Bạn không thể tìm thấy món ăn nào hoàn toàn giống với laksa ở các nước Đông Nam Á và cũng không tìm thấy hai tô laksa giống nhau tại các vùng đất khác nhau, trải dài từ bờ biển phía nam Thái Lan cho tới Malaysia và cả Singapore lẫn Indonesia.
Cà ri laksa, món ăn đường phố phổ biến ở Penang.
Du lịch các nước Đông Nam Á chưa bao giờ dễ dàng như hôm nay, bởi không cần visa bạn có thể thoải mái đến với các nước trong khối ASEAN thông qua các dịch vụ lữ hành trong nước, hoặc có thể tự tổ chức tour riêng cho mình và người thân, bạn bè.
Một trong những trải nghiệm không thể thiếu khi du lịch Đông Nam Á là thưởng thức món ăn ngon và đa dạng của từng quốc gia, tuy nhiên cũng có nhiều món có chung nguồn gốc và rất thông dụng ở một số nước trong khu vực, chẳng hạn như món laksa mà chắc chắn nhiều du khách Việt Nam đã từng trải nghiệm khi đến với Singapore, Indonesia, Thái Lan…, nhất là với những ai từng đến đô thị cổ Penang của Malaysia.
Asam laksa ở Penang.
Năm 2011, khi CNN đưa ra danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới do độc giả khắp nơi bình chọn thì asam laksa của Penang (Malaysia) xếp thứ bảy, còn năm 2017 này asam laksa Penang đứng ở vị trí thứ 26 và laksa Singapore được xếp thứ 44, điều đó cho thấy laksa vẫn là một món ăn rất được ưa thích.
Asam laksa của Penang – một trong những món ăn phổ thông nhất ở Malaysia theo mô tả của CNN – bao gồm các thành phần: cá thu hấp, me, ớt, bạc hà, sả, hành, dứa… trong khi nước dùng vị chua được nấu với cá (đặc biệt hấp dẫn khi có thêm gừng) và ăn với bún, "mùi thơm của món ăn tỏa ra trước khi bạn nếm muỗng nước dùng".
Laksa Thái Lan.
Bạn không thể tìm thấy món ăn nào hoàn toàn giống với laksa ở các nước Đông Nam Á và cũng không tìm thấy hai tô laksa giống nhau tại các vùng đất khác nhau, trải dài từ bờ biển phía nam Thái Lan cho tới Malaysia và cả Singapore lẫn Indonesia. Cũng rất khó biết cội nguồn của món laksa: nó thực sự xuất phát từ đâu, và làm thế nào để món ăn này lan rộng ở nhiều nước mà nơi nào cũng cho rằng laksa thuộc về mình. Để tìm "tung tích" món ăn này, phải ngược dòng thời gian và theo dấu ba biến thể của laksa, đó là cà ri laksa, laksa Xiêm (*) và asam laksa.
Cà ri laksa rất cay và không thể thiếu nước cốt dừa khi nấu, là món ăn quen thuộc ở các tiểu bang Malacca và Johor của Malaysia, đến đảo quốc Singapore nó có tên là Katong laksa và ở thành phố Bogor (bang Tây Java) của Indonesia nó được gọi là Cibinong và Betawi laksa. Ở mỗi vùng miền nêu trên, món laksa lại được thêm vào nguyên liệu hay gia vị, chẳng hạn như lá chanh Thái (chanh kaffir), thịt gà xé, tôm hay cả cá lóc.
Laksa Xiêm chỉ có ở Thái Lan luôn nấu với nước cốt dừa và trong thực đơn các nhà hàng đặc sản Thái nó được gọi là cà ri đỏ (red curry), trong khi assam laksa chỉ có ở bang Penang của Malaysia. Nhưng với nhiều biến thể như vậy, rốt cuộc món laksa có nguồn gốc ra sao?
Trong lịch sử phát triển của vùng Đông Nam Á, ba thương cảng ở Singapore, Malacca và Penang là những điểm dừng chủ yếu trên hành trình đưa gia vị phương Đông đến phương Tây. Kết quả là món laksa ra đời ở khu vực như kết quả của sự hôn phối giữa nghệ thuật bếp núc của các vùng miền khác nhau mà các thương nhân là người truyền bá.
Laksa có thể tiếp nhận các nguyên liệu ở nhiều vùng miền Đông Nam Á nên nó được đông đảo thực khách ưa thích.
Từ buổi sơ khai, khu vực Đông Nam Á đã có sự tương tác mạnh mẽ với Trung Quốc và Ấn Độ, kết quả là nền văn hóa lâu đời của hai nước lớn này có ảnh hưởng sâu rộng trong vùng, trong đó có văn hóa ẩm thực. Theo giáo sư Penny Van Esterik - chuyên gia về văn hóa ẩm thực vùng Đông Nam Á, các thương nhân Ấn đã đến vùng đất đông nam châu Á rất sớm, khoảng năm 200 trước Công nguyên, trong khi người Hoa đến định cư ở Indonesia và Malaysia từ thế kỷ XVI. Hậu duệ của các nhà buôn Trung Hoa ở Indonesia và sau đó ở Malaysia được gọi là người Peranakan (tiếng Mã Lai có nghĩa là "được sinh ra tại địa phương" hay "con lai") có cha người Hoa, mẹ là dân bản địa. Và món laksa truyền thống được khai sinh bởi người Peranakan cũng là kết quả của sự hôn phối giữa ẩm thực Trung Hoa với các gia vị đặc trưng vùng Đông Nam Á như nước cốt dừa và ớt.
Ở Indonesia, món laksa xuất xứ từ các khu định cư của người Hoa ở vùng bờ biển; ở đó các thương nhân và thủy thủ người Hoa đã cưới phụ nữ bản địa và những người vợ ấy đã nêm thêm ớt cùng nước cốt dừa vào món mì Trung Hoa để làm nên món laksa. Tương tự, món laksa ra đời ở Malaysia vào đầu thế kỷ XIX khi các thương nhân Trung Hoa đến Malacca và lấy phụ nữ địa phương.
Quán Katong laksa 328 rất nổi tiếng trên đường Ceylon ở Singapore, có dịp du lịch đảo quốc bạn hãy đến đây thưởng thức món ăn đặc trưng Singapore.
Còn ở Singapore, laksa ra đời ở thị trấn Katong khi người Peranakan từ Malaysia đến hòn đảo này khi nó còn thuộc về Malaysia. Khi theo dấu món laksa ở Singapore, tiến sĩ Jean Duruz, chuyên gia ẩm thực Đông Nam Á đã phát hiện món laksa của người Peranakan đã phát triển với sự tương tác của ẩm thực bản xứ của cư dân Singapore. Có nghĩa là sự phát triển của món laksa Katong diễn ra ngay trong các gia đình người Peranakan định cư ở Singapore.
Dù người Peranakan mang theo nhiều món ăn đến Singapore và các vùng đất khác, song vì sao chỉ có món laksa lan tỏa nhanh chóng ở Đông Nam Á? Đơn giản vì sự thích nghi của nó với các nền ẩm thực khác trong vùng để trở thành một món ăn được yêu thích rộng rãi. Ngay bản thân tên gọi món ăn này cũng hàm chứa một sự uyển chuyển về mặt văn hóa.
Từ "laksa" trong ngôn ngữ cổ Sankrit có nghĩa là "một trăm ngàn", ám chỉ sự đa dạng hết mức của các thành phần nguyên liệu được dùng để chế biến món ăn. Những người vợ bản xứ có khả năng biến hóa món mì của các ông chồng Trung Hoa bằng cách thêm vào thật nhiều những gia vị tại địa phương. Do món laksa rất dễ dàng dung nạp các thành phần mới khác, nó đã đóng tròn vai trò chiếc cầu nối văn hóa khi diễn ra cuộc hôn phối giữa các thương nhân người Hoa với phụ nữ bản địa.
Katong laksa ở Singapore.
"Câu chuyện thành công của món laksa đưa ra ý tưởng rằng người ta bao giờ cũng thích ăn những món thân thuộc với mình", cô Veronica Mak Sau Wa - giảng viên Trường Đại học Trung Hoa tại Hongkong viết trong một cuốn sách nghiên cứu về ẩm thực Đông Nam Á tại vùng lãnh thổ này. Không có món ăn nào có được sự thích nghi độc đáo như laksa nên vai trò cầu nối văn hóa ẩm thực của nó trong quá khứ sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
(*) Siamese laksa; từ Xiêm (Siam) được dùng để chỉ Thái Lan từ trước năm 1939.
Theo DNSGCT