món ăn cụ thể mà là cả một nền ẩm thực đã được thế giới tôn vinh.
Ý tưởng đề nghị UNESCO công nhận các món ăn truyền thống Nhật Bản là di sản văn hóa phi vật thể thế giới được các đầu bếp hàng đầu tại cố đô Kyoto khởi xướng nhằm bảo vệ giá trị ẩm thực truyền thống trước sức "tấn công" mạnh mẽ của đồ ăn nhanh.
Trong đề án, Bộ Nông lâm thủy sản, Ban Di sản văn hóa đã đưa ra định nghĩa về Washoku: "Được tạo nên trên nền tảng tinh thần coi trọng sự tự nhiên của người Nhật; là tập quán xã hội liên quan chặt chẽ tới sự kiện trong năm như lễ đón năm mới, vụ mùa, lễ hội thu hoạch; làm tăng sự gắn kết giữa gia đình hay vùng miền".
Các món ăn truyền thống Nhật Bản không những ngon lành và thanh đạm mà khâu trang trí cũng rất tinh tế.
Trong tiếng Nhật, từ “washoku” được dùng để phân biệt món ăn Nhật với món ăn có ảnh hưởng từ nước ngoài (yoshoku). Một đặc trưng quan trọng khác trong món ăn truyền thống Nhật Bản chính là nguyên liệu chế biến thức ăn phong phú đa dạng và thay đổi theo từng mùa; thường sử dụng những loại lá cây, quả, hoa trong vườn nhà để trang trí cho món ăn.
Người Nhật cho rằng để đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng, mỗi bữa ăn cần có đủ năm màu (trắng, đỏ, vàng, xanh lục và màu tối) và sự kết hợp hài hòa giữa các vị mặn, chua, ngọt, đắng và umami (cảm giác ngon miệng).
Ngoài ra, đầu bếp Nhật luôn quan tâm tới tính thẩm mỹ, để mỗi món ăn đều trông như một tác phẩm nghệ thuật. Người Nhật thường ưa những món ăn thanh đạm nên hạn chế sử dụng tỏi, hạt tiêu và dầu mỡ. Đầu bếp luôn cầu kỳ trong việc lựa chọn đĩa đựng thức ăn, trong đó chất liệu ưa thích là gốm cổ và sơn mài với nhiều màu sắc, hình dạng khác nhau.
Theo CAND