Món lạ Giáng sinh

Thứ sáu, 22/12/2017 14:09
0
0
Thực đơn cho đêm Noel ở nhiều quốc gia thông thường là gà (hoặc gà tây) quay, ngỗng quay, đùi lợn muối, bánh khúc cây, bánh gừng…

Tuy nhiên, ở một số nước còn có những món ăn lạ lẫm mà ngày thường chẳng mấy khi được dọn lên bàn ăn, ngoại trừ vào mùa Giáng sinh. Dịp lễ trọng này là lúc người ta được nghỉ ngơi, thư giãn chờ sang một năm mới, cũng là dịp các bà nội trợ trổ tài chế biến nhiều món ăn có khi thật sáng tạo thay vì cứ theo thông lệ nấu nướng mãi những món quen thuộc.

Bánh ngọt hình cá hút máu ở Bồ Đào Nha

Để làm một ổ bánh lampreia de ovos truyền thống của người Bồ Đào Nha, phải cần rất nhiều lòng đỏ trứng gà, trái cherry, quả hạnh (almond) và nhiều đường. Trong bữa ăn nửa đêm, ổ bánh lampreia de ovos đóng vai trò trung tâm dù nó là món tráng miệng. Món bánh ngọt có hình dạng lạ kỳ này được cho là có xuất xứ từ các nữ tu Thiên Chúa giáo ở Bồ Đào Nha, được biết đến từ hàng trăm năm trước như là những đầu bếp chuyên làm bánh ngọt với lòng đỏ trứng gà, mà tuyệt đỉnh là bánh lampreia de ovos. Một ổ lampreia de ovos cỡ lớn phải dùng đến 50 lòng đỏ trứng.


Bánh lampreia de ovos

Truyền thuyết kể rằng, các nữ tu đã dùng trứng là nguyên liệu chính để làm các món ăn cho nhà thờ sau khi phát hiện lòng trắng trứng giúp chiếc áo nhà dòng của họ phẳng, không có những nếp nhăn trong khi ủi.

Sau khi Brazil trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha vào năm 1500, mía trồng ở Brazil được ồ ạt đưa về “mẫu quốc”, đường trở thành một gia vị bếp núc giá rẻ và dư dật. Chính từ đó, với lòng đỏ trứng thừa thãi sau khi chỉ lấy lòng trắng làm chất keo giúp chiếc áo tu phẳng phiu cộng với mỏ đường dồi dào từ xứ thuộc địa, các nữ tu đã làm nên chiếc bánh Giáng sinh truyền thống của Bồ Đào Nha.

Vì sao bánh lại có hình dáng con lamprey, một giống cá nước ngọt chuyên hút máu các loài thủy tộc khác để sống, trông tựa con lươn với hàm răng nhọn? Hóa ra cá lamprey rất được yêu thích ở Bồ Đào Nha, người ta còn làm hình nộm chúng để rước trong các lễ hội. Hàng trăm năm trước, cá lamprey được coi là món ăn thay thế cho các loại thịt đỏ (bởi thịt của chúng có thể chế biến như món bít-tết) thích hợp với người nghèo và các tu sĩ Thiên Chúa giáo trong mùa chay. Nên bánh lampreia de ovos đã lấy tên cá lamprey và cả hình dáng của chúng là vậy.

Bánh mì lá ở xứ băng tuyết

Laufabrauð theo ngôn ngữ Iceland có nghĩa là “bánh mì lá”, hay còn được gọi là “bánh mì hoa tuyết” là một món ăn không thể thiếu vào mùa Giáng sinh ở xứ sở quanh năm băng tuyết. Ban đầu bánh mì lá chỉ thông dụng ở các khu vực phía Bắc Iceland nhưng nay là một loại bánh Noel truyền thống của đất nước này. Nó được làm với hình tròn, dẹt, mỏng, thậm chí có người nói vui rằng bánh mỏng tới mức có thể nhìn xuyên qua.

Bánh laufabrauð được làm mỏng như vậy vì có liên quan đến chuyện người nghèo ở xứ này thuở xa xưa, khi mà bột mì rất hiếm hoi vì trồng lúa mì không dễ dàng ở vùng lạnh giá suốt năm. Chỉ nhà người giàu mới có nhiều bột mì làm bánh, còn nhà nghèo thì phải làm bánh thật mỏng mới đủ cho cả gia đình ăn.


Bánh mì lá ở Iceland.

Những ngày đón Giáng sinh và năm mới, các gia đình người Iceland tụ tập để làm bánh laufabrauð. Người lớn tuổi nhào bột, cán bánh thành hình tròn cỡ 15 – 20cm đường kính còn con trẻ thì khắc các họa tiết lên bánh trước khi cho vào lò nướng. Việc khắc hình ảnh, họa tiết lên bánh là do bánh mỏng nên có thể bị rách, bị thủng phải sửa lại cho đẹp, dần dà trở thành một nghệ thuật dân gian trong nền ẩm thực Iceland. Các họa tiết được khắc bằng một dụng cụ lăn được gọi là laufabrauðsjárn, hoặc bằng dao đối với người khéo tay. Người Iceland không bao giờ ăn bánh laufabrauð ngoài dịp Giáng sinh và năm mới. Bánh được ăn với các loại thịt truyền thống là hangikjöt (thịt cừu xông khói) và rjúpa (gà gô) hay thịt heo xông khói.

Gà hầm kiểu Ethiopia

Mùa Giáng sinh ở Ethiopia, món ăn thông dụng nhất là doro wat: gà hầm. Đây cũng là món ăn của lễ Phục sinh. Trong ngôn ngữ người Eritrea bản địa, doro là gà, wat là hầm (hoặc nấu cà ri).

Món doro wat được chuẩn bị khá công phu: hành chẻ nhỏ được đảo trong nồi đất không dầu mỡ cho đến khi không còn chút hơi ẩm; sau đó mới cho bơ niter kibbeh vào, với một lượng quá nhiều so với chuẩn ẩm thực phương Tây không dùng nhiều chất béo, rồi xào hành cùng nhiều loại hương liệu bản địa và hầm với thịt gà cho thật thấm các loại gia vị.


Doro wat ở Ethiopia.

Doro wat phải ăn thật nóng và thật cay, hợp với thời tiết giá lạnh mùa đông ở Ethiopia. Cả gia đình hay nhóm bạn bè, người thân quây quần bên nhau cùng ăn chung một mâm doro wat với một rổ injera bánh mì dẹt được làm bằng hạt một loại lúa đặc hữu của Ethiopia.

Ăn doro wat mà thiếu chén rượu đưa cay thì mất ngon: người Ethiopia luôn sẵn sàng mời khách đến nhà mùa Noel để thưởng thức món gà hầm với rượu ngâm mật ong, đặc sản của địa phương.

“Bữa tiệc bảy món cá” đêm Giáng sinh

Với những gia đình người Mỹ gốc Ý, bữa ăn Giáng sinh là “bữa tiệc bảy món cá” (feast of the seven fishes) – một truyền thống ẩm thực lâu đời. Đêm Chúa ra đời với người Ý còn là lễ trọng nên không ăn thịt mà thay vào đó là một thực đơn toàn hải sản.

Truyền thống này có từ thời La Mã. Nhưng người ta không rõ vì sao lại gọi “bữa tiệc bảy món cá” vì trên bàn ăn có thể có nhiều hơn món ăn và cũng không chỉ thuần là món cá. Có thể do số 7 là con số được lặp lại đến 700 lần trong Kinh Thánh. Có một cách lý giải khác về số 7, đó là sách Sáng Thế Ký (Kinh Thánh Cựu Ước) có viết rằng: “Chúa Trời đã tạo dựng ra tất cả trong sáu ngày và đến ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ. Ngài còn ban phước và lập riêng thứ bảy làm ngày thánh. Ngài còn phán nếu ai tin Chúa Jesus thì phải nghỉ vào ngày thứ bảy…”.


Bữa tiệc bảy món cá.

Thực đơn “bữa tiệc bảy món cá” gồm: cá trổng (anchovy, thuộc họ cá cơm), cá tuyết, tôm hùm (lobster), cá mòi, lươn, bạch tuộc, mực, tôm, nghêu, trai, cá thu ướp muối phơi khô, cá bống cơm Na Uy (smelt fish). Thường thì món cá tuyết ăn sống với chanh vắt, mù tạc được dọn trước hết, sau đó là trai hay nghêu ăn với spaghetti rồi mới đến các loại hải sản khác. “Bữa tiệc bảy món cá” còn có rau, bánh mì nướng và không thể thiếu chai vang trắng.

Ớt xanh kết hợp trái hồ đào ở Mexico


Chile en nogada với ba màu quốc kỳ Mexico.

Món ăn truyền thống mùa Giáng sinh của người Mexico là chile en nogada, theo đó chile là quả ớt xanh, còn nogada có xuất xứ là từ nogal, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là trái hồ đào (walnut, còn gọi là trái óc chó). Nó gồm một trái ớt xanh cỡ lớn được nhồi đầy thịt băm, các loại rau hương liệu, gia vị, trái cây xắt nhỏ rồi đem nướng, và phủ lên trên một lớp xốt kem trắng làm từ trái hồ đào. Chưa hết, người ta còn rắc lên món ăn những hạt lựu đỏ để tạo thành ba màu trên lá quốc kỳ Mexico, khiến chile en nogada còn có vị ngọt, hài hòa với các thành phần khác của món ăn này.

Chile en nogada có xuất xứ từ Puebla, thành phố tự trị cũng là thủ phủ của bang Puebla, một trong năm thành phố thời thuộc địa quan trọng nhất ở Mexico, gắn liền với nền độc lập của quốc gia này và với tên tuổi Agustín Cosme Damián de Iturbide y Arámburu (1783-1824), một vị tướng đã giành được độc lập cho Mexico và lên ngôi hoàng đế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Ông chính là người đã thiết kế quốc kỳ Mexico, còn chile en nogada là niềm tự hào của người dân bang Puebla.

Theo Doanhnhan+

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG