Toàn văn giao lưu trực tuyến: "Bánh trung thu - Trà và Sức khỏe"

Thứ ba, 22/08/2017 21:05
0
0
Nhịp sống như thác lũ của thời hiện đại cuốn trôi rất nhiều cảm xúc, nhưng có những giá trị thiêng liêng không bao giờ mai một. Đó chính là truyền thống, là sum họp gia đình, là tình thân.

Và TRUNG THU - mùa trăng rằm, chính là mùa để được chia sẻ miếng bánh ngon, tách trà thơm trong sum vầy, hạnh phúc.

Lần đầu tiên quy tụ lực lượng hùng hậu, 4 chuyên gia “cao thủ” cùng hiện diện “trên sàn” tư vấn.


Từ trái qua: TS.BS Đào Thị Yến Phi, Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương và BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Lần đầu tiên, bạn có thể vừa tâm tình cùng bác sĩ Tiêu hóa, Dinh dưỡng, lại trò chuyện với Nghệ nhân ẩm thực hàng đầu.

Lần đầu tiên, hội tụ chuyên gia 2 miền Nam - Bắc, để cùng bạn hưởng mùa trung thu truyền thống Ngon và Lành.

Mời bạn, cùng “khai tiệc” với vị khách mời đặc biệt, nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, người vừa từ Hà Nội đáp chuyến máy bay muộn nhất đêm qua để có mặt tại đây cùng chúng ta.


Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng (áo vàng) biểu diễn nghệ thuật pha trà cổ truyền Việt Nam trước các khách mời và báo giới



NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

"Bánh trung thu - Trà và Sức khỏe"

- Lê Thị Thùy Phương - phuongle126…@gmail.com

Thưa nghệ nhân Bùi Thị Sương,

Trà xanh hiện đang được xem như vũ khí hữu hiệu chống lại ung thư. Xin nghệ nhân gợi ý những ứng dụng của trà xanh vào ẩm thực? Xin cảm ơn nghệ nhân.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Chào bạn Thùy Phương,

Trà xanh được sử dụng khá nhiều trong ẩm thực để chê biến món ăn mặn cũng như món ngọt. Từ lâu người Việt Nam sử dụng trà xanh trong món cá kho kiểu Bắc. Ngoài công dụng khử tanh, trà xanh còn giúp cho món cá kho có hương vị đặc trưng, thơm nhẹ nhàng, đặc biệt là kích thích khẩu vị giúp món ăn ngon hơn và người ăn cảm thấy hưng phấn do hàm lượng cafein có trong trà. Ngoài ra, trà xanh cũng được sử dụng nhiều trong chế biến thức uống và làm bánh.

- Nguyễn Thị Thu Cúc - 57 tuổi, TPHCM

Kính gửi TS.BS Yến Phi,

Tôi được biết ăn bánh trung thu quá nhiều sẽ dư năng lượng. Xin hỏi, mỗi người nên ăn bao nhiêu bánh trung thu/ngày thì vừa phải? Và nên ăn bánh trung thu như thế nào để không hại sức khỏe? Xin cảm ơn BS!

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào chị Thu Cúc,

Mỗi loại bánh trung thu sẽ có mức năng lượng khác  nhau: Bánh thập cẩm gà quay trung bình 1200kcalo/cái, bánh nướng nhân đậu xanh hay khoai môn 1 trứng năng lượng khoảng 800kcal/cái, bánh chay khoảng 600-700kcalo/cái. Như vậy tuỳ theo bạn ăn loại bánh nào mà số lượng bạn có thể ăn sẽ thay đổi khác nhau

Bánh trung thu là môt loại thực phẩm cao năng lượng. Mỗi chén cơm luôn cả thức ăn thông thường cung cấp khoảng 300kcalo, như vậy mỗi cái bánh trung thu thập cẩm cung cấp năng lượng tương đương 4 chén cơm.

Bạn có thể tự tính toán lượng bánh mình có thể ăn trong ngày bằng cách cứ ăn 1/4 cái bánh thì bỏ đi 1 chén cơm trong bữa chính, như vậy khẩu phần năng lượng hàng ngay của bạn sẽ không thay đổi. Vì bánh trung thu chỉ cung cấp năng lượng (tức là chất bột đường, chất béo, chất đạm…) là chính, không có đủ các thành phần vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin và chất khoáng để chuyển hoá năng lượng, vì vậy để cân đối khẩu phần và giữ sức khoẻ tốt, bạn có thể ăn thêm 2 chén rau quả tươi các loại khi ăn 1/4 cái bánh trung thu (không cần phải ăn cùng lúc, có thể cách ra 1-2 giờ). Lưu ý là các loại rau quả phải là dạng rau quả tươi, không ngọt thì mới đạt yêu cầu này.

Thưởng thức bánh trung thu ngoài chuyện dinh dưỡng, còn là chuyện tinh thần, nên thật ra nếu bạn ăn không nhiều, mỗi ngày chừng 1/4 bánh và không ăn liên tục quá 1 tuần thì cũng không đến nỗi tính toán khắt khe như trên. Nhưng nếu bạn ăn nhiều (1 cái/ngày) và liên tục kéo dài mà không giảm bớt chế độ ăn thông thường, mỗi tuần bạn có thể tăng trung bình… 600g-1kg, và số tăng thêm này đa số là mỡ (do tăng nhanh), điều này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.

Chúc bạn một mùa trung thu thật vui.




- Nguyễn Mạnh Ninh - Quận 12, TPHCM

Xin chào BS Lưu Phương,

Cháu năm nay 22 tuổi, cháu hay gặp vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Hàng năm, cứ đến dịp tết Trung thu, nhà cháu mua về rất nhiều loại bánh, mà toàn bánh ngon nữa làm cháu không thể nào cưỡng lại được. Cháu rất ghiền đồ ngọt và ăn một lúc được rất nhiều.

Cháu chỉ muốn hỏi BS tư vấn cho cháu ăn uống hợp lý, nhất là ăn bánh trung thu như thế nào để bảo vệ sức khỏe hợp lý nhất ạ. Cháu cảm ơn BS rất nhiều.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào Mạnh Ninh,

Nếu bạn thích ăn bánh trung thu thì chuyện đầu tiên em cứ việc ăn nhưng cần lưu ý một số vấn đề:

-  Bánh trung thu thập cẩm chứa khá nhiều chất béo (khoảng 40-50% năng lượng từ chất béo)  nên nếu bạn có khó chịu về đường tiêu hóa dưới thì bạn nên hạn chế ăn loại bánh này. Cụ thể mỗi ngày bạn chỉ ăn 1/4 cái bánh này là đủ. Nhưng không nên ăn liên tục từ ngày này sang ngày khác vì tỉ lệ dinh dưỡng không hợp lý.

Bánh trung thu nhân đậu hoặc bánh dẻo thì chứa nhiều chất bột đường hơn (khoảng 65-70% năng lượng từ chất bột đường) do đó nếu bạn có vấn đề về đường tiêu hóa trên như đầy bụng, sôi bụng thì nên hạn chế ăn loại bánh này.

Cụ thể mỗi ngày bạn chỉ nên ăn tối đa là 1 cái bánh loại này là đủ vì nó đã tương đương 2 bát cơm có thức ăn đầy đủ. Nhưng bạn không nên ăn liên tục từ ngày này qua ngày khác vì mặc dù về mặt năng lượng là tốt nhưng về tỉ lệ thành phần dinh dưỡng thì không hợp lý.

- Hang Thu - thuhang…@gmail.com

Ăn bánh trung thu kèm với uống trà mới là sự kết hợp hoàn hảo, vừa hợp vị giác vừa có lợi cho sức khỏe. Vậy xin hỏi, cụ thể việc kết hợp bánh trung thu và trà có lợi như thế nào cho sức khỏe? Hiện có rất nhiều loại bánh trung thu khác nhau như bánh dẻo, bánh nướng rồi có nhân đậu xanh, nhân thập cẩm… Có phải mỗi loại bánh khác nhau cần kết hợp với các loại trà khác nhau không?

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Chào em,

Do trà có công dụng kích thích thần kinh, tạo sự hưng phấn, có khả năng giải độc tố nên khi kết hợp trà và bánh trung thu các loại sẽ giúp món ăn ngon miệng hơn và giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt.



Uống trà khi ăn bánh trung thu sẽ giúp ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn

- Mai Thanh Hà - haxuka…@gmail.com

Chào cô Sương,

Em là một đầu bếp trẻ, em có theo dõi cuộc thi Chiếc Thìa Vàng và được biết cô là một trong những giám khảo chuyên môn của cuộc thi.

Điều khiến em thấy thú vị nhất khi xem Chiếc Thìa Vàng là các đầu bếp của chúng ta có một sự sáng tạo vô biên với các nguyên liệu, gia vị quen thuộc.

Với chủ đề trà hôm nay, em muốn được nghe cô giới thiệu những món ăn có dùng trà xanh của các thí sinh Chiếc Thìa Vàng, ngõ hầu giúp em sưu tập thêm được những công thức nấu ăn độc đáo, tốt cho sức khỏe. Em cảm ơn cô.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Chào Thanh Hà,

Trong cuộc thi Chiếc Thìa Vàng các đầu bếp đã đưa hương vị trà vào trong các thực đơn dự thi của mình: trong các món như chả giò trà xanh. Ở món ăn này thí sinh tự chế biến bánh tráng trà xanh từ bột mì và tráng bánh trên chảo không dính. Trong nhân cũng cho một ít lá trà xanh thái sợi. Chả giò có màu sắc khá đẹp và hương vị rất lạ miệng.

Chè trôi nước trà xanh: Bột trà xanh được hòa vào bột nếp để làm bột vỏ và nhân đậu xanh cùng với nước đường có thêm gừng và lá dứa, rưới them một ít nước cốt dừa và rắc thêm mè trắng trên bột bánh. Tôm đốt đá trà xanh cũng là một món ăn có hương vị rất đặc sắc và cách biểu diễn sống động, hấp dẫn.

Bên cạnh đó trà xanh cũng được đưa vào trong các món kem lạnh, bánh và mousse rất đặc sắc…

- Ngọc Trâm - Q.Bình Thạnh, TPHCM

Gần đây em có học làm bánh, dự định sẽ tự tay làm bánh trung thu đi biếu mọi người. Kính hỏi nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, nên nướng bánh trung thu ở nhiệt độ nào là thích hợp ạ?

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Chào em,

Bánh trung thu nướng lúc đầu ở nhiệt độ khoảng 220 độ C trong khoảng 10 phút để giúp bánh định hình, sau đó lấy ra để nguội bớt phun nước lên bánh để tạo độ ẩm. Tiếp đến, em nướng tiếp và khi bánh gần chín mang ra phết mặt bằng hỗn hợp trứng với dầu mè.

- Nguyễn Thường Tính - tintranfo…@gmail.com

Thưa TS.BS Đào Thị Yến Phi, tôi muốn hỏi là những trường hợp nào không nên ăn bánh trung thu? Những người bị các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp có cần phải kiêng tuyệt đối? Nếu không phải kiêng tuyệt đối thì nên ăn như thế nào để vừa đã cơn thèm mà vừa không hại sức khỏe?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,

Thật ra, trong dinh dưỡng, không có chỉ định kiêng ăn tuyệt đối bất kỳ món ăn nào, vì ăn uống là một trong những yếu tố tạo nên chất lượng cuộc sống, ngay cả với người đã có bệnh lý thì chất lượng sống vẫn là điều quan trọng (nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả người không có bệnh lý). Vấn đề là với các bệnh khác nhau sẽ có một số lưu ý khác nhau để chúng ta điều chỉnh các loại thực phẩm khác nhau và các bữa ăn trong ngày để hạn chế tố đa các nguy cơ nếu có.

Sau đây là một số nguyên tắc chung:

1. Chọn loại bánh có thể ăn tuỳ theo từng bệnh:

- Bệnh nhân tim mạch và huyết áp cần hạn chế muối trong khẩu phần, vì vậy không nên ăn nhiều các loại bánh thập cẩm, ưu tiên chọn lựa các loại bánh có nhân đậu xanh, khoai môn, trà xanh… là những loại bánh có hàm lượng muối thấp hơn

- Bệnh nhân tiểu đường thường không nên ăn các loại bánh có hàm lượng đường cao như bánh nhân đậu, nhân hạt sen, nhân khoai, nên chọn các loại bánh thập cẩm nhân ít mỡ.

- Bệnh nhân gout (thống phong) thường cần kiêng cữ các món ăn giàu đạm và các loại đậu đỗ, nên tránh các loại bánh nhân đậu, nhân thập cẩm, ưu tiên chọn lựa các loại bánh nhân khoai củ.

2. Xác định số lượng bánh có thể ăn:

- Với các loại bánh ưu tiên (được phép ăn nhiều hơn), mỗi lần ăn có thể ăn tối đa 1/2 cái  

- Với các loại bánh cần hạn chế: mỗi lần ăn không quá 1/4 cái

3. Điều chỉnh khẩu phần ăn trong ngày để cân đối các chất dinh dưỡng, cung cấp đủ vi chất:

- Giảm bớt 1 chén cơm/ bữa chính khi ăn 1 phần bánh trung thu

- Tăng cường thêm khoảng 2 chén rau củ quả (tương đương 150g) khi ăn 1 phần bánh trung thu. Các loại rau củ quả này tốt nhất là ăn tươi sống, chọn loại không ngọt không đường.

- Uống nhiều nước, có thể dùng nước trà khi ăn bánh trung thu, vừa hợp vị, lại vừa giúp chậm hấp thu một vài thành phần bất lợi trong bánh như đường hay mỡ.

- Đi bộ thêm 15 phút/ngày

Mặc dù không có chỉ định kiêng khem tuyệt đối bánh trung thu với người bệnh, nhưng chắc chắn không được ăn đến “đã cơn thèm”. Thèm là một cảm giác lệ thuộc tâm lý, liên quan đến thần kinh, nên ngưỡng “đã” đôi khi là ngưỡng nguy hiểm mà người bệnh không tự biết. Nên chọn khái niệm “thưởng thức một món ăn ngon” theo cách phù hợp nhật với sức khoẻ của mình thì sẽ vui hơn cho chính người bệnh và cả gia đình nữa

Chúc bạn có mùa trung thu thật vui và thanh thản.

- Lê Trọng Nghĩa - TP.HCM

Xin chào các chuyên gia,

Tôi có vài thắc mắc muốn nhờ các chuyên gia tư vấn giúp, tôi nghe nói nói là khi ăn bánh trung thu nên kết hợp với trà, rượu vang thì hương vị và mùi vị sẽ ngon hơn.

Tuy nhiên tôi băn khoăn là không biết nếu bánh mặn, bánh ngọt thì kết hợp với loại trà nào? Nếu kết hợp bánh với rượu vang thì nên chon loại rượu nào và kết hợp với bánh mặn hay bánh ngọt? Tôi xin cảm ơn các chuyên gia rất nhiều.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Chào bạn Nghĩa,

Các loại trà ưa thích hợp khẩu vị đều có thể kết hợp với món bánh trung thu (trừ trà lipton). Rượu vang đỏ cũng có thể dùng với bánh trung thu nhân thập cẩm.

- Trương Thị Vân - vannghiyt.…@icloud.com

 Ông chú tôi mới đi du lịch về tặng một chai rượu vang đỏ của Pháp. Tôi tính dùng nó để phá cỗ trông trăng cho gia đình.

Thế nhưng không biết dùng rượu vang đỏ có hợp với bánh trung thu không thưa nghệ nhân Bùi Thị Sương? Liệu có gây tương tác gì hại cho sức khỏe không?

Và nên thưởng thức bánh trung thu thế nào mới đúng điệu? Mong cô giải đáp giúp tôi. Trân trọng cảm ơn cô.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Chào bạn,

Nếu bạn có sở thích uống rượu vang thì rượu vang đỏ kết hợp với bánh trung thu là một kết hợp thú vị, đặc biệt là đối với bánh có loại nhân thập cẩm trong đó có lạp xưởng, gà quay, vịt lạp… (nhân nhiều chất đạm) sẽ giúp món ăn rất ngon và hỗ trợ tiêu hóa tốt.



