HƯƠNG PHÙ SA:

Như một lời ước hẹn

Thứ hai, 08/10/2018 11:36
0
0
Cứ như một lời ước hẹn, khi bông điên điển trổ vàng hết một khúc sông thì cá linh cũng theo nước lũ về đồng.

Những ai lần đầu chạm mặt loại cá mùa nước nổi này đều thốt lên rằng: Cá linh bé xíu à! Cá linh non đầu mùa nhỏ hơn ngón tay út, còn loại “già đời” sống đến cuối mùa nước nổi cũng chỉ bằng hai ngón tay chứ không hơn. Theo cách gọi của người miền sông nước, cá linh là “cá trắng” – loại cá sống chỉ sống trong vùng nước chảy (còn cá sống trong ao hồ và trên đồng là “cá đen”). Cá linh vốn không phải là loài bản địa của Việt Nam mà theo dòng nước lũ từ Biển Hồ (Campuchia) về đến đồng bằng sông Cửu Long – mà thực ra tập trung nhất cũng chỉ có ở An Giang và Đồng Tháp, những tỉnh thuộc hạ lưu sông Cửu Long không đáng kể.


Thu dớn bắt cá linh.

Đến mùa cá linh, cả khu vực miền Tây lại rộn ràng lên như vào mùa lễ hội. Cánh đồng trắng nước bỗng dập dìu những chiếc xuồng máy, xuồng chèo, những chà, những dớn… của dân “hạ bạc” đóng đáy mưu sinh trên sông nước. Người người, nhà nhà bận rộn giữa mênh mông nước lũ để đánh bắt cá linh. Tất cả các dụng cụ trong nghề đều có mặt, từ dớn, lưới, đáy, đăng, đó, cho đến giăng câu. Trong đó, dớn là dụng cụ đặc trưng nhất.

Một chiếc dớn thường có chiều dài 200 mét, được đóng cố định bằng 100 – 120 cọc tràm và tạo thành hình mũi tên ở hai đầu, gọi là mỏ neo. Tại hai đầu mỏ neo, người ta đặt hai cái “đú” để dụ cá linh theo dòng nước bơi vào rồi mắc lại luôn trong dớn. Khi nước ròng, ngư dân dỡ dớn kéo lên, cá linh mắc trắng mắt lưới. Cá được gom lại, đổ vào khoang xuồng rồi mau mau chở đến chợ đầu mối. Cá linh non đầu mùa có thể bán được từ 150,000 – 180,000; còn có ngư dân rất “thức thời”, lưới cá và cho cá sống vào thùng nước sục oxy để vận chuyển cá linh sống về phố, nâng giá bán lên đến 300,000 đồng một ký.


Nước đổ, cá linh theo dòng, vừa rong chơi cho thoả chí giang hồ, vừa “trôi” vừa phát triển “dân số”, mau lớn “như thổi”. Nhiều vô kể! Chúng lăng xăng trên khắp các đồng rộng, sông dài, kênh to, rạch nhỏ. Từ khi nước nhớm giật lên cho đến những con nước kém cuối cùng của mùa nước (khoảng từ mùng 10 đến 25 tháng 10 âm lịch) là lúc cá bắt đầu rút hết xuống các kênh rạch để tranh thủ ra sông, tìm đường sống. Những lúc cao điểm ấy dân gian gọi “cá ra”. Đây là lúc nhộn nhịp nhất của mùa nước nổi, nhất là tại những miệng kinh, vàm rạch và cả ngoài sông sâu nước chảy đâu đâu cũng la liệt đăng ven, chài hội, lưới giăng…


Lưới cá mùa nước nổi.

Món ngon từ cá linh, dân dã mà nghe… thấm.

Cá linh đầu mùa là món ngon cao giá; ngọt thịt, xương mềm, bụng béo, bé như đầu đũa nên ngườio ta gọi là cá linh non (hay cá linh sữa). Ngày trước, cá linh sinh sôi nhiều đến nỗi chỉ cần dùng rổ xúc ngược dòng nước cũng đủ cho một bữa ăn. Ngày đó, người ta đong bán cá linh bằng dạ như đong lúa chứ cũng thèm cân ký.  Cá linh vớt về cũng không cần đánh vẩy, lấy mật; chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt là đã có thể kho lạt, kho khóm, chiên giòn chấm mắm me, chiên với trứng vịt, hoặc “thời thượng” nhất là nấu canh chua bông điên điển; dân dã hơn thì đem cá linh non kho với nước dừa xiêm, vị béo ngậy của cá quyện với vị thơm ngọt của dừa khiến món ăn dân dã này trở nên khác biệt. Nhiều người chỉ ăn một lần là đã bị ấn tượng rồi vương vấn mãi cái mùi vị béo mùi, mềm mụp đặc trưng không lẫn vào đâu được. Cá càng non thì thịt càng ngọt, hầu như không có xương, béo ngậy.


Cá linh non.

Theo con nước dâng càng cao, cá linh về ngày càng nhiều. Cá to hơn, xương cứng hơn, nhưng bù lại cũng… nhiều thịt hơn. Người dân vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long tha hồ chế biến ra nhiều món ăn mang đậm hương vị, phong cách sống và cả nỗi nhớ thương với sông nước miền Tây. Từ món cá tươi nướng kẹp que tre ăn với rau cải trời chấm mắm tỏi, đến cá linh kho rim với mía, riêu riêu vài lửa cho rục xương… đều rất hấp dẫn. Ở Kiến Tường (An Giang) còn có một món “ngon dàn trời” là cá linh cháy dầu: cá linh chiên thành từng bánh bằng bàn tay, cuốn với rau thơm, bông súng, bông điên điển, chấm nước mắm thấm, cắn một miếng là giòn rụm đến tận răng. Khi… nhiều cá linh quá ăn không hết, người ta còn băm nhỏ cá linh ra làm chả để chiên, nấu canh hoặc là “xào chuột” (xào với ít dầu cho cá ra nước, bời rời) để cuốn với rau sống và bánh tráng trắng.


Cá linh kho mía. Ảnh: Chiếc Thìa Vàng

Tới cuối mùa, trước khi cá linh “ra đồng”, ngư dân hạ lưới lần cuối, gom một mẻ thật nhiều để lục đục chuẩn bị khạp muối cá làm mắm. Cái món này mới đúng là… “hại miệng”. Ai không biết ăn mắm thì thôi, chứ đã ăn được thì chỉ cần vài con mắm trộn với sả ớt là đã đủ… lủng nồi. Các bà nội trợ chắc ai cũng mê món mắm chưng làm từ mắm cá linh, còn món lẩu mắm với bông điên điển sẽ luôn là đặc sản “tới ăn là gọi” của các nhà hàng ở phố.

Mặc dù bây giờ, nghe bảo cá linh đã không còn giăng trắng ruộng đồng như hồi chục năm về trước; có thể vì các đập thuỷ điện chặn dòng Mekong nên nước không về nhiều như trước, cũng có thể vì cá linh non là đặc sản quá hút hàng nên đã bị nhăm nhe giăng lưới quá sớm, trước khi chúng kịp sinh sản. Nghe bảo từ năm 2017, tỉnh An Giang đã bắt đầu ra quy định cho việc đánh bắt cá linh để ngăn chặn những cuộc “tàn sát” loài cá trắng bé xíu này. Âu cũng là việc phải làm nếu như người thị thành còn muốn được thưởng thức hương vị dân dã thân thương này sau vài năm nữa.

Chiếc Thìa Vàng

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG