Đạo trà Việt và buổi hầu trà đáng nhớ

Thứ sáu, 20/10/2017 14:41
0
0
Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất.

Một nền văn hóa tỏa hương

Khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm, ươm bật thành lộc non, lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế, để có được một ấm trà ngon ngồi pha mà nhâm nhi thưởng thức, đó là cả một hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng - một chén trà ngon - mới thật viên mãn.

Cũng một đồi trà, nhưng trà hướng Đông bao giờ cũng ngon hơn trà hướng Tây. Bởi cây trà hướng Đông đón nhận những tia nắng mặt trời buổi sớm nên phản ứng sinh trưởng khác với cây trà hướng Tây. Lại nữa, cũng một vườn trà nhưng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông là bốn mùa hương vị.


Tác giả biểu diễn nghệ thuật trà Việt tại showroom Minh Long I. Ảnh: Trung Dũng

Tuyệt hảo nhất là trà “Xuân 1” hay còn gọi là trà “Tiền minh” (trước tiết Thanh minh). Khi cái giá rét của mùa Đông vừa qua đi, những tia nắng ấm đầu tiên của mùa Xuân vừa ló dạng thì những đọt non cũng bừng nhú trên những cành chè khẳng khiu. Thứ đọt non ấy nếu hái lúc sớm tinh mơ, khi cả đồi chè còn chìm trong sương rồi đem về “sao suốt” trên chảo gang thì hương thơm ngào ngạt như chõ xôi nếp cái, hậu vị ngọt bền vấn vít mãi trong cổ họng như ngậm đường phèn.

Các cụ bảo: “Uống một tách trà, đi xa vạn dặm” là vậy. Loại trà ấy, xưa chuyên dùng tiến vua. Những thiếu nữ đồng trinh với đôi tay mềm mại dùng móng tay dài khẽ khàng bấm từng đọt non trên cùng của búp trà. Da thịt không được chạm vào bởi họ sợ sức nóng của cơ thể, mùi của thịt da sẽ làm lệch lạc hương vị trà. Búp trà được sao khô trên chảo gang dưới bàn tay chai dày của những nghệ nhân nức tiếng sẽ cong như lưỡi con chim sẻ nên còn gọi là trà Tước thiệt (lưỡi chim sẻ).

Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi danh trà hảo hạng này được sản xuất ở vùng Châu Sa Bôi, tức Quảng Trị ngày nay. Rất tiếc, nghệ thuật sao chế trà Tước thiệt đã thất truyền. Vả lại, dẫu bây giờ, nếu ai đó kỳ công làm được loại trà tiến vua ấy thì không hiểu giá tiền 1kg sẽ là bao nhiêu? Và khách ẩm thủy thời hiện đại với nhịp sống nhanh, gấp gáp có đủ trình độ thưởng thức?

Cùng với Trung Hoa, Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Việt Nam là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới. Theo tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy dấu tích của lá và thân cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời đồ đá Sơn Vi (tức văn hóa Hòa Bình), cách đây khoảng 10 vạn năm.

Sự xuất hiện sớm của cây chè đã đưa người Việt lên hàng những dân tộc biết uống trà sớm nhất thế giới. Tục uống trà ở Việt Nam rất phong phú. Từ cách uống cầu kỳ cổ xưa của tầng lớp vua chúa, phong lưu quyền quý đến cách uống bình dân, hiện đại. Thường một bộ đồ trà có ba chén quân, một chén tống để chuyên trà. Nước pha trà phải là thứ nước mưa trong hoặc thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm.

Người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao. Nếu người dân vùng khác thích uống trà “mộc” (trà không ướp hương) thì nhiều gia đình Hà Nội xưa lại thích uống trà ướp sen, trà nhài, trà ngâu, trà cúc, trà sói... Đặc biệt trà sen chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu. Trà sen tựa thứ trà mạn Hà Giang, mỗi cân ướp 1.000 - 1.200 bông sen Tây Hồ và phải là thứ sen chưa bóc cánh với “độ” hương cao nhất. Trà sen loại đặc biệt giá lúc nào cũng ở mức 2 - 3 chỉ vàng. Ở Hà Nội hiện còn khoảng 6 gia đình làm loại trà này.

Các chân trà nhân từ xưa đã rất chú ý đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư. Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung nhỏ, được gọi là “Ngọc diệp hồi cung”. Để có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm nóng bằng nước sôi. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Châm nước lần một gọi là “cao sơn trường thủy” rồi chắt ngay ra. Đây là thao tác “tráng trà” nhằm loại hết bụi bẩn và cho trà khô kịp thấm không nổi lềnh bềnh. Lần thứ hai đổ nước vào ấm gọi là “hạ sơn nhập thủy” nên đổ nước cao, tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bụi trà tràn ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp để giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước thứ hai chính là nước ngon nhất được tạo ra trong vòng một - hai phút, có hương vị đượm đà, thơm tho níu quyến.


Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng pha trà dâng Nhật Hoàng và Hoàng Hậu. Ảnh: HAS

Trà Việt Nam dù được chế biến, được uống bằng cách nào (độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm) vẫn biểu thị một thứ “đạo”. “Đạo trà” Việt Nam thật trân trọng ở cách dâng mời đầy ngụ ý. Dâng trà đã là một ứng xử văn hóa phổ quát biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Uống trà cũng là một ứng xử văn hóa. Uống từng ngụm nhỏ nhẹ để cảm nhận hết cái thơm ngọt của trà, cái hơi ấm toát ra từ hai bàn tay dâng chén hoặc ủ nóng bàn tay khi mùa đông lạnh giá. Uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để bắt đầu một tâm sự, một nỗi niềm, để bàn chuyện gia đình, xã hội, nhân tình thế thái, để cảm thấy trong trà có cả hương vị của trời đất, cỏ cây.

Tuy nhiên, trà cũng rất cần tiết độ. Người Việt không uống trà ừng ực, đặc quá và cũng không uống liên tục suốt ngày. Vì trà là một sự giao hòa với thiên nhiên, sự ứng xử hợp lý với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, với môi trường và con người. Ở Việt Nam luôn tồn tại một nền văn hóa trà thanh lịch và tỏa hương.

Buổi hầu trà ngày 3/3/2017

Sau này, khi đã gắn đời mình với nghiệp trà, noi gương cổ nhân, tôi đã đi khắp mọi nẻo đường để nghiên cứu và truyền bá văn hóa trà Việt với hàng ngàn buổi nói chuyện, trình diễn khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới. Nhưng với tôi, chưa có buổi trình diễn trà nào để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc như buổi dâng trà cho Nhật hoàng và Hoàng hậu sáng ngày 3/3/2017 tại Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân đã tổ chức bữa tiệc trà tiếp đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tôi vinh dự được pha trà và dâng trà các vị khách quý.

Bữa tiệc trà hôm đó chỉ kéo dài chừng 30 phút nhưng tôi đã phải chuẩn bị cho buổi trình diễn trà vô cùng kỹ càng, công phu. Hồi hộp, lo âu, căng thẳng. Nhưng khi Đức vua cùng Hoàng hậu xuất hiện, tiến về phía bàn trà, nụ cười trìu mến, thân thiện cùng cái bắt tay nồng ấm của Ngài khiến những lo âu, căng thẳng trong tôi chợt tan biến.


Nhật hoàng bắt tay khen tặng tác giả. Ảnh: HAS

Trong bữa tiệc trà sáng hôm ấy, tôi đã dâng mời hai đặc sản trà nổi tiếng của Việt Nam: trà Tân Cương thượng hạng (chỉ hái một đọt non trên cùng) của tỉnh Thái Nguyên và trà sen Tây Hồ (do tôi tẩm ướp theo phong cách truyền thống). Hương thơm của trà Việt, hậu vị ngọt bền của trà Việt đã chinh phục hoàn toàn Đức vua, Hoàng hậu và toàn thể quan khách. Các vị đã uống cạn những chén trà với vẻ thích thú và liên tục ban tặng những lời khen.

Kết thúc buổi tiệc trà, Đức Vua và Hoàng hậu Nhật Bản tiến về phía bàn trà của tôi và khen “trà ngon quá”, cùng lời cảm ơn, nụ cười tươi mát như hoa. Tôi chợt ngộ ra một điều, chỉ có trà mới đem lại cho buổi gặp gỡ giữa hai người đứng đầu hai quốc gia, không khí tươi mát, ấm áp, an lành đến như vậy. Chỉ có trà mới mang một bậc đế vương từ nước Nhật xa xôi đến với một người dân bình thường ở Việt Nam là tôi một cách gần gũi, thân mật đến như vậy. Một chén trà nhỏ mà chứa đựng biết bao năng lượng của bình an, tình thương mến. Một chén trà nhỏ mà bắc cả một nhịp cầu yêu thương, hòa bình gắn kết giữa hai quốc gia.

Với tôi, đó là buổi hầu trà đáng nhớ nhất trong đời.


* Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng sinh năm 1973 trong một gia đình truyền thống làm trà nổi tiếng ở Hà Nội. Anh là truyền nhân đời thứ sáu của dòng trà Trường Xuân. Anh đã dành cả cuộc đời, đi khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới để truyền bá vẻ đẹp của văn hóa trà Việt Nam, nghệ thuật trà Việt Nam.

Theo Hoàng Anh Sướng/ Người đô thị

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG