Nếu vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng phía Bắc như trận “thư hùng” “sống mái”, thì vòng bán kết 2 tại Khu du lịch Văn Thánh (TPHCM) là một “cuộc đua marathon” quyết liệt đến tận cuối ngày 27, 28/10.
93 đầu bếp xuất sắc đến từ những vùng đất “thiên đường của ẩm thực Việt”
- đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Đông Nam bộ và
TPHCM - đã mang đến Chiếc Thìa Vàng 2015 những món ăn đựng đầy tâm huyết và sự sáng tạo.
Nhiều bếp trưởng đã lặn lội khắp núi cao, sông sâu để tìm những gia
vị mới, những lá quả lạ cho thực đơn của mùa đánh thức gia vị. Họ chuẩn
bị chu đáo để rồi dành những “tuyệt chiêu” vào phút 89, là kỹ thuật chế
biến món ăn, những gia vị lạ, cách bài trí hiện đại như một món quà bất
ngờ dành cho ban giám khảo cũng như quan khách tham dự Chiếc Thìa Vàng.
Là một trong những đội tạo được ấn tượng tốt với ban giám khảo trong
ngày thi đầu tiên - Khách sạn Kim Đô mang đến loại trái dại mà chắc hẳn
những ai đã từng lớn lên ở những miền quê đều biết. Đó chính là trái
bình bát, khi còn sống có màu xanh, khi chín có màu đỏ.
Trái bình bát được các đầu bếp Khách sạn Kim Đô dùng cho các món ăn vàng và cả trang trí trên bàn tiệc.
Đầu bếp Nguyễn Như Cường chia sẻ quá trình lặn lội về An Giang tìm
trái bình bát: “Công tìm là 1 mà công mày mò, nghiên cứu để nấu là 10,
bởi để làm được những món ăn ngon thì cần phải liên tục làm, thử, sai
rồi lại làm lại đến khi nào ưng ý mới thôi. Ban đầu làm hư hoài. Nhưng
không nản. Đã là đầu bếp thì phải đam mê khám phá và chịu khó nghiên
cứu, nấu thử lúc nào mình ăn cảm thấy ngon thì mới phục vụ khách. Không
chỉ đi thi mà ngày thường cũng cần phải như vậy”.
Và tất nhiên, điều này đã làm các chuyên gia ẩm thực phấn khởi bởi đó là sự sáng tạo, phát hiện mới lạ về gia vị.
Đầu bếp Đức Hoàng (Nhà hàng Ánh Dương) khi đến với Chiếc Thìa Vàng,
từng ngồi ghế chấm các món ngon làm từ mây rừng tại quê nhà Kon Tum.
Thấy thú vị với những món ăn độc đáo của người Gia Rai, đầu bếp trẻ
quyết định mang mây rừng vào vòng bán kết với món ăn vàng mang tên Hương
rừng: mây đắng Gia Rai - Rau dớn xào tỏi - Nộm tơ chuối rừng. Đó cũng
là cách Hoàng quảng bá đặc sản địa phương tại sân chơi tầm cỡ quốc gia
này.
Không chịu lép vế, các đầu bếp Nam bộ cũng “thủ sẵn” những gia vị gây
bất ngờ như: sốt bông riềng, củ xá kiến, lá sọ chó, lá vông vang...
Không
chỉ đạt đến sự tinh tế, đẳng cấp trong kỹ thuật chế biến - Bếp trưởng
Lê Võ Anh Duy của Khu du lịch Bình Quới còn dành nhiều tâm sức tìm tòi
những gia vị mới lạ cho các món ăn vàng của mình như: củ xá kiến, lá sọ
chó, lá kìm kìm, trái sả...
Tại Chiếc Thìa Vàng, lá sọ chó tỏ ra rất “xứng đôi vừa lứa” với tôm
hùm mà các đầu bếp đội Khu du lịch Văn Thánh “mai mối”. Sang trọng hơn,
nụ của cây sọ chó còn được các đầu bếp đội 36 (Khu du lịch Bình Quới 1)
“se duyên” với một giống tôm rồng, cho món ăn không chỉ đậm đà hương vị
mà còn lung linh hơn.
Nói đến đội 36 lại phải kể đến món gà trống thiến nấu củ xá kiến ăn
kèm bún tươi. Bởi thêm một loại gia vị lạ, lần đầu tiên xuất hiện tại
Chiếc Thìa Vàng và “ghi điểm”. Củ xá kiến có họ hàng với nghệ, riềng cho
cả hương và vị. Nó có mùi hăng như riềng nhưng cay the nhẹ hơn. Đầu bếp
Anh Duy của đội này cho biết, chỉ cần xài một lượng nhỏ cũng đủ giúp
cho gà trống thiến lập tức “cất tiếng gáy”.
Sau nhiều đắn đo, cuối cùng Ban giám khảo mới nhẹ nhõm công bố tên
những đại diện xuất sắc phía Nam bước tiếp vào vòng chung kết.
Giải nhất danh giá của cuộc đua căng thẳng nhất trước thềm trận chung
kết Chiếc Thìa Vàng 2015 thuộc về Khu Du lịch Bình Quới 1 với kỹ thuật
chế biến tốt, hiện đại, vị món ăn ngon và trình bày hài hòa, đẹp mắt
trên nền chén dĩa Ly’s Horeca.
Các món ăn đẹp mắt của đội Bình Quới 1: Bánh tráng phơi sương cuốn rau
rừng ăm kèm mắm còng lột Gò Công - Chả ếch nướng trái sả lá lìm kìm ăn
kèm sốt cay trái sả; Tôm rồng sốt hoa sọ chó ăn kèm sà lách lá sọ chó củ
hủ dừa (Ảnh trên); Gà trống thiến nấu củ xá kiến ăn kèm bún tươi, hoành
thánh nhồi nhân gà chiên giòn.
Bếp trưởng Lê Anh Duy cùng đồng đội ở KDL Bình Quới lập cú đúp quán quân vòng sơ khảo và bán kết Chiếc Thìa Vàng 2015.
Đồng giải nhì thuộc về các đội KS Continental, KS Kim Đô, Công ty Cổ
phần Giải trí Miền Nam (TPHCM), KS Grand (Vũng Tàu), Khu Du lịch Mỹ Lệ
(Bình Phước), KS Đông Xuyên (An Giang), Nhà hàng Tiệc cưới Thảo Ngoan
(Đồng Nai), Amiana Resort (Nha Trang) và Khu Du lịch Phương Nam (Bình
Dương).
Trong giờ phút trao giải, thật nhiều cảm xúc đan xen, có những nụ
cười rạng ngời của người đoạt vé đi tiếp, cạnh đó là những ánh mắt vui
buồn, hụt hẫng khi phải dừng bước. Tuy nhiên, khoảnh khắc ấy vụt qua rất
nhanh. Thay vào đó là cái bắt tay, vỗ vai kèm theo lời chúc mừng, thậm
chí người dừng bước gửi gắm hi vọng của mình cho những đồng nghiệp sẽ
bước vào vòng chung kết.
Họ mang bao tâm huyết cũng như kỳ vọng về một cuộc hội ngộ với 14 đội
khác tại vòng chung kết ở Bình Dương nhưng chưa thành. Song họ nhận ra
rằng đã đạt được một thành công to lớn hơn, đó là quảng bá sản vật quê
hương đến với nhiều đối tượng thực khách trong và ngoài nước tại cuộc
thi tầm cỡ này.
Như vậy, 15 tấm vé đã được trao cho những đầu bếp xuất sắc nhất trên
cả nước, đồng nghĩa với việc trao cơ hội để bước tiếp vào trận tranh
giải 1 tỷ đồng và Cúp Đầu bếp danh giá. Vòng chung kết Chiếc Thìa Vàng
2015 sẽ diễn ra vào ngày 2/12 tới tại Minh Sáng Plaza, Bình Dương.
Chùm ảnh những gia vị mới lạ tạo nên cuộc chiến mùi - vị trong vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng 2015:
Cà nút áo đem đến sự độc đáo cho bàn tiệc Chiếc Thìa Vàng 2015
Củ xá kiến có mùi hăng như riềng, nhưng cay the the hơn. Lần đầu tiên
xuất hiện tại Chiếc Thìa Vàng, loại gia vị lạ này góp phần quan trọng
vào chiến thắng của KDL Bình Quới 1.
Lá dổi của núi rừng Tây Bắc cũng góp mặt vào bàn tiệc của đầu bếp Nam
bộ, giúp dậy hương vị đặc trưng cho nhiều món: nướng, hấp, kể cả món
nước.
Lá và bông cây sọ chó mọc nhiều ở vùng rừng núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Lá thường được dùng để tẩm ướp thịt rừng nhằm tạo vị thơm độc đáo khi
đem nướng.
Lá vông vang được đầu bếp Lê Thanh Hà (Nhà hàng Mùa Vàng) dùng để nấu món súp cá mú nghệ
Mây
đắng Gia Rai mọc trên vùng núi cao, có vị đắng tuy nhiên sau khi nuốt
một thời gian sẽ có vị ngọt hậu. Loại mây này hỗ trợ chữa bệnh xương
khớp rất tốt, trị chứng gai cột sống...
Quả trám đen được bếp trưởng Nguyễn Kim Cương (Khu du lịch Bình Quới 2) mạnh dạn phối với các món gỏi và om cá mú
Rau dớn - loại cây mọc ven khe suối, tính mát, ăn vào giòn. Đội thi nhà
hàng Ánh Dương đến từ Kontum dùng những nguyên liệu quen thuộc của núi
rừng Tây Nguyên tạo món ăn dự thi.