- Trương Văn Tài - Đăk Lăk

Chào BS, tôi bị bệnh thận có ăn được bánh trung thu không? Nên ăn loại bánh gì?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Tài,

Tôi không rõ bạn bị thận là loại bệnh gì cụ thể: sỏi thận? Suy thận mạn? Viêm cần thận?...

Về lý thuyết nếu bạn bị sỏi thận thì trong bánh trung thu không có nhiều canxi nên bạn có thể ăn được nếu sỏi thận của bạn là sỏi canxi; còn nếu sỏi của bạn là sỏi uric thì bạn nên hạn chế bánh trung thu thập cẩm vì nó chứa nhiều chất đạm và có thể làm cho sỏi uric nặng hơn.

Nếu bạn bị những bệnh như viêm thận hoặc suy thận thì bạn nên hạn chế ăn bánh trung thu dạng thập cẩm vì dạng này chứa nhiều chất muối không tốt cho người bị suy thận hoặc viêm thận.

- Trần Phương Anh - Trường Cao đẳng Phát Thanh Truyền hình 2, TPHCM

Cháu chào bác sĩ

Cháu đi học xa nhà, năm nào đến dịp Trung thu cháu đều mua biếu ông bà và ba mẹ hộp bánh. Hiện nay cháu thấy có cả loại bánh dành cho người ăn kiêng, tiểu đường. Vậy xin hỏi BS có phải người bị tiểu đường, ăn kiêng đều có thể thỏa sức ăn loại bánh này mà không cần kiêng cữ gì nữa đúng không?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,

Các loại bánh trung thu làm từ đường ăn kiêng, tức là đường mà không phải đường, thường có mức năng lượng thấp hơn và về mặt lý thuyết thì không làm tăng đường huyết nên có thể sử dụng cho người cần hạn chế việc tăng đường như bệnh nhân tiểu đường hay những người thừa cân - béo phì, những bệnh nhân Hội chứng chuyển hoá…

Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cảnh báo việc sử dụng đường ăn kiêng mặc dù không làm tăng đường huyết nhưng vẫn có nguy cơ tăng insulin trong máu theo cơ chế thần kinh, vì vậy việc dùng đường ăn kiêng cũng chưa hẳn là tốt cho người bệnh.

Ngoài ra, trong bánh trung thu dành cho người ăn kiêng, ngoài việc thay thế đường thường bằng đường ăn kiêng thì người ta vẫn sử dụng đầy đủ các nguyên liêu khác như bột, lạp xưởng, trứng muối, thịt mỡ… và các loại nguyên liệu này mới là nguyên nhân chính làm tăng đường tăng mỡ trong máu.

Vì vậy, có thể hiểu là bánh trung thu dành cho người ăn kiêng chỉ giúp giảm bớt một chút xíu nguy cơ chứ không phải triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ, vì vậy chắc chắn không thể ăn “thả cửa” mà không cần kiêng cữ như bạn nghĩ. Tốt nhất, bạn vẫn phải nhắc người thân ăn bánh trung thu với lượng vừa phải cùng lúc với điều chỉnh khẩu phần trong các bữa ăn khác để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.

Chúc bạn và gia đình có mùa trung thu thật vui nha.

- Bùi Thị Ba - Gò Vấp, TPHCM

Thưa cô Sương,

Cô nghĩ sao khi phong trào làm bánh trung thu nở rộ với đủ các loại nhân biến tấu như matcha, socola, đậu đỏ, sầu riêng... hay bánh trung thu tiramisu, bánh trung thu rau câu, bánh trung thu kem lạnh, bánh trung thu flan, bánh trung thu ngàn lớp… Là một trong những đại sứ văn hóa ẩm thực Việt Nam, cô sẽ chọn bánh truyền thống hay bánh hiện đại để giới thiệu cho bạn bè quốc tế?

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương: 

Bánh trung thu ngày nay rất phong phú và đa dạng. Ngoài các loại bánh nướng, bánh dẻo thông thường còn có rất nhiều loại bánh khác kết hợp với các cách chế biến Âu Á (Fusion). Điều đó giúp cho khánh hàng có nhiều chọn lựa cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh bánh trung thu truyền thống, chúng ta cũng có thể giới thiệu một số bánh truyền thống Việt Nam vào mùa trung thu như: bánh in, bánh bó, bánh đúc gân, bánh cốm, su sê… với bạn bè quốc tế.

- Trần Cẩm Hạ - SV Trường Du lịch và khách sạn Sài Gòn Tourist

Kính gửi cô Bùi Thị Sương,

Xin cô cho biết, bánh trung thu có ý nghĩa như thế nào trong nền văn hóa ẩm thực Việt Nam? Bánh Trung thu của 3 miền Bắc - Trung - Nam có điểm đặc biệt gì khác nhau? Cô đánh giá bánh của miền nào ngon nhất? Em cảm ơn cô nhiều.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương: 

Đối với các em thiếu nhi thì trung thu là một lễ hội mà các em có thể tham gia rước đèn và thưởng thức nhiều loại bánh kẹo ưa thích cùng với người thân và bạn bè trong đêm rằng, thật thú vị khi nghe những câu chuyện về Hằng Nga, chú Cuội, cây đa. Đó là những kỷ niệm đẹp sẽ gắn sâu vào ký ức của mỗi người.

Ở mỗi miền, khẩu vị bánh trung thu khác nhau. Riêng bản thân tôi thì thích bánh có hình thức sắc nét, màu sắc tươi tắn tự nhiên, nhân bánh ngọt vừa có mùi thơm đặc trưng. Ví dụ: Bánh thập cẩm có mùi lá chanh nổi bật, bánh dẻo có mùi thơm của nước khoa bưởi…

- Ngô Thanh Phong - Gò Vấp, TPHCM

Chào chương trình, chào BS Lưu Phương, năm nay tôi 60 tuổi và tôi rất thích ăn bánh Trung thu. Năm nào con cháu cũng mua về rất nhiều nhưng khổ nỗi tôi có tiền sử bệnh dạ dày, tim mạch. Tôi thấy mấy ông bạn nói là không nên ăn nhưng tôi vẫn rất muốn ăn nên muốn hỏi ý kiến của BS, mong BS Lưu Phương tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn BS rất nhiều!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào chú,

Chú đã trên 60 tuổi là lứa tuổi rất dễ xảy ra những bệnh về rối loạn chuyển hóa chất đường, chất béo trong cơ thể nên việc ăn bánh trung thu nhiều sẽ làm dễ xuất hiện những bệnh này hoặc làm cho tình trạng nặng hơn nếu chú đã có sẵn bệnh. Tuy nhiên, nếu chú chưa có bị tiểu đường hoặc mỡ máu thì chú có thể ăn bánh trung thu bình thường nhưng chú cần lưu ý vài điểm sau:

- Với lứa tuổi của chú, mỗi ngày chỉ cần ăn 1/2 cái bánh trung thu loại nhân đậu bánh dẻo là đủ. Nhưng chú cần nhớ, nếu ăn nửa cái bánh trung thu thì ngày hôm đó chú cần giảm lại 1 chén cơm với đầy đủ thức ăn. Tuy nhiên mỗi mùa trung thu chú chỉ nên ăn kéo dài như thế trong 1 tuần là vừa. Vì mặc dù chú giảm cơm nhưng thành phần dinh dưỡng của bánh trung thu vẫn không cân bằng và thiếu vitamin.

- Với bánh thập cẩm thì chỉ ăn 1/4 cái là đủ nhưng nếu chú đã cao huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch thì không nên ăn liên tục vì dễ bị dư muối, không tốt cho sức khỏe.

-  Chú nên ăn thêm rau xanh (khoảng 2 chén rau cho một lần ăn 1/2 cái bánh trung thu), uống thêm trà xanh vừa giúp ngon miệng khi ăn  đồng thời có thêm các chất chống oxy hóa, giúp hạn chế các tác dụng có hại của chất béo, đồng thời làm giảm hấp thu chất béo không có lợi cho sức khỏe.

