Ông Táo và ngày giỗ Tổ Nghề Bếp

Thứ năm, 08/02/2018 16:45
0
0
Mỗi một ngành nghề đều có một Tổ nghiệp riêng.

Trong văn hóa Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hàng năm được biết đến là ngày đưa ông Công, ông Táo về Trời để trình sớ cho Ngọc Hoàng về những sự việc trong một năm vừa qua.

Trong văn hoá truyền thống của dân tộc ta, vị trí của bếp rất quan trọng. Bếp là biểu tượng của một gia đình, thể hiện sự quây quần ấm cúng. Người ta thường có câu "bếp luôn đỏ lửa" để nói về sự đầm ấm, hạnh phúc của một gia đình. Việc cúng Táo quân cũng nhằm bày tỏ sự tri ân với vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt của gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn với gia đình mình.


Truyền thuyết Táo Quân

Truyền thuyết Táo Quân được truyền qua nhiều thế hệ và có nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là câu chuyện về một người tên Trọng Cao có vợ là Thị Nhi sống với nhau đã lâu nhưng không có con, nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi, bèn đi tìm vợ, nhưng tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên đành phải đi ăn xin. Trong một ngày nọ, Trọng Cao vô tình đến ăn xin nhà Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau. Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, hai người kể mọi chuyện cho nhau nghe và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Khi Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích, Thị Nhi bảo Trọng Cao nấp trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về tới nhà, không hay biết gì nên liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Sợ bị phát hiện, Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết nên cũng nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, nghĩ mình làm gì sai trái nên vợ buồn mà chết, cũng nhảy vào đống rơm chết theo vợ.

Linh hồn của ba người được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là Định phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một công việc:

- Phạm Lang làm Thổ công, trông coi việc bếp. Danh hiệu là: Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân.

- Trọng Cao làm Thổ địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu là: Thổ địa long mạnh tôn thần.

- Thị Nhi làm Thổ kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu là: Ngũ phương ngũ thổ phúc đức thánh thần.

Dù có đến ba người nhưng người Việt quen gọi là ông Táo hay Táo Quân theo thuyết tam vị nhất thể (hay còn gọi là thuyết Ba Ngôi) để chỉ bộ ba người quan trọng trong gian bếp, họ được cho là thần Bếp, thần Đất và thần Nhà. Một số nơi còn gọi ba ông Táo là ba ông đầu rau - tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi xanh đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn kia. Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Chính vì vậy, nhân dân có tục lệ thờ hai ông một bà và ngày 23 tháng Chạp hàng năm làm lễ Táo Quân, tế ông Công, ông Táo lên chầu trời... Đây cũng được coi là ảnh hưởng của phong tục thờ thần lửa, một phong tục có từ lâu đời!

Nghề bếp quanh năm cũng quanh quẩn trong bếp, tiếp xúc với lửa, gần gũi với ba vị Táo Quân. Và không biết tự bao giờ, các đầu bếp hoặc những người hoạt động trong những lĩnh vực có liên quan đến nghề bếp cũng chọn ngày 23 tháng Chạp này làm ngày giỗ Bếp, nhằm tri ân những vị tổ nghề, những người đã có công sáng lập và truyền bá giá trị truyền thống lâu đời.


Người Việt thường hóa hoặc thả cá chép để đưa Ông Táo về Trời.

Vậy Tổ Nghề Bếp là ai?

Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu hay sách vở nào khẳng định ông hoặc bà tổ Nghề Bếp là ai. Tuy nhiên nếu là người trong nghề, cái tên Mạc Thị Giai cũng đã không còn xa lạ. Nhiều người còn tin rằng Bà chính là Bà Tổ Nghề Bếp của Việt Nam.

Bà Mạc Thị Giai (1578-1630) quê gốc ở Hải Dương, vốn là người rất thông thạo kiến thức y học cổ truyền Việt Nam. Sau này, Bà trở thành vương phi của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, lại có điều kiện nghiên cứu và học hành, nên Bà đã chịu khó học hỏi thêm các kiến thức y học Trung quốc từ những người Hoa chạy tị nạn sang Hội An lúc bấy giờ.

Trong nhiều giai thoại, Bà Mạc Thị Giai chính là người đã khơi màu cho ẩm thực Nam Bộ trong những năm đầu thế kỷ 15. Bà là người đã có nhiều đóng góp to lớn trong cách sáng tạo các món ăn miền Nam nói riêng và nền ẩm thực Việt Nam nói chung lúc bấy giờ. Cho đến nay những cách kết hợp trong chế biến món ăn của Bà vẫn còn được sử dụng.

Vốn là người am hiểu và có kinh nghiệm nấu ăn ở Đàng Ngoài, Bà liền vận dụng chúng vào đời sống ở Đàng Trong. Bà có một quy tắc nổi tiếng là “5 dùng”, nghĩa là dùng ngũ cốc làm chất dinh dưỡng, dùng ngũ quả làm chất bổ trợ, dùng thịt của năm loài gia súc làm chất bổ dưỡng, dùng năm loại rau để cho thêm đầy đủ, dùng 5 vị thuốc cơ bản có dược tính cao để phòng và trị bệnh. Phương pháp này đến nay vẫn được dùng trong chế biến các món ăn của người Việt Nam.

Trong nghệ thuật ăn uống, bà cũng đưa ra phương châm “ăn uống phải hòa hợp với vị, thì mới bổ tinh ích khí”. Bà hướng dẫn phương pháp ăn uống để phòng chống bệnh tật là đưa thêm nhiều loài cá kể cả cá sấu, trăn, rắn… vào nguồn thức ăn động vật, thêm nhiều loài cây là đặc sản miền Nam vào nguyên liệu nấu ăn như thốt nốt, ô rô, cóc kèn, trâm bầu… làm cho món ăn thêm đa dạng, phong phú và mang màu sắc riêng của vùng Nam Bộ.

Quan niệm “thức ăn phòng và chữa trị bệnh là loại thuốc tốt nhất”, từ lâu đã được ông cha ta tâm niệm và truyền đạt lại. Nó xuất phát từ việc đi khai hoang vào Đàng Trong (miền Nam) một nơi có điều kiện khí hậu khác biệt hơn so với Đàng Ngoài (miền Bắc) lúc bấy giờ. Vì vậy, chế biến món ăn sao cho phù hợp phong thổ rất được chú trọng. Người miền Nam coi thức ăn như dược liệu, được phân chia theo khí và vị của nó. Khí thì có 5 loại là lương (mát), hàn (lạnh), bình (thường), ôn (ấm) và nhiệt (nóng). Hai khí là âm và dương, trong đó chua - đắng - mặn thuộc về hành âm, còn cay - ngọt - nhạt thuộc về hành dương. Ngày nay trong chế biến các món ăn, phương pháp này vẫn được coi trọng, người Việt luôn cân bằng âm - dương sao cho hài hòa trong các món ăn.

Thiên nhiên và thời tiết miền Nam quanh năm nóng bức, biết điều này, Bà Mạc Thị Giai luôn đưa ra những phương pháp nấu ăn sao cho phù hợp phong thổ. Bà khuyên nên dùng các món ăn thuộc âm có tính lương, hàn, có nhiều vị chua, đắng, mặn. Mặt khác, Nam Bộ là nơi màu mỡ, có điều kiện thiên nhiên thuận lợi nên các nguồn nguyên liệu vô cùng đa dạng và phong phú với tôm, cua, sò, ốc, các loại thịt, cá… nên phải tận dụng vào chế biến món ăn.


Khu lăng mộ Bà Mạc Thị Giai

Bà Mạc Thị Giai mất khi chỉ mới 52 tuổi, dù thời gian đã qua rất lâu, nhưng những kiến thức và kinh nghiệm trong cách chế biến các món ăn của Bà luôn là bài học quý báu, không chỉ riêng với những ai theo đuổi Nghề Bếp chuyên nghiệp, mà còn đối với tất cả người Việt. Vì trong mỗi gia đình, chúng ta đều bắt gặp hình ảnh của một người Đầu Bếp, tìm tòi sáng tạo ra những món ăn hợp khẩu vị gia đình mình.

Theo Bếp trưởng

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG