Khi mùa xuân đã mãn khai, mưa xuân bắt đầu lây rây khắp phố phường Hà Nội thì hoa bưởi cũng bắt đầu nhè nhẹ toả hương thơm.
Chỉ cần trong nhà có một cây bưởi thì cả con ngõ đều ngửi thấy mùi thơm. Mùi nhẹ nhàng, vấn vít, như có như không. Mùi rất quen mà cũng rất khó xác định từ đâu đến.
Miền Nam không có thói quen “chơi” hoa bưởi. Miền Nam thích ăn quả bưởi, nấu chè bưởi, hái lá bưởi làm lá xông, hay chiết xuất tinh dầu bưởi để xoa tóc cho bóng đẹp– chỉ mỗi hoa bưởi cứ phải đong đưa trên cành để còn kết trái. Còn với người Hà Nội, hoa bưởi là một điểm trắng tinh khôi không thể thiếu trong bức tranh của bốn mùa. Cũng như mùa thu bày hoa cúc vàng, mùa đông mua cúc hoạ mi, hoa đào mang đến mùa xuân rộn ràng, còn khi hoa bưởi đưa hương lại là thời điểm mùa xuân sắp mãn. Vào khoảng giữa tháng 3 là thời gian hoa bưởi rộ nhất. Lúc ấy, trên khắp các đường phố Hà Nội, đi đâu cũng thấy những chiếc xe đạp chở mẹt hoa bưởi, những quang gánh chất đầy hoa bưởi trắng tinh khôi.
Gánh hoa bưởi trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Thiên Thư
Các bà các chị chờ cả năm mới có dịp này, đi làm về nhất định phải dừng lại mua một ít. Hoa bưởi không hề rẻ, hoa đầu mùa đến 300.000 đồng một cân mà vẫn ngày nào bán hết veo ngày đó. Hoa bưởi mua về ngắt bỏ hết cành lá, chỉ để lại cuống hoa, thả nhẹ nhàng vào nước rửa sạch, để ráo rồi mới được các bà các chị chế biến thành những món tinh tuý của đất nghìn năm văn hiến, những món phải được gọi là “mỹ thực”.
Đầu tiên - và lâu đời nhất - phải kể đến món mía ướp hoa bưởi, thứ quà ăn chơi dung dị mà thanh tao, vấn vít đến độ bất kỳ người Hà Nội cũ nào cũng có thể rưng rưng khi nhắc đến. Hoa bưởi dùng ướp mía phải là những bông đài to, tươi tắn, không chọn nụ hoặc những bông đã nở vì nụ thì còn non quá, chưa đủ “chín” để tỏa hương; còn những bông nở rộng thì nhuỵ đã tàn, cánh đã phai, hương chẳng còn là bao để có thể thấm vào từng thớ mía nữa. Những hoa bưởi vừa mới bung nụ, cánh còn khép hờ chưa tách hẳn, ấy mới chính là những bông hoa thượng phẩm. Nếu tinh ý một chút, khi tách ra sẽ nhận thấy ngoài hương thơm đang nhẹ nhàng lan tỏa kia vẫn còn phảng phất đâu đó vị the the rất riêng của tinh dầu.
Người ta chọn khúc giữa của cây mía bánh tẻ, không già quá không non quá rồi róc vỏ, tiện thành những đoạn nhỏ rồi chẻ làm đôi hoặc làm tư. Bỏ mía vào hộp có nắp, rải xen kẽ hoa bưởi rồi đậy kín nắp lại, cất vào tủ lạnh. Khâu ướp lạnh giúp cho hương bưởi ngấm sâu hơn, hòa quyện với vị ngọt mát của mía. Chục khúc mía chỉ cần dùng khoảng một nắm tay hoa là đã đủ thơm ngát rồi. Thực ra ướp mía không cần làm lạnh cũng được, ngày xưa không phải nhà nào cũng có tủ lạnh, người ta cho vào túi ny lông rồi thả xuống giếng hoặc ngâm nước để làm mát - nhưng nếu thời tiết nóng quá thì khi ăn dễ gây cảm giác nồng. Chừng một tiếng sau, hương bưởi đã thấm vào từng khúc mía mọng nước. Vừa mới để vào miệng đã nghe thơm lừng. Cắn một miếng, nước mía tứa ra ngọt lịm, quyện với hương nồng nàn của hoa bưởi, tạo nên một hương vị khó lẫn, khó phai. Người ta cứ nhai chầm chậm, nút cho hết cái tinh tuý của mùa xuân rồi mới luyến tiếc nhè bã mía kia ra để thòm thèm nhón thêm khúc nữa.
Mía ướp hoa bưởi. Ảnh: Kenh14
Một món nữa, phổ biến hơn, là bột sắn dây ướp hoa bưởi. Bột sắn dây là đặc sản của miền Bắc, có tính hàn, là thức uống cực kỳ hợp với mùa hè. Tuy nhiên, mùi bột sắn dây lờ lợ, không phải ai cũng thích. Để tăng hương vị của món này, người ta rón rén cho vào túi bột một nắm đầy hoa bưởi, cột lại, để qua đêm. Bột sắn dây hút mùi cực mạnh. Ướp chỉ khoảng 8 giờ, người ta đổ túi ra, nhặt hoa bưởi ra và để bột khô thoáng trước khi đóng gói lại. Bột sắn dây giờ đã ngậm đầy hương bưởi, thà chết không buông. Đơn giản thì khuấy một thìa bột sắn dây với thìa đường trong nước mát, uống đến đâu tỉnh táo sảng khoái ra đến đó; công phu hơn thì nấu chè bột sắn, thả vào đó một nhón đỗ xanh đã bóc vỏ, khuấy cho đến khi nồi chè sánh lại, trong veo là chín. Múc chè ra bát con chờ nguội rồi kê chiếc ghế gỗ ngoài hè, một muỗng chè, một hớp gió, miệng thoang thoảng hương hoa bưởi, âu cũng là một cách thưởng thức đời.
Hoa bưởi cực kỳ hợp với các món ngọt. Vì thế, để tận dụng hết mùi hương hoa bưởi cho bếp núc, các bà các chị đã nghĩ đến cách làm nước đường hoa bưởi. Hoa bưởi phải rửa sạch cho hết phấn, nhưng phải hết sức nhẹ nhàng không làm dập cánh hoa, rồi để cho hoàn toàn ráo nước. Lúc này, cứ một lớp hoa bưởi trải vào lọ thuỷ tinh lại được trải thêm một lớp đường, cứ thế cho đến lúc hoa bưởi được tắm ngập trong đường cát trắng. Lọ hoa đường này phải được vặn chặt nắp, để ở nơi khô thoáng ít nhất là 10 ngày, để đường tan ra, quện chặt lấy hương hoa, già đi, hình thành thứ nguyên liệu đắt giá để nấu chè, làm bánh dẻo.
Hoa bưởi còn được đem ướp trà mạn, nấu tào phớ, chiết xuất tinh dầu, đồng thời còn có một số dược tính hay như giúp đầu óc thư giãn, làm tinh thần tỉnh táo. Người Hà Nội xưa biết vậy, hoặc cũng có thể không biết vậy, họ chỉ nhẹ nhàng dùng hương hoa bưởi để một món dân dã cũng trở nên mỹ thực, để một thức quà bình dân cũng trở thành những hồi ức đẹp đẽ không phai.
Chiếc Thìa Vàng