Điều đọng lại lớn nhất trong tôi là niềm vui khi thấy những minh chứng đầu tiên của việc hương vị quê nhà của món ăn Việt đã có thể đi xa, có thể hội nhập sâu vào nền ẩm thực thế giới và sẵn sàng xuất hiện trên bàn tiệc hạng sang...
Hành trình
Chiếc Thìa Vàng đã qua nhiều vùng miền của đất nước, đã tìm và lưu giữ lại
nhiều món ngon của các nơi thông qua các cuộc thi, kể cả những món ngon tưởng
chừng đã thất truyền. Tất nhiên, vẫn chưa đầy đủ các món ngon dân gian, nhưng
một cách nào đó cho chúng ta thấy rằng cha ông chúng ta rất sáng tạo trong việc
tạo ra những món ngon, đặc biệt là những món tuy giống nhau nhưng mỗi vùng miền
lại có đặc trưng rất riêng của vùng đó. Bởi vậy, càng đi, càng thấy sung sướng,
càng thấy hạnh phúc và tự hào về nền ẩm thực quê mình.
Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt Chiêm Thành Long
Qua cuộc thi
Chiếc Thìa Vàng, các thí sinh thể hiện lại những món hương vị quê nhà, nhưng
qua bàn tay tài hoa, họ đã kết hợp từ món dân gian và trang trí theo cách hiện
đại, tạo ra những món thời hội nhập và làm cho món ăn Việt mang tầm quốc tế và
có thể đi xa để quảng bá cho ẩm thực Việt.
Món ăn Việt
được mọi người biết có nhiều rau, gia vị vừa phải, không quá béo, không quá
cay, không quá ngọt... đặc biệt ngon và lành. Mỗi vùng miền chúng ta lại có
nhưng sản vật địa phương. Như miền Tây nổi tiếng về các món mắm, nhất là Châu
Đốc có mắm Thái, Gò Công có mắm tôm chà, mắm còng. Miền Tây lại có nhiều cá
đồng như cá lóc, cá cóc, cá hô, cá linh... Nhưng sự sáng tạo từ những nguyên
liệu có được từ sự ưu đãi của thiên nhiên, các nghệ nhân ẩm thực biết kết hợp
vẽ ra những món ăn ngon và đẹp.
Kết hợp với
cây rau có trong thiên nhiên, họ dùng đọt sen non thay bánh tráng để gói cá lóc
nướng trui. Điều này làm cho món ăn ngon hơn và lại có vị thuốc. Lẩu mắm được
kết hợp với nhiều loại rau mọc trong ao hồ làm cho món ăn lạ miệng hơn, hấp dẫn
hơn... Ngay cả như món mắm họ cũng sáng tạo ra được nhiều món khai vị hấp dẫn.
Miền Trung
là những món ngon từ biển, từ sự tài hoa của vùng đất tưởng chừng rất cằn cỗi nhưng
lại ẩn chứa nhiều quà tặng của đất trời. Những món ngon từ hải sản được chế
biến thành những món tuy quen nhưng lạ, tuy lạ mà quen, từ tôm, nhum, cá chìa
vôi, mực, cù kỳ... Tôi nhớ hoài cảm giác “đã đời” khi được nếm thử đặc sản gà
kiếng từ Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Nam đến Huế cho thịt rất thơm ngon, gà nhỏ
là món rất đặc biệt chỉ dành mời khách quý. Hay ở Quảng Nam, Đà Nẵng có loại bò
sinh trưởng trên vùng đất vừa bị lụt nên cây cỏ giàu phù sa, tạo ra thịt bò
ngon đặc biệt để làm ra món bê thui Cầu Mống nổi tiếng.
Đến vùng cao
Tây Nguyên lại có những món ngon được chế biến một cách rất tự nhiên như bản
chất mộc mạc của núi rừng, từ gia vị cũng mang chất rất tự nhiên, như kiến
vàng, muối hạt, tiêu rừng, lá é... Nguyên liệu như cá anh vũ, dê núi, cá suối,
hoa artichaut, ngay cả như hoa violet, hoa cúc... cũng được đưa vào thực đơn
làm món khai vị và trang trí cho món ăn. Có nhiều màu sắc làm nên sắc thái
riêng của núi rừng...
Kể hoài, sẽ
chẳng bao giờ hết sản vật quê mình. Nhưng nhắm mắt lại, vẫn nhớ những câu
chuyện, những hương vị, những màu sắc của hương quê mà những đầu bếp tài hoa
đẳng cấp 4 sao, 5 sao hay những nghệ nhân dân gian đã đến và góp vào câu chuyện
lớn: xứ mình là xứ ẩm thực, và Chiếc Thìa Vàng phải đưa ẩm thực quê mình đi xa
hơn nữa...
CTV
Bài viết đã được in trong ấn phẩm Chiếc Thìa Vàng & Tinh hoa ẩm thực Việt mùa đầu
tiên.
Chiếc Thìa Vàng & Tinh hoa
ẩm thực Việt là bộ sách chuyên về ẩm thực, được phát
hành song song với chương trình Chiếc Thìa Vàng, gồm nhiều món ăn dân dã,
truyền thống của nhiều địa phương Việt Nam; những
chân dung đầu bếp thực thụ; những chia sẻ chân tình của người ước ao đưa ẩm
thực Việt vươn tầm quốc tế…
Ấn phẩm có bán tại hệ thống các nhà
sách Phương Nam và các showroom của Công ty Minh Long I trên toàn quốc.