- Nguyễn M.Trang

Nước tro tàu để làm bánh nướng có độc không? Có cách nào khác thay thế nước tro tàu mà vẫn có chiếc bánh nướng vàng ươm không thưa cô?

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Theo chuyên gia An toàn vệ sinh thực phẩm Vũ Thế Thành thì nước tro tàu không gây độc hại gì. Trong kỷ thuật chế biến bánh trung thu nướng đều có một ít nước tro tàu, giúp để làm vỏ bánh đủ mềm, nhưng cũng không nên lạm dụng vì sẽ làm bột bánh bị bỡ, khó tạo hình, chưa kể mùi vị bị gắt, khó ăn.

Để bánh có màu vàng thì người ta thường sử dụng đường cát nâu cùng với đường cát trắng.

- Ánh Chi - 40 tuổi, TP Vũng Tàu

Ăn bánh trung thu, tôi thích nhất là miếng thịt mỡ trong veo, giòn tan, tươm vị béo ngậy. Xin hỏi, làm thế nào để miếng mỡ đạt được vị ngon đó?

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Mỡ được chọn là mỡ gáy vì có độ giòn, sau khi luộc thì cắt hạt lựu rồi ướp đường và một ít muối (mỡ sẽ có thời gian thẩm thấu đường và có độ trong).



- Đặng Thị Kim Thoa - Giáp Bát, Q.Hoàng Mai, Hà Nội

Tôi là người Hà Nội, nhưng lại thích vị ngọt, béo, mằn mặn của “ông trăng trứng muối” trong chiếc bánh Trung thu của người Nam. Rất mong chuyên gia hướng dẫn cách ngâm trứng muối ngon đúng chuẩn Nam bộ. Xin cảm ơn cô.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Chào bạn,

Để làm trứng muốn ngon cho những chiếc bánh mùa trung thu, bạn có thể tham khảo công thức sau: Nấu 1 lít nước với các gia vị như quế chi, đại hồi, thảo, đinh hương và một củ gừng đập dập… đun để lấy mùi của các gia vị. Sau đó, thêm 250g muối hột và 3g đường cát nấu tan và để nguội. Dùng 1 lọ thủy tinh hoặc sành sứ xếp khoảng 10 trứng vịt, đổ ngập hỗn hợp nước gia vị, dùng dụng cụ nén nhẹ để trứng không nổi lên, đậy kín khoảng 3 - 4 tuần là có món trứng muối.

Chúc bạn thành công.

- Minh Hiền - Quận Thủ Đức, TPHCM

Tôi muốn được hỏi về bí quyết nấu nước đường để làm bánh trung thu. Tỉ lệ như thế nào là đạt chuẩn và trong quá trình nấu cần lưu ý và những nguyên liệu như thế nào? Chân thành cảm ơn.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Sau đây là một trong những công thức mà bạn có thể tham khảo:

150g đường cát nâu + 150g đường cát trắng + 100g nước nấu tan rồi thêm vào 2 lát chanh (chanh giúp hạn chế hiện tượng “lợi đường”, không dùng quá nhiều vì tạo vị chua không phù hợp cho món bánh).

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo nhiều công thức trên internet.

Trong công nghệ chế biến bánh trung thu thì người ta chế biến nước đường trước vài tháng.

- Phạm Thị Mỹ Lan - Quận 8, TPHCM

Thưa BS, mỗi khi đến mùa Trung thu là tôi thấy các hàng bánh bán dọc trên các tuyến đường. Thậm chí, có gian hàng bán tận trước Trung thu cả tháng trời, sau đó bán qua cả mùa lễ, sale hết nấc. Vậy xin hỏi BS, loại bánh đáng lý được ăn liền thì bảo quản cả hàng tháng trời như vậy thì ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Nếu vậy, thì ngay khi họ bày bán tôi mua ăn luôn không cần đợi đến Trung thu thì có đảm bảo hơn không?

Hơn nữa, dạo trước tôi còn đọc báo thấy cả bánh để năm này qua năm sau bán lại. Vậy nếu tôi không ăn bánh các cơ sở sản xuất nữa mà mua bánh handmade thì có an toàn hơn không ạ?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,

Bánh trung thu thực chất là một loại bánh có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, vì quá trình chế biến cần nhiều động tác cắt thái nhào trộn, nguyên liệu hỗn hợp đa dạng… nên chỉ cần một công đoạn không đảm bảo yêu cầu về tính an toàn là có thể dẫn đến nguy cơ cho người dùng. Việc bảo quản trong thời gian bày bán cũng có thể có những sai sót dẫn đến nguy hiểm như bạn lo ngại.

Chưa có thống kê về số lượng người dùng bị nhiễm trùng tiêu hoá do ăn bánh trung thu, nên cũng khó mà nói được nguy cơ của vấn đề này lớn đến đâu, tuy nhiên có ý thức tự bảo vệ mình như bạn là một điều hoàn toàn hợp lý và cần phát huy. Đương nhiên là bánh được ăn càng sớm sau khi chế biến thì càng tốt, càng an toàn hơn. Một vài con vi khuẩn thường không có khả năng gây bệnh vì cơ thể chúng ta thừa sức tiêu diệt chúng, nhưng nếu thời gian lưu trú của vi khuẩn trong cái bánh càng dài, số lượng vi khuẩn càng tăng, thì nguy cơ gây bệnh càng cao. Ngoài vi khuẩn, các yếu tố nguy cơ khác như các chất hoá học có hại trong khói bụi, trong tay người… cũng thường tăng dần theo thời gian bảo quản.

Các loại bánh handmade thật ra có nguy cơ cao không kém bánh chế biến công nghiêp, có khi còn cao hơn, vì quy trình chế biến thường không chuẩn và không có hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ví dụ như trong nhà máy, các nguyên liệu được cắt bằng máy, trộn bằng máy trong các khu vực chuyên biệt, không có tay người chạm vào, công nhân được kiểm tra sức khoẻ, mặc trang phục bảo hộ, đeo găng tay, sản phẩm được đóng gói kín, hút ẩm kỹ… trong khi các nguyên tắc này rất hiếm khi kiểm tra được ở các bếp nấu ăn tại nhà. Chính vì vậy, bánh handmade thường có thời gian bảo quản ngắn hơn rất nhiều.

Nếu bạn tin tưởng một bếp làm bánh trung thu handmade nào đó, thì cũng có thể dùng, nhưng thường chỉ trong vòng vài ngày sau khi chế biến, và thật ra, mức độ an toàn cũng thật rất khó để mà xác định.

Chúc bạn luôn vui khoẻ và có một mùa trung thu vui bên gia đình.



- Dương Văn Ngân - Bảo Lộc, Lâm Đồng

Tôi có đọc báo thấy một số người khuyên chớ dại ăn bánh trung thu nếu đang có bệnh. Tôi không biết đó cụ thể là những bệnh gì, đối tượng nào không nên ăn, tôi rất mong được các chuyên gia của chương trình tư vấn cụ thể giúp tôi có thêm chút kiến thức để phòng tránh bệnh tật. Xin chân thành cảm ơn chương trình.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Câu khuyên này là không chính xác. Ăn uống là một thói quen cũng như sở thích của con người và đó cũng là thú vị của cuộc sống. Do đó nếu làm theo lời khuyên chung dung như vậy là hoàn toàn không có sơ sở khoa học và có thể gậy bệnh tật do làm giảm chất lượng cuộc sống và làm cho bệnh nhân căng thẳng. cụ thể những người cần hạn chế ăn bánh trung thu bao gồm:

- Người mang bệnh tiểu đường thì cần nên hạn chế loại bánh trung thu nhân đậu hoặc bánh dẻo.

- Người mắc bệnh cao huyết áp, bệnh suy thận, rối loạn mớ máu hoặc béo phì thì cần hạn chế loại bánh thập cẩm.

- Tuy nhiên nếu quá thèm thì vẫn có thẻ  dùng từ 1/4 - 1/2 cái bánh nhưng nên dùng chung với trà xanh hoặc rau xanh, trái cây. Và cần nhớ phải giảm lại lượng ăn trong ngày tương ứng như sau: (1 cái bánh trung thu nhân thập cẩm tương đương khoảng 3-4 chén cơm có đồ ăn; 1 cái bánh dẻo hoặc bánh nhân đậu tương đương 2 - 2,5 chén cơm thức ăn). Và không phải cứ việc ăn bánh trung thu cho đã rồi giảm khẩu phần cơm lại là hợp lý mà cứ ăn từ ngày này qua ngày khác như vậy là cũng không tốt vì thành phần dinh dưỡng không tốt.

- Đặng Thị Mỹ Dung - Long An

Cháu chào BS, năm nay cháu 28 tuổi, đang mang thai bé đầu tiên, cháu nghe nói là đang mang bầu thì không nên ăn bánh Trung thu, điều này có chính xác không thưa BS? Nếu ăn được thì có cần kiêng cữ gì nữa không, BS ơi?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Bánh trung thu không phải là chống chỉ định đối với người mang bầu nhưng cần lưu ý là phải ăn bánh từ những cơ sở được thẩm định, có nhãm mác và bảo đảm hạn dùng để bảo đảm an toàn không bị nhiễm bẩn những hóa chất cấm sử dụng trên con người và tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm mà xảy ra ở bà bầu thì có thể nặng hơn.

Đặc biệt, em đang mang thai mà bị ốm nghén nhiều mà lại thèm bánh trung thu thì không có việc gì phải tránh mà cứ việc ăn vì ít nhất nó cũng cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho em. Tuy nhiên, nếu em không bị nghén mà vẫn thích ăn bánh trung thu thì cứ việc ăn nhưng không nên ăn quá nhiều vì sẽ làm cho em no và hạn chế ăn những thứ khác làm thiếu chất dinh dưỡng và các sinh tố cần thiết cho em và thai nhi. Trong khi bánh trung thu thì chỉ cung cấp được phần dinh dưỡng và năng lượng nhưng thành phần không hợp lý.

- Mỹ Hường - Bạn đọc hỏi qua Fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Em chào bác sĩ, nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp em cách chọn và bảo quản bánh trung thu đúng cách?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,

Bánh trung thu được chế biến công nghiệp đã được kiểm tra chất lượng trước khi xuất xưởng, nên khi chọn bánh, bạn lưu ý đến việc các bao bì phải được hàn kín, hút chân không hoặc hút ẩm, và nên mua bánh càng gần ngày xuất xưởng càng tốt. Bánh bảo quản tốt nhất ở nơi mát và tối, nhưng khi ăn thì phải đem ra ánh sáng xem trước, nếu bánh có vết đen, xanh, mốc… thì cần phải loại bỏ, đừng nên tiếc. Bánh sau khi đã khui ra khỏi gói và cắt ra thì nên ăn hết, nếu bảo quản lại thì cần bọc kín trong nilon chuyên dụng dành cho thức ăn và cũng nên ăn hết trong ngày. Khi ăn, nếu phát hiện bánh có vị lạ, chua... thì nên bỏ đi.

Nếu bạn mua bánh làm ở các bếp gia đình, thời gian sử dụng nên càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng vài ngày sau khi chế biến.

- Minh Thái, 37 tuổi, leminhthai11...@gmail.com

Chào nghệ nhân ẩm thực,

Tôi đi rất nhiều nơi trên thế giới, đồ ăn của họ rất ngon. Nhưng quả thật, tôi vẫn cảm thấy và quả quyết rằng: đồ ăn Việt, nhất là những món ăn lề đường của Việt Nam rất ngon, không thua kém gì các nước khác. Riêng ở Thái Lan, nó gần như trở thành một thương hiệu và thu hút lượng thực khách khá lớn. Như vậy, xin hỏi: Liệu chúng ta có thể quảng bá ẩm thực Việt thông qua con đường này hay không? Làm thế nào để nâng cao chất lượng và sự tin cậy? Mong được nghe ý kiến của chuyên gia. Chân thành cảm ơn.

Nghệ nhân Bùi Thị Sương:

Ẩm thực đường phố ở Việt Nam rất đặc sắc, muốn quảng bá hiệu quả thì phải tập hợp và tổ chức quản lý tốt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Một việc quan trọng khác là xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá có chiến lược. Thường xuyên tổ chức những lễ hội ẩm thực để thu hút du khách trong và ngoài nước, tổ chức những chương trình quảng bá ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng những hình ảnh đặc trưng nhận dạng thương hiệu của ẩm thực Việt Nam, đây là việc làm cần thiết để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Do đó, rất cần chủ trương của nhà nước, các nghệ nhân và các đơn vị kinh doanh ẩm thực.

- Phan Văn Phép - phanvphep19...@gmail.com

Xin chào nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương,

Tôi có theo dõi chương trình “Chiếc Thìa Vàng” do bà làm giám khảo. Tôi rất ấn tượng với những món ăn và cách bày trí của những đội thi trong chương trình. Tôi rất muốn sưu tầm các công thức nấu ăn mới và lắng nghe những lưu ý khi chế biến. Xin hỏi tôi có thể học công thức chuẩn từ đâu? Những thông tin trên Internet hỗn độn quá, không biết có nên tin không? Xin được tư vấn. Cảm ơn bà.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương:

Chào bạn,

Bạn có thể tìm các công thức này ở sách Chiếc Thìa Vàng xuất bảng hàng năm bán ở các hệ thống showroom của Minh Long và các nhà sách Phương Nam, hoặc trên website: chiecthiavang.com.



- Trịnh Văn Toàn - 32 tuổi, Đồng Nai

Khi tôi mở bánh trung thu thấy hầu hết đều có sử dụng gói hút ẩm. Nếu các cơ sở lớn dùng gói hút ẩm nhập ngoại thì không sao nhưng lỡ như dùng đồ trôi nổi thì sợ quá. Xin hỏi những gói hút ẩm này gây hại như thế nào đến sức khỏe, nhất là khi các chất này dính lẫn trên bao bì hoặc bao bị rách, vỡ?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,

Các gói hút ẩm dùng cho thực phẩm thường được bao gói bằng các loại giấy trơ an toàn cho sức khoẻ. Đây chính là phần quan trọng nhất quyết định tính an toàn của gói hút ẩm.

Các loại hạt hút ẩm bên trong bao gói đều có thể gây nguy hiểm cho hệ tiêu hoá, gan, hệ thần kinh… Vì vậy, trước khi ăn bánh, bạn nên quan sát gói hút ẩm, nếu gói đã bị rách, vỡ.. thì tốt nhất nên bỏ bánh đi, đừng tiếc.

Chúc bạn và gia đình có mùa trung thu vui vẻ.

- Bùi Trương Hoài - 28 tuổi, hoaibui65…@gmail.com

Em nghe bà chị nói ăn một cái bánh trung thu là phải nhịn 3 chén cơm? Vì sao lại thế thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Thông thường năng lượng tạo ra từ một cái bánh trung thu thập cẩm là khoảng 1000-1200kcl, tức là tương đương với 3-4 chén cơm có thức ăn đầy đủ.

Một cái bánh trung thu nhân đậu hoặc 1 cái bánh dẻo cung cấp năng lượng khoảng 700-800kcl tức là tương đương 2-3 chén cơm có thức ăn đầy đủ.

Do đó để không bị thừa năng lượng thì em phải giảm tương ứng lại số chén cơm.

- Thanh Trúc - chợ Gạo, Tiền Giang

Ăn bánh trung thu không đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ béo phì, tim mạch và tiểu đường đúng không thưa BS?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,
Bánh trung thu là một loại thực phẩm, vì vậy như các loại thực phẩm khác, nguy hiểm hay không là do cách sử dụng phù hợp với tình trạng sức khoẻ và cân đối với nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của mình mà thôi.

Bánh trung thu là môt loại thực phẩm cao năng lượng. Mỗi chén cơm luôn cả thức ăn thông thường cung cấp khoảng 300kcalo, như vậy mỗi cái bánh trung thu thập cẩm cung cấp năng lượng tương đương 4 chén cơm. Bạn có thể tự tính toán lượng bánh mình có thể ăn trong ngày bằng cách cứ ăn 1/4 cái bánh thì bỏ đi 1 chén cơm trong bữa chính, như vậy khẩu phần năng lượng hàng ngay của bạn sẽ không thay đổi.

Vì bánh trung thu chỉ cung cấp năng lượng (tức là chất bột đường, chất béo, chất đạm…) là chính, không có đủ các thành phần vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin và chất khoáng để chuyển hoá năng lượng, vì vậy để cân đối khẩu phần và giữ sức khoẻ tốt, bạn có thể ăn thêm 2 chén rau quả tươi các loại khi ăn 1/4 cái bánh trung thu (không cần phải ăn cùng lúc, có thể cách ra 1-2 giờ). Lưu ý là các loại rau quả phải là dạng rau quả tươi, không ngọt thì mới đạt yêu cầu này.

Thưởng thức bánh trung thu ngoài chuyện dinh dưỡng, còn là chuyện tinh thần, nên thật ra nếu bạn ăn không nhiều, mỗi ngày chừng 1/4 bánh và không ăn liên tục quá 1 tuần thì cũng không đến nỗi tính toán khắt khe như trên. Nhưng nếu bạn ăn nhiều (1 cái/ngày) và liên tục kéo dài mà không giảm bớt chế độ ăn thông thường, mỗi tuần bạn có thể tăng trung bình… 600g-1kg, và số tăng thêm này đa số là mỡ (do tăng nhanh), điều này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.

Chúc bạn một mùa trung thu thật vui.

- Hoàng Lê Thúy Thảo - 26 tuổi, Đạ Tẻh, Lâm Đồng

Chào BS, em mới sanh con được 1 tháng 2 ngày. Xin hỏi BS những phụ nữ mới sinh, đang con bú như em có nên ăn bánh trung thu không ạ? Nếu được thì ăn như thế nào để không sức khỏe cả mẹ và bé?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Thảo thân mến,

Sau sanh em nên sinh hoạt, đi lại bình thường, ăn uống bình thường kể cả bánh trung thu nế em thấy thèm ăn, không kiêng cữ gì cả, chỉ cần lưu ý ăn bánh có nhãn mác, có hạn dùng rõ ràng. Tuy nhiên nên ăn đa dạng thực phẩm từ cơm, rau, thịt cá…

- Trương Minh Phương Nhi - Đà Lạt, Lâm Đồng

Thưa BS Lưu Phương,

Hiện em đang điều trị viêm dạ dày, có Hp. Em nghe nói bệnh này không nên ăn đồ ngọt, nhất là bánh trung thu phải không ạ? Vậy là những người có bệnh về tiêu hóa, dạ dày như em phải kiêng tuyệt đối luôn hay sao thưa BS? Vì sao cần phải kiêng như vậy thưa BS?

Em đặc biệt rất thích ăn bánh trung thu, mà giờ nghe tin này buồn quá.

ThS.BS.CK2. Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào Phương Nhi,

Bệnh lý viêm dạ dày không bị ảnh hưởng bởi bánh trung thu và đồ ngọt ngoại trừ nếu em bị khó chịu như đầy bụng, khó tiêu thì nên hạn chế ăn loại bánh thập cẩm . Còn nếu em bị sôi bụng, đi ngoài thì nên hạn chế cả bánh thậm cẩm và bánh nhân đậu xanh.

Nhưng nếu em bị xót ruột thì loại bánh đậu xanh hoặc bánh dẻo lại phù hợp với em vì có thể làm giảm triiệu chứng cồn cáo, xót ruột của em.



- Thanh Tùng - ĐH Ngoại thương TPHCM

Em rất thích uống cà phê và ăn bánh ngọt. Trung thu em cũng hay được mọi người cho bánh. Như người khác thì thường thưởng bánh uống trà nhưng em lại thích uống cà phê. Cách ăn uống như vậy có tốt cho sức khỏe không ạ?

ThS.BS.CK2. Trần Ngọc Lưu Phương:

Tùng thân mến,

Sử dụng cà phê, đặc biệt là cà phê nguyên chất đã có nghiên cứu cho thấy là tốt cho sức khỏe nói chung, đặc biệt làm giảm tình trạng thoái hóa mỡ gan cũng như giảm tình trạng chai cứng gan. Việc em ăn bánh trung thu ngọt với uống cà phê là theo sở thích của em chứ không thấy nghiên cứu nào cho thấy việc kết hợp này là gây hại.

Tuy nhiên việc uống trà xanh và ăn bánh trung thu là 1 phối hợp ẩm thực truyền thống và được nhiều người ưa chuộng và đồng thời về mặt khoa học thì dường như trà xanh có nhiều chất chống oxy hóa và giảm hấp thu chất béo có vẻ làm giảm những tác hại về mặt sức khỏe do các thành phần các chất đường và chất béo trong bánh trugn thu gây nên nhưng thật sự thì không có nghiên cứu nào chứng minh cho điều này.

Do đó em có thể sử dụng theo sở thích như cũ, không gây hại gì, chỉ có điều đừng nên ăn chất bột đường và chất ngọt quá nhiều thì không có lợi cho sức khỏe.

- Thùy Dung - Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh, TPHCM

Em trai cháu năm nay 10 tuổi. Gần đây thấy bố uống trà túi lọc thơm thơm nên em đòi uống theo. Bố mẹ cháu cũng không phản đối nên đồng ý cho uống buổi sáng. Mấy bữa nay cháu thấy cu cậu thêm sữa tươi vào trà rồi uống.

Thưa BS, em cháu uống như vậy có sao không ạ?

ThS.BS.CK2. Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em Dung,

Trà không ảnh hưởng bởi lứa tuổi sử dụng, do đó nếu mỗi buổi sáng cu cậu thích uống thì cứ nên cho cu cậu uống , tuy nhiên vì em của em còn nhỏ nên cần thử máu cho bé để biết bé có bị thiếu máu hay không. Nếu bé bị thiếu máu thì không nên uống trà hằng ngày như vậy vì trà có làm giảm hấp thu chất sắt và có thể gây thiếu máu.

Còn việc uống sữa chung với trà thì theo các nghiên cứu sữa không làm thay đổi sự hấp thu các chất polyphenol có hoạt tính chống oxy hóa của trà xanh nên việc uống chung này là chấp nhận được.

- Nguyen Thanh - quan…@gmail.com

Chào BS Lưu Phương,

Tôi được biết trong nước trà có chứa axit acetic, giúp tiêu hóa và phân giải chất béo tốt hơn. Vậy tôi bị trào ngược dạ dày thì việc uống nước trà khi ăn bánh trung thu có ảnh hưởng đến việc điều trị không? Nó có “hành” tôi không? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Trong nước trà không có chứa axit acetic như em hỏi, chỉ có nhiều hợp chất polyphenol chống oxy hóa. Do đó không gây khó chịu  cho người bị bệnh dạ dày.

Tuy nhiên trong trà có chứa chất giống thuốc giãn phế quản (Theobromin) làm giãn nở hệ hô hấp giúp chúng ta thở thông thoáng hơn, đồng thời cũng giãn nở cơ nối thực quản dạ dày nên dễ gây trào ngược hơn nhưng tác dụng rất nhẹ.

Nhưng nếu em ăn nhiều bánh trung thu loại thập cẩm chứa nhiều chất béo thì dễ gây đầy bụng khó tiêu và kích thích gây trào ngược và ợ trớ, chứ ít khi gây đau dạ dày.

Do đó em có thể ăn 1 ít bánh trung thu thập cẩm nếu thèm (1/4 cái bánh chẳng hạn). Còn nếu bánh đậu xanh thì có thể ăn nhiều hơn.

- Phương Linh - thanh…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tôi nghe báo chí nói rất nhiều đối tượng không nên ăn bánh trung thu. Nếu thống kê tổng hợp thì chắc chắn chẳng mấy ai được ăn rồi.

Theo ý kiến chuyên môn của bác: Ai không nên ăn bánh trung thu và ăn ở mức độ nào là hợp lí. Tôi bị viêm họng và cơ địa dị ứng thì có thuộc top bệnh nhân không nên ăn hay không? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào Phương Linh,

Không có 1 khuyến cáo nào cho rằng chống chỉ định ăn bánh trung thu cho 1 bệnh cụ thể nào đó. Tuy nhiên theo cơ sở khoa học về thành phần dinh dưỡng của bánh trung thu thì có nhiều đối tượng cần hạn chế ăn bánh trung thu, ví dụ như: người đái tháo đường, người mỡ máu cao, người cao huyết áp, một số bệnh rối loạn tiêu hóa.

Về liều lượng ăn thì bạn xem thêm những câu trả lời cho những thắc mắc trên mà tôi đã giải đáp.

Viêm họng và cơ địa dị ứng không phải là chống chỉ định của bánh trung thu. Tuy nhiên cơ địa dị ứng như bạn thì có thể dị ứng bất cứ đồ ăn thức uống nào chứ không riêng gì bánh trung thu.

- Ngọc Lâm - Đồng Nai

Ba em bị cao huyết áp và rất thích uống chè, có thể coi là “tín đồ” của chè đấy ạ. Mỗi lần rót ra

ly là ba bỏ thêm 1 thìa nhỏ đường trắng, có khi thả 1 viên đường phèn. Gần đây ba lại bị đái tháo đường. Không biết thói quen như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Lâm thân mến,

Bệnh cao huyết áp của ba bạn thì việc uống trà hằng ngày hoàn toàn không có hại và có thể có tác dụng tốt cho sức khẻo tim mạch, tuy nhiên là cần lưu ý nếu ba em đang dùng thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm chèn beta (Propanolol, Nadolol, Concor, Nebiblet…) thì cần xem xét giảm liều lại vì trà có thể làm tăng tác dụng của thuốc này.

Chuyện ba bạn thêm đường vào uống trà gần đây là do ông có triệu chứng thèm ngọt của người bị đái tháo đường, do đó ông cần được điều trị đái tháo đường và phải kiêng cữ, không được uống đường, ăn đường như vậy.

- Hoài Nam - anhhung…@gmail.com

Chào bác sĩ, tôi được khuyên rằng khi ăn bánh trung thu nên ăn kèm với rau xanh, uống trà, hoa quả,... để có sự cân bằng giữa tinh bột, đường và chất xơ. Vì thế tôi thường cho gia đình ăn bánh sau bữa ăn chính. Xin hỏi: việc kết hợp này có hại gì không? Lượng đường và tinh bột từ bánh được bổ sung sau bữa ăn có tác hại gì không? Cảm ơn bác sĩ đã giải đáp thắc mắc.

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,

Bánh trung thu là loại thực phẩm cao năng lượng: Bánh thập cẩm gà quay trung bình 1200kcalo/cái, bánh nướng nhân đậu xanh hay khoai môn 1 trứng năng lượng khoảng 800kcal/cái, bánh chay khoảng 600-700kcalo/cái. Năng lượng trong bánh trung thu chủ yếu đến từ chất béo và chất đường đơn giản, tức là các dạng “năng lượng rỗng” (năng lượng không kèm theo các chất dinh dưỡng hỗ trợ như chất xơ, vitamin và chất khoáng. Vì vậy ăn bánh trung thu kèo với trà, rau củ quả tươi là một cách cân đối khẩu phần rất tốt.

Tuy nhiên, nên tách rời bữa ăn chính với bữa ăn bánh, vì nếu bạn dồn hai bữa làm một, tổng năng lượng trong bữa ăn đó sẽ tăng cao, đường huyết tăng nhiều hơn và kéo dài hơn, là yếu tố không tốt vì sẽ kích thích tuỵ tiết insulin kéo dài. Vì vậy cách tốt nhất là ăn bữa chính với nhiều canh rau, hoa quả, giảm tinh bột và chât béo (thức ăn chiên quay…), sau bữa chính 2-3 giờ mới ăn bánh và uống trà cùng vơi bánh.

Thưởng thức bánh trung thu ngoài chuyện dinh dưỡng, còn là chuyện tinh thần, nên thật ra nếu bạn ăn không nhiều, mỗi ngày chừng 1/4 bánh và không ăn liên tục quá 1 tuần thì cũng không đến nỗi tính toán khắt khe như trên. Nhưng nếu bạn ăn nhiều (1 cái/ngày) và liên tục kéo dài mà không giảm bớt chế độ ăn thông thường, mỗi tuần bạn có thể tăng trung bình… 600g-1kg, và số tăng thêm này đa số là mỡ (do tăng nhanh), điều này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn. 

Chúc bạn một mùa trung thu thật vui.



- Mai Phương - ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn

Chị em rất thích uống chè lá. Đi làm chị í còn mang theo trà để trong bình giữ nhiệt uống dần. Chị ấy còn bảo bình trà (loại 2 lít) có thể uống được cả ngày. Không biết trà om buổi sáng để trong bình giữ nhiệt như vậy có dùng được trong ngày không ạ? Em xin cảm ơn.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào Mai Phương,

Việc uống trà hằng ngày của chị em như vậy hoàn toàn không có hại, tuy nhiên cần lưu ý vì chị em gần như dùng trà hằng ngày và số lượng tính 2 lít hằng ngày.

Mặc dù không có nghiên cứu cụ thể số lượng giới hạn dùng hằng ngày của trà xanh nhưng theo Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ thì nếu tiêu thụ với số lượng khá nhiều có thể gây nên những khó chịu về thần kinh như run rẩy, mất ngủ và có thể ảnh hưởng đến gan.

Do đó chị em cần không nên pha trà quá đậm để hạn chế những tác dụng không mong muốn này.

- Như Hoa, Q.3, TPHCM

Thưa BS Lưu Phương, việc uống trà sau khi ăn có tốt cho sức khỏe không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Việc uống trà sau ăn với số lượng nhiều có thể gây thiếu máu vì trà làm giảm khả năng hấp thu chất sắt từ thức ăn, mà sắt là 1 trong những nguyên liệu để cơ thể tổng hợp ra hồng huyết cầu.

Do đó nếu bạn quá nghiền trà thì bạn có thể uống 1 ít sau ăn ít nhất 2 giờ thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc hấp thu chất sắt.

- Hồng Phương - Q.Hoàng Mai, Hà Nội

Chào bác sĩ, vào mỗi mùa trung thu thì nhà tôi được tặng khá nhiều bánh trung thu. Nhiều khi, tiện tay, ông xã tôi ăn nguyên 1-2 bánh trung thu thay cho khẩu phần ăn sáng. Xin hỏi việc làm này của chồng tôi có làm mất cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể. Việc ăn bánh như thế là nạp chất bột đường và chất béo trong bữa sáng đã đủ chưa? Tôi cần khuyên chồng tôi như thế nào để anh ăn cho khoa học. Chân thành cảm ơn.

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,
 
Bánh trung thu là loại thực phẩm cao năng lượng. Mỗi loại bánh trung thu sẽ có mức năng lượng khác  nhau: Bánh thập cẩm gà quay trung bình 1.200kcalo/cái, bánh nướng nhân đậu xanh hay khoai môn 1 trứng năng lượng khoảng 800kcal/cái, bánh chay khoảng 600-700kcalo/cái. Như vậy, tuỳ theo bạn ăn loại bánh nào mà số lượng bạn có thể ăn sẽ thay đổi khác nhau. Trong khi mỗi chén cơm luôn cả thức ăn thông thường cung cấp khoảng 300kcalo, như vậy mỗi cái bánh trung thu thập cẩm cung cấp năng lượng tương đương 4 chén cơm.

Với các con số này bạn cũng có thể thấy là ăn môt lúc 2 cái bánh trung thu thì nguy cơ thừa năng lượng sẽ cao đến thế nào. Chưa kể đến chuyện bánh trung thu chỉ cung cấp năng lượng (tức là chất bột đường, chất béo, chất đạm…) là chính, không có đủ các thành phần vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin và chất khoáng để chuyển hoá năng lượng. Vì vậy để cân đối khẩu phần và giữ sức khoẻ tốt, nên tính toán ăn vừa đủ lượng bánh trong ngày mà thôi.

Mỗi bữa ăn chính (bữa sáng, bữa trưa, bữa tối) cho người lao động tĩnh tại cần khoảng 600kcalo, tức là tương đương với nửa cái bánh trung thu. Bạn có thể ăn thêm 2 chén rau quả tươi các loại khi ăn 1/4 cái bánh trung thu (không cần phải ăn cùng lúc, có thể cách ra 1-2 giờ). Lưu ý là các loại rau quả phải là dạng rau quả tươi, không ngọt thì mới đạt yêu cầu này. Có thể ăn bánh trung thu thay bữa sáng, trưa và chiều đều được.

Chúc bạn và ông xã một mùa trung thu thật vui.

- Bạn đọc giấu tên - coccode…@yahoo.com

Bố tôi bị K dạ dày, đã di căn, BS tiên lượng xấu. Bố tôi từ ngày bị ung thư đến giờ rất ít khi thèm ăn món gì đó. Vậy mà hôm nọ ông lại đòi ăn bánh trung thu. Tôi cũng sợ đây là mùa trung thu cuối cùng bố tôi còn bên gia đình nên rất buồn nhưng được biết người đang điều trị ung thư thì không phải món nào cũng ăn được, nhất là đồ ăn nhiều đường. Vậy xin hỏi BS trường hợp của bố tôi thì có nên ăn không, ăn bao nhiêu thì được?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn,

Nếu đã xác định đây là mùa trung thu cuối cùng của ông, thì chắc không cần phải lo lắng về thành phần dinh dưỡng hay yếu tố nguy cơ của các món ăn dành cho ông nữa đâu ạ. Bạn có thể cho ông ăn theo ý ông yêu cầu, khoảng 1/4 cái mỗi lần, ngày có thể ăn 2 lần thay cho 1/2 bữa ăn chính là được.

Ngoài ra, trong những ngày ăn bánh trung thu nhiều, bạn có thể điều chỉnh để giảm các món ăn ngọt khác trong ngày (bao gồm cả các dạng nước có nhiều đường) cho ông.

- Minh Tuệ - Đà Nẵng

Mẹ em rất thích ăn bánh trung thu, đặc biệt là loại nhân trứng muối. Mới đây mẹ đi kiểm tra sức khỏe, kết quả cho thấy cholesterol trong máu tăng cao. Em đọc báo thấy là bệnh nhân thừa cholesterol không nên ăn bánh nhân trứng muối. Mong BS cho em lời khuyên.

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn, 

Cholesterol trong bánh trung thu không chỉ đến từ trứng muối mà còn từ thịt mỡ, lạp xưởng… tức là từ nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy người bị tăng cholesterol không nên ăn bánh trung thu nói chung.

Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể ăn số lượng vừa phải (1/4 cái/ngày) đồng thời điều chỉnh lượng thịt, trứng, phủ tạng… từ các bữa ăn còn lại trong ngày để tránh khẩu phần chất béo quá cao, tăng thêm các loại rau, củ, quả… tươi sống và uống nhiều nước trong ngày là được. 

Chúc bạn và mẹ có mùa trung thu thật vui.



- Phan Bá Tĩnh - TPHCM

Xin chào cô Yến Phi,

Tôi bị tiểu đường 12 năm nay, phải kiêng đủ thứ nhưng tới mùa Trung thu là khổ sở nhất vì phải đấu tranh tư tưởng miết mỗi khi chạy qua các hàng bánh. Ba năm nay tôi thường mua bánh dành cho người ăn kiêng để ăn cho thỏa, nhưng vợ tôi kêu bánh ăn kiêng còn độc hơn vì phải dùng đường hóa học. Xin cô cho biết, bánh trung thu dành cho người ăn kiêng khác với bánh thường như thế nào? Loại này có “an toàn” dành cho những người như tôi không? Cảm ơn cô.

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào bạn, 

Các loại bánh trung thu làm từ đường ăn kiêng, tức là đường mà không phải đường, thường có mức năng lượng thấp hơn và về mặt lý thuyết thì không làm tăng đường huyết nên có thể sử dụng cho người cần hạn chế việc tăng đường như bệnh nhân tiểu đường hay những người thừa cân - béo phì, những bệnh nhân Hội chứng chuyển hoá… Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cảnh báo việc sử dụng đường ăn kiêng mặc dù không làm tăng đường huyết nhưng vẫn có nguy cơ tăng insulin trong máu theo cơ chế thần kinh, vì vậy việc dùng đường ăn kiêng cũng chưa hẳn là tốt cho người bệnh.

Ngoài ra, trong bánh trung thu dành cho người ăn kiêng, ngoài việc thay thế đường thường bằng đường ăn kiêng thì người ta vẫn sử dụng đầy đủ các nguyên liêu khác như bột, lạp xưởng, trứng muối, thịt mỡ… và các loại nguyên liệu này mới là nguyên nhân chính làm tăng đường tăng mỡ trong máu. Vì vậy, có thể hiểu là bánh trung thu dành cho người ăn kiêng chỉ giúp giảm bớt một chút xíu nguy cơ chứ không phải triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ, vì vậy chắc chắn không thể ăn “thả cửa” mà không cần kiêng cữ như bạn nghĩ. Tốt nhất, bạn vẫn phải ăn bánh trung thu với lượng vừa phải cùng lúc với điều chỉnh khẩu phần trong các bữa ăn khác để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. 

Chúc bạn có mùa trung thu thật vui nha. 

- mebekitty…yahoo.com

Em có đọc một bài báo cho biết, chất bột hoàng đơn dùng để chế biến trứng muối trong bánh trung thu là oxit chì. Nếu dùng quá lượng sẽ gây viêm dạ dày và đường ruột, thiếu máu. Nhưng mà con của em lại rất thích ăn bánh nhân này. Xin hỏi BS thực hư thế nào? Nếu trẻ em ăn thì ảnh hưởng sức khỏe thế nào ạ? Em xin cảm ơn.

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chào em,

Trứng muối đúng nguyên tắc chế biến là trứng được ngâm vào trong nước muối chứ không dùng bột hoàng đơn, có lẽ em đang nói đến các loại trứng không an toàn, dùng hoá chất để làm trứng chín trong thời gian ngắn. Nguyên tắc chung để tránh các thực phẩm  nguy hiểm này là chỉ nên chọn mua thực phẩm từ các nguồn an toàn, có nguồn gốc và thông tin rõ ràng trên bao bì, sẽ giảm bớt nguy cơ gặp phải các sản phẩm hàng giả hàng kém chất lượng em ạ.

Chúc hai mẹ con mùa trung thu vui vẻ.

- Võ Duy Nhật Hạ - havogil…@gmail.com

Cách đây 1 tuần tôi đi khám, BS kết luận viêm hang vị, HP âm tính, cho thuốc:

1. Motilium M 20 viên uống sáng 2v, chiều 2v, trước ăn

2. Nexippaz sáng viên, chiều viên. Uống trước ăn 30phút

3. Phosphalugel 10 gói uống sáng 1 gói, chiều 1 gói - uống lúc đói (Tôi uống loại 1, 2 cùng lúc - trước ăn 30 phút). Loại 3 tôi uống giữa buổi khi đói.

Sau khi điều trị đợt 1- đợt tấn công, 3 loại trên hết thì dùng loại thuốc thứ 4 Esomeprazol 20g -

uống sáng 1v, tối 1v, trước ăn 30 phút.

Xin hỏi BS khi dùng các thuốc trên thì có được ăn bánh trung thu không? Vì tôi nghe nói thuốc có thể tương tác với thực phẩm. Mong BS tư vấn giúp tôi.

ThS.BS.CK2. Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Hiện tại chỉ dùng 1 loại thuốc số 4 trước ăn nên không bị tương tác với thức ăn kể cả bánh trung thu. Tuy nhiên nếu tình trạng viêm dạ dày gây cho em đầy hơi, khó chịu thì em nên hạn chế ăn bánh trung thu.

Còn nếu viêm dạ dày của em biểu hiện bằng triệu chứng cồn cào thì em nên ăn loại bánh dẻo nhân đậu hoặc bánh trung thu nhân đậu thì không ảnh hưởng, thậm chí còn giảm triệu chứng xót ruột của em.

(Theo Cổng thôn tin Tư vấn sức khỏe Alobacsi.vn)

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG