Vòng bán kết cuộc thi Chiếc Thìa Vàng năm 2015 khu vực phía Bắc diễn ra vào ngày 13-10 và phía Nam 27-10, hứa hẹn rất hấp dẫn để tìm những tấm vé đi tiếp vào vòng chung kết.
Đến nay, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng năm 2015
đã đi qua nửa chặng đường. Vòng bán kết tới đây dự báo sẽ tiếp tục gay
cấn, hấp dẫn với hành trình vẽ bản đồ ẩm thực Việt thông qua việc tìm
kiếm, giới thiệu những món ngon vật lạ của các vùng miền, tôn vinh những
đầu bếp tài năng và những nhà hàng xuất sắc.
Bất ngờ với món ngon vật lạ
Với tầm vóc của cuộc thi ẩm thực quốc gia,
Chiếc Thìa Vàng đang bước vào tuổi lên 3 theo hướng chuyên nghiệp hơn
trong tất cả các khâu: Từ tổ chức cuộc thi cho đến hình thức nhận diện
trên các phương tiện truyền thông. 360 đầu bếp thuộc 119 đội thi đến từ
các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch trên khắp cả nước đã tham gia vòng
sơ kết tại 6 khu vực, cho thấy sức hút và quy mô của Chiếc Thìa Vàng năm
nay.
Ban giám khảo chấm thi vòng sơ kết Chiếc Thìa Vàng 2015
Trong hành trình ấy, hơn nửa năm qua, cả ban tổ chức, ban cố vấn, giám
khảo cho đến những người đứng bếp tài năng đã miệt mài rong ruổi từ mũi
Cà Mau đến Lào Cai mây phủ để tìm kiếm nguyên liệu cho những món ngon
vật lạ mà nói như lời của một thành viên ban giám khảo là “đi tìm lời
thì thầm của các loại gia vị”. Đó là lời của lá sâng - loại lá của cây
thân gai, giống cây sung, vốn mọc ở núi đồi, đọt có vị the, ngậm lâu
chuyển hậu ngọt. Người dân địa phương thường sử dụng loại lá này với món
thịt bò xào sâng lốt (lá sâng, lá lốt). Hay lời của trái gáo - một loại
trái rừng, có vị chua, cây cho quả vào tháng 7, quả tròn, mặt ngoài xù
xì, chia các thùy nhỏ đan kín nhau, khi bổ ra phía trong giống trái mít
non hoặc trái sa kê.
Trái gáo
Cũng trong cuộc so tài của gia vị Tây Bắc, không thể không nhắc đến trái
cà đắng với hương vị đặc trưng, cây thường mọc cheo leo ở đồi núi huyện
Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. “Ôi chu choa! Hắn ngon lạ lùng lắm! Thoạt đầu,
đắng loang trên đầu lưỡi. Chợt, ngọt dịu lại nơi vòm họng. Mà hậu vị hắn
thanh tao lắm kia!” - bà Hồ Thị Hoàng Anh, giám khảo chuyên môn của
cuộc thi, nhận xét. Ngoài ra, các loại gia vị từ lá su siêng, lá vón
vén, cây cơm nếp, trái gáo... trên khắp mọi miền đất nước cũng đã mang
đến cho ban tổ chức và ban giám khảo hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Lá sâng
Hứa hẹn nhiều ở vòng bán kết
Vòng sơ kết đã khép lại với 50 tấm vé đi
tiếp vào vòng bán kết dành cho các đội thi từ mọi miền đất nước đã được
các chuyên gia ẩm thực, ban tổ chức đánh giá cao. Những đội thi vượt qua
vòng sơ kết một cách xuất sắc phải kể đến là khách sạn Lotte Hà Nội,
khách sạn Bái Đính, Sofitel Plaza Hà Nội, hệ thống nhà hàng Cảnh Hồ,
khách sạn Sài Gòn Hạ Long, nhà hàng Bảo Châu Boutique Sapa, nhà hàng Sen
Trắng, Novotel Danang Premier Han River, khách sạn La Residence, SG
Morin, Modial (TP Huế), khách sạn Mường Thanh Quy Nhơn, khách sạn
Intercontinental Nha Trang, Ana Mandara Villas Đà Lạt, khách sạn Yasaka
Nha Trang, Khu Du lịch Bình Quới 1, khách sạn Sheraton (TP HCM)...
Vòng bán kết ở phía Bắc sẽ diễn ra vào
ngày 13-10 tại showroom Minh Long I (số 3-5 Nguyễn Văn Linh, phường Gia
Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội). Với chủ đề “Món ăn vàng”, vòng bán kết
1 hứa hẹn là trận tranh tài gay cấn của các đại diện đến từ Đà Nẵng,
Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Vĩnh Phúc,
Hà Nội... Vòng bán kết ở phía Nam sẽ diễn ra tại TP HCM vào ngày 27-10,
dành cho các đội từ Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, TP HCM, Bình
Dương... đến Cà Mau.
Các đội thi bước vào vòng bán kết sẽ tranh
tài quyết liệt để giành tấm vé vào vòng chung kết, dự kiến diễn ra tại
Bình Dương vào ngày 2-12 để giành giải thưởng trị giá 1 tỉ đồng.
Mục tiêu vì thương
hiệu quốc gia
Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015 do Công
ty TNHH Minh Long I và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp
phối hợp tổ chức, nhãn hàng Ly’s Horeca tài trợ với sự bảo trợ của Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Du lịch Việt Nam. Tổng trị giá giải
thưởng lên tới hơn 3 tỉ đồng.
Nhằm mục tiêu đưa ẩm thực Việt trở
thành thương hiệu quốc gia và xây dựng một đội ngũ đầu bếp - nghệ nhân, cuộc
thi đưa ra nhiều quy định khắt khe, như yêu cầu các món dự thi phải đạt chuẩn
về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mang tính phát hiện những đặc sản và
gia vị đặc trưng của vùng miền; đầu bếp có kiến thức chuyên môn, chuyên nghiệp
trong quá trình chế biến, biết lựa chọn thực đơn hoàn hảo, trình bày có nghệ
thuật...
Theo Linh Nguyễn
Người Lao động