Những ai chơi mạng xã hội đều hẳn phải biết đến cụm từ "food porn", nơi tràn ngập những hình ảnh đồ ăn đẹp đến mức người ta chỉ muốn “nuốt luôn màn hình điện thoại”.
Ai lại đem ẩm thực đi so sánh với tình dục vậy?
Xuất hiện đầu tiên trong quyển "Female Desire" (tạm dịch: Khát vọng của phụ nữ) xuất bản năm 1984 của nhà phê bình nữ quyền Rosalind Coward, khái niệm "food porn", hay được dịch ra là "khiêu thực" (*), mới bắt đầu có được cái mác chính thức.
Food porn là việc chụp ảnh thức ăn với mục đích kích thích người nhìn, tương tự như cách mà các sản phẩm khiêu dâm cho người ta khoái cảm khi xem, tránh hiểu nhầm với việc người ta dùng thức ăn trong các bức ảnh khiêu dâm. Để đạt được mục đích kích thích này, việc lựa chọn món ăn và trang trí cho sản phẩm cần được diễn ra cẩn thận.
Không phải không dưng mà người ta so sánh ẩm thực với tình dục. Những món ăn xuất hiện trong ảnh khiêu thực thường là món ăn mang nhiều tính "trần tục": đó là các món chiên rán nhiều dầu mỡ, các món "ngồn ngộn" thịt, đi ngược lại hoàn toàn với xu hướng ăn uống lành mạnh như lối ăn giảm tinh bột, ăn thải độc hiện nay.
Một trang tìm kiếm với hashtag #foodporn trên Instagram.
Ảnh chụp khiêu thực có mục đích ban đầu là để quảng cáo. Cũng dễ hiểu thôi, để quảng bá cho quần áo, cho mỹ phẩm, người ta chọn những nam thanh nữ tú, và để quảng bá cho thức ăn, người ta sẽ treo lên những bức ảnh dễ gây thèm thuồng nhất.
Dĩ nhiên, những nơi áp dụng hình thức khiêu thực này đầu tiên là các nhà hàng và show dạy nấu ăn. Rồi sau này, đến thời đại của internet, các food blogger cũng bắt đầu "dấn thân" vào khiêu thực. Khi công nghệ phát triển, đòi hỏi mỹ thuật của con người cũng từ đó mà cao lên. Những bài dạy nấu ăn qua ảnh trên blog hoặc video hướng dẫn trước đây chỉ cần cung cấp nguyên liệu và thao tác làm là đủ, nay còn phải cất công chụp làm sao, quay làm sao cho đẹp, cho bắt mắt, để người ta vừa nhìn xong sản phẩm là thấy mãn nhãn, muốn đi làm thử ngay.
Bạn nào hay thích chụp ảnh thức ăn để đăng lên mạng hẳn đều để ý thấy rằng, có một số món khi chụp sẽ "ăn hình" hơn những món khác. Đây hoàn toàn là điều có lý, khi những đĩa thức ăn kết hợp nhiều màu sắc và kết cấu đối lập luôn dễ lấy nét hơn. Đồng thời, tất cả bát đĩa, phông nền, các vật dụng trang trí cũng góp phần làm nên thành công của một bức ảnh khiêu thực.
Nhìn nhận ra được độ thu hút của ẩm thực và triển vọng của mảng nhiếp ảnh này, nghề food stylist đang dần trở thành một trong số những ngành nghề hot trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Khiêu thực trong điện ảnh
Không nhất thiết phải bó buộc vào nhiếp ảnh, hãy thử nhìn nhận khiêu thực một cách bao quát hơn. Ta có thể hiểu đây là hình thức trình bày ẩm thực nói chung, với mục đích gây kích thích một nhóm đối tượng. Nếu hiểu theo nghĩa này, ta sẽ thấy thực ra, khiêu thực xuất hiện nhiều hơn và lâu đời hơn ta nghĩ.
Vào năm 2014, những người đam mê ẩm thực háo hức đón chờ bộ phim The Hundred-foot Journey, trong đó, nền ẩm thực cao cấp haute cuisine của Pháp và nền ẩm thực đa hương vị, đầy sắc màu của Ấn Độ được đặt lên bàn cân. Phim chứa đựng những cảnh quay cách chế biến, cách trình bày món ăn đẹp đến hút hồn, khẳng định thêm cho cái tinh tế của ẩm thực Pháp, đồng thời cho khán giả một cái nhìn tổng quan về ẩm thực Ấn Độ. Những cảnh quay đó, với hiệu ứng tương tự như những sản phẩm nhiếp ảnh ẩm thực, cũng đều dựa trên tinh thần khiêu thực.
Cảnh trong phim The Hundred-foot Journey: chim cút sốt nấm truffles - món ăn đại diện cho nền ẩm thực cao cấp haute cuisine của Pháp.
Ta cũng nhận ra, khiêu thực xuất hiện rất nhiều trong điện ảnh, dù chỉ là một chi tiết điểm xuyết hay là cả chủ đề của bộ phim. Trong những bộ phim đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt như Ratatouille, No Reservation (tạm dịch: Không đặt chỗ trước), Julie & Julia, Chef (tạm dịch: Đầu bếp)… Thay vì chú ý đến khuôn mặt và thân hình của diễn viên như thường lệ, người ta lại tập trung nhiều hơn đến món ăn "đinh" của phim. Đúng như tên phim, món ăn "đinh" của Ratatouille là rau củ hầm kiểu Pháp ratatouille. Trong No Reservation, người ta sẽ nhớ nhất đến món chim cút với nấm truffle đắt đỏ. Trong Julie & Julia, ta phải kể đến thịt bò hầm boeuf bourguignon - món ăn có thể nói là đã mang lại cả sự nghiệp cho "nữ hoàng ẩm thực" Julia Child.
Cảnh quay trong phim Chef
Những người hâm mộ phim Ghibli hẳn cũng đều để ý rằng, Hayao Miyazaki rất chú ý đến những chi tiết ẩm thực trong phim. Nhân vật Vô Diện trong Spirited Away khi ngồi ở nhà Zeniba đã chén một chiếc bánh sponge cake mềm xốp đến nao lòng, hay cô bé Kiki đã tự tay mình nướng một chiếc bánh cá trích hoành tráng trong Kiki’s Delivery Service. Từ đó, ta cũng thấy được rằng, ẩm thực trong phim của Miyazaki cũng sống động không kém gì cốt truyện của ông vậy. Tuy được thể hiện một cách nền nã hơn, những chi tiết này đều gây được ấn tượng nhất định cho người xem, và hiểu theo nghĩa rộng, đó cũng phần nào là khiêu thực.
Khiêu thực trong văn học
Không chỉ trong điện ảnh, khiêu thực còn xuất hiện trong văn học, đặc biệt là nền văn học lãng mạn. Qua lăng kính đầy xúc cảm và tràn ngập trí tưởng tượng của chủ nghĩa lãng mạn, thực phẩm đã phát triển từ nhu cầu cơ bản hàng ngày thành một nguồn khoái cảm lớn lao. Những món ăn trong văn chương có thể gắn liền với tình yêu, với kí ức, thậm chí là cầu nối giữa người với người: Đó là miếng bánh madeleine xốp mềm đưa người ta về quá khứ trong Đi tìm dòng thời gian đã mất, đó là món cơm thịt heo chiên Katsudon nóng hổi, béo ngậy khiến cô nàng Mikage trong Kitchen không kìm lòng nổi, bắt xe trong đêm để cùng thưởng thức nó với anh chàng Yuichi.
Cơm thịt heo katsudon - món ăn truyền cảm hứng cho Banana Yoshimoto trong Kitchen
Xúc cảm mà các nhà văn gửi vào món ăn có lẽ còn mãnh liệt hơn các chi tiết nắm tay hay ôm hôn. Dưới góc độ bút pháp, thực phẩm là công cụ để nhà văn truyền tải các biến thái tình cảm phức tạp của con người. Đơn giản vì: Vị giác chính là yếu tố bản năng của chúng ta. Tất cả chúng ta đều sẽ vui vẻ khi ăn ngon. Không một tình yêu nào mang tính nhân bản và nguyên thủy như cảm giác ngon miệng. Khi bạn đau buồn hay tuyệt vọng, ăn một món ngon có thể xoa dịu tâm hồn. Thực phẩm được nâng tầm thành liều thuốc tinh thần, thành say mê bất tận và một loại tín ngưỡng thực thụ, giống như cách Banana Yoshimoto đã tuyên bố trong tiểu thuyết đầu tay của mình:
“Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp. Chỉ cần nó là bếp, chỉ cần nó là nơi nấu ăn, thì dù ở đâu, như thế nào, tôi cũng cảm thấy không còn buồn bã.”
(Banana Yoshimoto)
Khi mà việc ăn uống đã không còn gói gọn trong việc để cho no, ẩm thực sẽ mở ra những chân trời khám phá mới – mà xúc cảm mãnh liệt với thực phẩm chính là một trong số đó. Bạn còn nhớ câu chuyện về cô nàng Mikage đã đi xe đêm để chia sẻ món ăn với cậu bạn mình thích chứ? Khi câu chuyện kết thúc, chúng ta vẫn không biết rằng họ có thành đôi hay không. Có lẽ Yuichi sẽ ở cạnh Mikage suốt quãng đời còn lại, nhưng cậu cũng có thể lướt qua cuộc đời cô như những người thân đã mất hay anh bạn trai cũ. Song cũng có quan trọng đâu, khi thứ ở lại vẫn là hình ảnh thơm ngon và huyền ảo của bát katsudon - một thứ đã được thần thánh hóa một cách có chủ đích.
Kết
Dù bạn có là người Tây, người châu Phi hay người Á, tất cả chúng ta đều phải ăn để sống. Và cái nhu cầu mang tính bản năng đó đã khơi nguồn cho khiêu thực. Khiêu thực chẳng qua chỉ là một trào lưu thể hiện cho cái cảm giác khiến bạn ngay lập tức muốn lao ra khỏi nhà, bỏ hết các chế độ ăn kiêng khắt khe, tạm rũ bỏ hết lo toan, thưởng thức tất cả món ngon trên đời và đắm chìm trong niềm vui bản năng nhất.
Theo Tri thức trẻ
Nguồn tham khảo: Định nghĩa "food porn" - Wikipedia
(*) Chú thích: Khái niệm này được dịch theo bài viết "'Food porn' - Khi món ăn mang đến những khoái cảm dị thường" (17/12/2015) đăng trên Depplus.