Nước dùng bún cá dù ở đâu cũng mang vị thanh ngọt, không ngấy hay béo ngậy nên dễ ăn hơn nhiều loại bún khác.
Bún cá rô đồng Hải Dương: Món bún cá rô đồng nổi tiếng từ vùng đất Hải Dương được nấu từ nguyên liệu chính là cá rô đồng. Chỉ sử dụng mỗi cá rô đồng nhưng người đầu bếp lại khéo léo chế biến theo ba cách khác nhau như luộc, chiên hoặc chả băm. Chính biến tấu này giúp thực khách có cảm giác vừa ngon miệng vừa không bị ngấy.
Bún cá thì là Hà Nội: Cá để làm món bún cá thì là thường là cá thác lác hoặc thịt cá quả chiên giòn... Thông thường, bát bún có nhiều màu sắc rất hấp dẫn, nào là màu đỏ của cà chua, màu xanh của rau cần, màu vàng nâu của cá chiên giòn và dậy mùi hành thì là thơm mát.
Bún cá thu Đà Nẵng: Đây là một trong hai loại bún nổi tiếng của Đà Nẵng. Cá thu tươi được rửa sạch, nấu chín mà không mất đi vị ngọt, mùi thơm và độ dai của thịt cá. Nước dùng của món bún cá thu cũng được nấu từ xương cá và các loại cá nhỏ khác để có độ ngọt. Ăn kèm với bún cá thu là đĩa rau sống thái nhỏ với rất nhiều nguyên liệu như xà lách, bắp cải, giá, húng quế, húng thơm... cùng chén nước chấm hơi cay. Thêm một ít củ hành ngâm chua, ớt hiểm, mắm ruốc vào thì tô bún mới đậm đà, trọn vẹn.
Bún chả cá Quy Nhơn: Miền Trung vốn nổi tiếng với bún chả cá các loại. Món ăn này đơn giản với nước dùng trong, miếng chả cá mịn, dai và thơm được ăn cùng rau thơm. Nước dùng món bún chả cá được nấu từ xương cá thu, cá cờ hoặc những loại cá nhỏ khác nên có vị ngọt thanh, đậm đà và không tanh.
Bún cá thác lác Phú Yên: Bún cá thác lác hay gọi theo cách của người Phú Yên là bún cá sóc lác, là món ăn sáng bình dị ở xứ hoa vàng trên cỏ xanh này. Món bún cá này hấp dẫn người ăn nhờ cái vị đậm đà, ngọt thanh rất dễ chịu. Bát bún là sự kết hợp giữa bún sợi nhỏ, nước dùng, chả cá thác lác và các loại rau sống ăn kèm.
Bún cá dầm Nha Trang: Bún cá dầm là món ăn bình dị và rất quen thuộc của thành phố biển Nha Trang. Được nấu từ các loại cá tươi nổi tiếng ở vùng biển Khánh Hòa như cá sòng, cá cam, cá thu, cá cờ.... Những con cá còn sống được làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương, thịt cá được thái thành từng khúc vừa ăn. Nước dùng không nấu từ xương heo mà từ xương của các loại cá như cá thu, cá cờ hoặc mua các loại cá nhỏ về ninh để lấy nước. Nhờ đó nên nước dùng có vị ngọt thanh rất tự nhiên, không lẫn vào đâu được.
Bún cá miền Tây: Miền Tây được biết đến với bún cá Kiên Giang và bún cá Châu Đốc, bún cá Long Xuyên. Với các nguyên liệu là cá lóc, nước dùng và bún tươi, nhưng sự hấp dẫn của món bún này nằm ở màu sắc và hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Bún cá miền Tây thường được ăn kèm cùng rau diếp cá, húng quế, bắp chuối rau muống, bông điên điển...
Bún cá Châu Đốc: Bún cá Châu Đốc có nước dùng được ninh từ xương ống, ninh tới đâu thì vớt bọt tới đó nên có nước dùng trong, vị ngọt. Cá được dùng trong món ăn này là cá lóc đã được lọc xương.
Theo MASK