Về xuất xứ, câu thành ngữ “cà cuống chết đến đít vẫn còn cay” bắt nguồn từ chuyện con cà cuống.
Cà cuống (tên khoa học là Belortone Indica) là một giống côn trùng thuộc bọ cánh nửa (nửa cứng, nửa mềm), mình dẹt và sống trong nước hoặc nửa nước nửa cạn như ruộng lúa, ruộng năn lác, nơi đầm lầy…
Con cà cuống. Ảnh: TL
Ở nông thôn, đến mùa thu hoạch lúa nước, người ta thỉnh thoảng lại bắt được mấy chú cà cuống hốt hoảng đang chạy tìm chỗ trú. Con cà cuống đực, cơ thể của nó có chứa tinh dầu trong đôi tuyến đặc biệt nằm ở khoang bụng phía dưới đuôi. Chất tinh dầu này, tên hoá học là Veleriant Amil, không độc, có vị cay mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị quý trong bữa ăn của người Việt Nam ta, nhất là ở nông thôn.
Bây giờ, vào nhà hàng đặc sản, người ta hay giới thiệu món nước mắm cà cuống, hay tinh dầu cà cuống để ăn với bánh cuốn hay một số món đặc biệt. Theo nghĩa đen, câu thành ngữ trên nói về một thực tế là: “con cà cuống thì dù chết ở đằng đuôi (đít) chất cay của tinh dầu quý kia vẫn còn”. Song, trong đời sống tiếng Việt, câu thành ngữ trên không dùng với nghĩa đen, chỉ dùng với nghĩa bóng. Nó chỉ những ai có thái độ ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai rành rành của mình.
Ví dụ: “Sự thực hai năm rõ mười, người ta đã nói như thế mà mấy cha ấy vẫn cãi bay cãi biến, không chịu nhận ra lỗ lầm. Rõ là cà cuống chết đến đít còn cay”; hoặc “Như cà cuống chết đến đít còn cay, bọn Giônxơn vẫn nhai nhải “giữ vững lời cam kết” với nguỵ quyền Sài Gòn” (báo Nhân Dân, 5/4/1968).
Vì sao câu thành ngữ có nghĩa như trên?
Ở đây có một vấn đề khá lý thú là: quá trình hình thành nghĩa bóng của thành ngữ trên chính là quá trình sáng tạo tinh tế trong cách dùng từ và lối chơi chữ đồng âm của dân gian. Thật thế, câu thành ngữ khởi thuỷ là dựa vào một hiện tượng có thật: cà cuống - chết - đít còn cay.
Thế rồi dân gian chỉ thêm vào giữa các từ của câu tiếng Việt miêu tả hiện tượng ấy một chữ đến mà làm thay đổi ngữ nghĩa: cà cuống chết [đến] đít còn cay. “Chết đến đít” là cách nói quen thuộc của dân gian diễn tả sự nguy ngập, khó tránh khỏi, ở đây là “sự thất bại”, “sự sai trái” đối lập với “phải” và cay ở đây không phải là “vị cay” nữa mà là “cay cú” ăn thua.
Sự phối hợp giữa các thành viên (từ) trong thế trận ngôn từ cùng với sự chơi chữ đã đem lại cho câu thành ngữ trên một hiệu quả bất ngờ. Và lập tức nó được hiểu theo nghĩa bóng mà chúng ta vừa phân tích...
Câu thành ngữ trên còn được dùng ở dạng biến thể khác là: cà cuống chết đến ức còn cay. Có lẽ, đó là do người ta tưởng lầm rằng tuyến cay của cà cuống ở năm ở ức (ngực) của nó. Tuy nhiên, so với biến thể cà cuống chết đến đít còn cay thì cách nói thứ hai (cà cuống chết đến ức còn cay) nhẹ hơn, giảm giá trị biểu cảm và vì thế, kém sâu cay hơn trong việc diễn tả ý nghĩa:
Chết đến đít, chết thật mà
Vẫn còn cay cú giống cà cuống kia...
PGS-TS Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)