HƯƠNG PHÙ SA:

Những bến sông vàng

Thứ hai, 10/09/2018 09:50
0
0
“Tháng bảy nước nhảy lên bờ”…

... Tức là cứ đến tháng 7 âm lịch, mưa về nhiều ở thượng nguồn sông Mê Kông từ cả tháng trước đó rồi xuôi dòng tìm về biển cả. Nước đổ vào đầy ắp Biển Hồ trên đất Campuchia, còn bao nhiêu thì tuôn về Việt Nam theo hai nhánh thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu. Hệ thống sông Cửu Long có chín cửa đổ ra biển lớn cùng với hàng ngàn phụ lưu nhỏ - nhưng nước chảy vẫn không kịp thoát nước. Chính vì vậy, nước của hai nhánh sông Tiền và sông Hậu mới tràn ngập ruộng vườn, kênh rạch của năm tỉnh đầu nguồn (Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, An Giang và Kiên Giang). Chu kỳ ấy luôn lặp lại tuần hoàn. Năm nào cũng vậy.


Bông điên điển được xem là một trong những sản vật của mùa nước nổi miền Tây.

Mùa nước nổi chính là mùa lũ, thế nhưng người miền Tây vẫn cứ gọi nó là mùa nước nổi - nghe hiền hòa và tượng hình hơn nhiều. Nước thượng nguồn mang theo phù sa cuồn cuộn đổ về vùng đồng bằng sông Cửu Long với màu đỏ như gạch pha sữa đặc. Nước sông dâng cao kèm với những cơn mưa mù trời liên tục đổ xuống làm các đoạn bờ đê ranh giới gần như bị xóa mờ, chỉ còn lại những cánh đồng nước, trắng xóa mênh mông đến bất tận. Đấy cũng là mùa điên điển bắt đầu trổ bông.

Điên điển là cây thân gỗ đàng hoàng, không phải dây leo như hoa thiên lý mà các bạn ở thị thành nhầm tưởng. Thuộc họ đậu, thân gỗ xốp, nước lên tới đâu, cây điên điển hình như lại… cao theo đến đó. Mà cũng lạ! Nghe bảo ngày xưa, thời khẩn hoang Nam bộ, ông cha ta đã thấy điên điển chỉ toàn lựa những nơi gần nước để sinh sôi. Rồi đến thời nay, khi giá trị của cả bông và cây điên điển lên cao, người ta cũng theo đó mà trồng điên điển trên bờ sông bờ kênh, để khi tới mùa, dọc mép nước lại vàng rực bông điên điển.


Khách ăn trong nhà hàng ít khi để ý, nhưng ai ở miền Tây đều biết bông điên điển chỉ nên hái vào sáng sớm khi chưa có mặt trời hoặc khi chiều tối; lúc đó hoa hoặc còn búp, hoặc đã khép cánh, hương vị của hoa mới giữ được trọn vẹn, cánh hoa cũng không bị bầm dập khi thu hái và di chuyển.

Có người kể chuyện về miền Tây lấy dầm (mái chèo) đập vào thân cây điên điển cho bông rụng xuống khoang thuyền đem về ngâm dưa chua là chuyện… bác ba Phi! Bông điên điển búp cọng rất cứng chắc, khó rụng, muốn hái nhanh phải cầm cả nhánh mà tuốt. Khi tuốt cũng phải dụng lực vừa phải, không làm dập cánh thì mới hái được mớ bông ngon. Thứ bông rụng tả tơi rồi mang về làm dưa thì dưa khú, làm lẩu thì nhạt nhẽo, có người miệt vườn nào thèm ăn!

Người miền Tây sống dân dã vậy, tính tình chất phác vậy, nhưng ăn uống thì tuyệt đối không tùy tiện. Bông điên điển mới hái về, không thuốc không phân, uống nước mưa hút nước phù sa, phải được tính là rau sạch hữu cơ. Chỉ cần rửa qua nước giếng đào rồi để ráo, sau đó muốn làm lẩu, muối chua hay ăn sống kiểu gì cũng được.


Bông điên điển vị có vị ngọt nhạt lẫn chút đăng đắng nhưng thanh mát, lại thơm giòn giống như giá sống, rất dễ ăn. Giản dị nhất mà cũng “bắt cơm” nhất dưa chua bông điên điển. Chỉ cần trộn bông điên điển đã lặt rửa sạch với giá, để cho ráo nước rồi ngâm bằng nước vo gạo (đã lắng cho trong) với chút muối sao cho vừa ăn.

Ở quê, người ta thường ngâm dưa chua trong khạp nhỏ, đậy bằng lá chuối hoặc lá môn, ủ kín chừng ba ngày là đã có một dĩa dưa vừa chua chua, giòn giòn, vừa nhân nhẫn, chấm với nước tương hay nước mắm giằm một trái ớt hiểm ăn đã ngon - mà chấm với nước cá kho hoặc thịt kho lại càng muốn “ăn lủng nồi cơm”.

Khi bông điên điển trổ vàng rực cả một khúc bờ sông thì những loại “rau sông” cũng theo mùa nước lên mà tươi tốt. Các chị các mẹ chỉ chèo xuồng ba lá đi một vòng là hái về một mớ bông súng, ngó sen, củ co… Chẻ mớ rau sông này ra rồi trộn với xác dừa nạo, tỏi, đường, muối cho vừa ăn, xốc lên với dưa chua bông điên điển là đã trở thành món rau ghém chuyên được ăn với mắm kho lạt hay cá linh kho mía theo đúng phong vị thời khẩn hoang Nam bộ.


Dưa bông điên điển thường chỉ có ở quê. Còn ở phố, món “phổ thông” nhất từ bông điên điển – nay đã trở thành đặc sản mùa nước nổi – là nhúng với canh (lẩu) chua nấu cá linh. Giống như một “combo” không thể tách rời, cứ nhắc tới bông điên điển, người ta nghĩ ngay đến cá linh, và ngược lại. Nồi nước sôi chỉ có gia vị là me vắt, đường và nước mắm, thả cá linh vào nấu cho thêm ngọt, cá chín rồi mới đổ ra tô bông điên điển. Cái búp vàng vàng chín tái, giòn thì vẫn giòn mà ngọt lại thêm ngọt, húp nước xì sụp, gắp con cá linh non chấm vào chén nước mắm dằm trái ớt thì nước có nổi tới… chân giường cũng phải ăn cho hết bữa cơm.


Còn có bông điên điển xào tép đồng ngọt nước, gỏi bông điên điển lỗ tai heo, bông điên điển ăn kèm bún cá… làm những ai đã từng lên xuống cùng con nước miền Tây phải nhớ đến quắt quay. Bông điên điển vốn là một loài cây hoang, dần dần được trồng để lấy bông, để bà con nông dân cải thiện bữa ăn và kiếm thêm tiền chợ.

Chỉ mười mấy hai chục ngàn một ký, nhưng hết mùa thì… hết có, không phải cứ thèm là ra chợ mua một mớ đem về. Nhiều chị nhiều mẹ ghiền cái bông này, đi chợ thấy thì mua thật nhiều rồi tẩn mẩn gói vào giấy báo, để ngăn mát tủ lạnh để còn ăn từ từ, để trên bữa ăn toàn thịt cá rau trồng nhà kính thì còn có một dĩa bông vàng mà quẹt miếng nước cá kho rồi kể: “Ờ, hồi đó mùa này là bà ngoại mày mới khuya gà gáy đã dậy chèo xuống đi hái bông điên điển, ra chợ bán hai cái nón lá là đủ tiền mua cho má một cây viết mực Hero…”

Chiếc Thìa Vàng

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG