Hàu cổ ngỗng vùng biển Galicia có hình dạng khá cổ quái, trông tựa một cái cổ ngỗng, chúng sống bám vào các đảo đá hay các vật thể nổi ở các vùng có bờ biển chỉ lộ ra khi thủy triều lên xuống...
Vùng biển xứ Galicia ở Tây Bắc Tây Ban Nha (*) là nơi giàu có hải sản, đặc biệt là loài hàu cổ ngỗng (goose barnacle hay gooseneck barnacle) – được coi là ông hoàng tại các chợ hải sản vùng này. Ở đất nước Tây Ban Nha, nghề đánh bắt hải sản đem lại thu nhập đáng kể cho người dân sống ở các vùng bờ biển với nhiều loại động vật biển có giá trị kinh tế cao như tôm đỏ vùng Catalonia, cua nhện Asturias, cá trổng xứ Cantabrian…, song vẫn không sánh được với goose barnacle khi mà 1kg loài giáp xác này được bán với giá 200 euro (235 USD), chưa kể phần không ăn được chiếm đến gần một nửa trọng lượng của nó khiến goose barnacle trở thành một trong những thứ hải sản đắt nhất thế giới.
Hàu cổ ngỗng được ăn kèm với một loại tảo biển.
Hàu cổ ngỗng vùng biển Galicia có hình dạng khá cổ quái, trông tựa một cái cổ ngỗng, chúng sống bám vào các đảo đá hay các vật thể nổi ở các vùng có bờ biển chỉ lộ ra khi thủy triều lên xuống. Thức ăn của chúng là tảo wrack mọc trên các đảo đá ven bờ đại dương và vì cuộc sống của chúng phụ thuộc vào thủy triều nên chúng chỉ được tìm thấy ở các bờ biển chênh vênh ở Galicia. Do tìm bắt chúng rất khó khăn, có thể nguy hiểm đến tính mạng, thêm nữa nguồn cung không ổn định, tùy thuộc thời tiết và nhiệt độ nước biển vùng Galicia nên giá loài goose barnacle mới cao như thế; tất nhiên đây cũng là thứ hải sản tuyệt đối sạch và rất bổ dưỡng.
Ở Tây Ban Nha, chỉ các nhà hàng hải sản cao cấp mới có món hàu cổ ngỗng. Cách ăn thông thường là luộc sơ trong nước muối để giữ chất ngọt và vị biển khơi. Khi ăn, dùng ngón cái và ngón trỏ giữ phần “đầu” trông như cái mỏ ngỗng rồi tay kia bóc lớp vỏ cứng xù xì của phần thân màu xám, lấy ra lớp thịt bên trong ngon ngọt, giòn và dai. Do được luộc trong nước muối nên món hàu cổ ngỗng không cần chấm thêm thứ gia vị nào để giữ trọn vẹn hương vị tuyệt hảo của chúng.
Hình ảnh cho thấy vì sao loài hải sản này có tên hàu cổ ngỗng.
Những người chuyên săn tìm, đánh bắt hàu cổ ngỗng được gọi là percebeiro trong tiếng Tây Ban Nha. Và để trở thành một percebeiro giỏi nghề, tìm được nhiều goose barnacle mỗi chuyến đi biển, phải chấp nhận những thử thách, đối mặt với hiểm nguy ở vùng biển Galicia nổi tiếng hung bạo, thời tiết bất thường, khó đoán định. Đã có một thống kê đáng buồn: hầu như người dân nào sống bằng nghề đánh bắt hải sản, đặc biệt là goose barnacle, cũng có bạn bè hay người thân trong gia đình mất mạng vì sóng biển Đại Tây Dương.
Susana và Lala đang săn tìm hàu cổ ngỗng trên một đảo đá.
Vậy mà có một gia đình ở thị trấn Baiona, trên bờ biển phía Nam của Galicia với các chị em đều là nữ đã sống với nghề săn tìm hàu cổ ngỗng từ nhiều năm nay. Gia đình nhà González nổi tiếng không chỉ tại địa phương họ sinh sống mà khắp vùng Galicia. Nghề săn tìm goose barnacle như thể đã có trong máu bốn chị em Susana, Isabel, Lala và Belén González từ khi họ sinh ra đời. Bởi cha mẹ họ cũng làm nghề đó, và cả bà nội, bà ngoại của họ cũng là các percebeira (từ chỉ giống cái của percebeiro).
Ông ngoại của bốn chị em từng tham gia cuộc nội chiến chống tướng Franco và trở về với thân thể không nguyên vẹn, do vậy bà ngoại của họ phải dấn thân ra biển khơi, tìm kiếm hàu cổ ngỗng và các loại hải sản khác để nuôi gia đình với tám người con. Sau khi lặn bắt hàu cổ ngỗng, bà phải đi bộ với rổ hải sản quý trên đầu để đến chợ thị trấn Vigo cách đó 30 cây số, bán kiếm tiền mua lương thực.
Con gái của bà là Palmira, mẹ của bốn chị em nhà González, cũng săn tìm goose barnacle từ thời thiếu nữ. Đỡ nhọc nhằn hơn mẹ, bà Palmira đã có xe đạp để chở mẹ và những rổ hàu ra chợ bán. Nhưng những nhọc nhằn của một percebeira đã khiến bà Palmira mất đứa con đầu lòng vì sinh non. Chồng bà, ông Eduardo González cũng là một trong những percebeiro nổi tiếng nhất ở Baiona.
Isabel phân loại goose barnacle trước khi đem ra chợ bán.
Isabel nói về những kinh nghiệm chị được cha truyền đạt khi săn tìm hàu cổ ngỗng: “Có một tảng đá ngoài khơi là chốn nương thân của những con goose barnacle ngon nhất trong vùng. Không ai có thể đến được nơi đó, ngoại trừ cha tôi… Khi bạn bè ông trở về với 10kg hàu, ông mang về nhà 20kg”. Không chỉ là một percebeiro thiện nghệ, ông Eduardo González còn nổi tiếng vì đã cứu sống nhiều đồng nghiệp, thế nhưng ông cũng chứng kiến nhiều percebeiro mất mạng giữa biển khơi sóng gió.
Cận cảnh một loại goose barnacle được bán tại chợ hải sản Donostia (xứ Basque), phần thân sau khi bóc lớp vỏ xám là thịt hàu ngon ngọt.
Với một gia đình giàu truyền thống với nghề như vậy, bốn chị em nhà González đã có công việc ổn định: Lala từng làm chủ một cửa hàng thực phẩm, rồi từng là thợ làm bánh của một cửa hàng bánh ngọt; Isabel từng đứng bếp nhiều năm tại một cửa hàng làm tapas ở Baiona; Susana có thời gian làm công việc quản lý tại một công ty dược phẩm; Belén từng là nhân viên một cửa hàng bán lẻ ở Baiona. Vậy mà cả bốn đều rời bỏ để sống với cái nghề hay đúng hơn là cái nghiệp mà bà nội, bà ngoại của họ đã theo đuổi suốt đời. Dường như tiếng gọi của vị nữ thủy thần đã đánh thức cái nghiệp đã có trong huyết quản của bốn chị em.
Goose barnacle, nghêu, vọp xanh và ớt Padrón: hải sản vùng Galicia.
Ngoài những hiểm nguy phải đối mặt từng ngày để sống với nghề, bốn chị em nhà González còn chấp nhận thách thức: làm một công việc mà từ bao đời nay chỉ thuộc về nam giới. Vậy mà họ đã thành công vượt bậc với nghề để rồi được bầu vào vị trí lãnh đạo cộng đồng những percebeiro và percebeira ở Baiona.
Năm 2003, Susana quyết định ra tranh cử vị trí Chủ tịch Hiệp hội đánh bắt hàu cổ ngỗng thị trấn Baiona có 3.000 cư dân. Mục tiêu tranh cử của chị là đòi hỏi quyền bình đẳng trong đánh bắt goose barnacle: từ lâu nay, đã tồn tại một bất bình đẳng, trong khi các percebeiro được phép đánh bắt 5kg/ngày thì các percebeira chỉ có hạn ngạch (quota) là 3kg.
Năm 2014, Susana tiến thêm một bước trên con đường hoạt động xã hội: chị được bầu làm Chủ tịch Cofradía de Baiona, tổ chức giám sát toàn bộ hoạt động ngư nghiệp của Baiona, còn chiếc ghế Chủ tịch Hiệp hội đánh bắt hàu cổ ngỗng thuộc về người chị Isabel. Dù vậy, cả Susana và Isabel vẫn không bỏ nghề truyền thống gia đình.
“Có nhiều người hỏi tôi đã từng có ý định tìm một nghề khác không. Tôi đáp: Bạn đùa tôi à? Bạn nghĩ tôi muốn công việc bàn giấy sao? Văn phòng của tôi đây: đại dương và bờ biển. Tôi đang ở ngoài trời lồng lộng, gió vờn trên mặt, các chị em tôi bên cạnh. Còn gì tốt đẹp hơn thế chứ?”, Isabel nói.
(*) Galicia là một vùng tự trị ở Tây Ban Nha, nằm ở phía Tây Bắc của bán đảo Iberia, phía Nam giáp với Bồ Đào Nha, phía Tây là Đại Tây Dương và biển Cantabria ở phía Bắc, có bờ biển dài 1.660km với nhiều đảo ngoài khơi. Diện tích Galicia là 29.574km2, dân số gần 2,8 triệu người.
Theo Doanhnhan+