Đi dọc miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, cảnh đẹp chẳng quá nỗi nắc nỏm nhưng được nết ăn ngon và lạ. Mà phàm đã đi theo tour, thế nào cũng được guide cho thưởng thức món cá kèo và cá tai tượng.
Minh họa của Choai
Lẩu cá kèo thì mấy nhà hàng ăn nhanh trong các đại siêu thị vẫn bán hàng ngày, nhưng ngồi ăn trong cái không khí không vườn tược ấy, thấy mật cá kèo trở nên nhạt thếch.
Cá kèo bơi lội khắp các vùng kênh nước lợ của miền Tây mênh mông, vừa sẵn vừa rẻ, khi ăn chủ hàng bưng ra nồi canh lẩu, rồi chờ nước sục sôi mới úp vô vung cá còn quẫy đạp, cứ như thể vừa nhảy tót lên từ con sông ngay dưới chân. Ăn cá sợ nhất là dính mật cá, thì đắng lộng óc đến nhiều năm sau còn kinh, nhưng cá kèo cần nhất giữ nguyên ruột và mật, in như cách người Nhật ăn cả mật cá kìm.
Mật cá kèo nhằng nhặng mà thơm, ruột cá béo ngậy, khi dặm thêm cả vị dôn dốt của lá giang, vị đăng đắng của rau đắng thì dư âm ngọt lịm của thịt cá kèo sẽ được tôn vinh như một món ăn vua của vùng nước lợ. Vị mật cá ấy khó quên, ăn quen vài lần sẽ nghiện. Cá kèo to bằng con bống, cỡ tôi ăn hết sáu, bảy con.
Ăn xong thường mướt mồ hôi, bởi dù quán có ngự ngay ven sông mà vẫn nực. Quạt thì lờ đờ. Khắp vùng Nam Bộ chuộng một loại quạt lờ đờ như thế. Nhưng có mướt mồ hôi mới thực ra chất lẩu cá kèo miệt vườn.
Bữa ấy là tôi ăn cá kèo ở Cần Thơ, còn trưa hôm sau lại được “mướt mồ hôi” lần hai trong vườn nhà ông Sáu Giáo ở Vĩnh Long. Đặc sản sông nước Tiền Giang là cá tai tượng rán giòn. Còn đặc sản mà ông Sáu Giáo ngày nào cũng đãi khách du lịch là bảo nhà bếp rán giòn cá tai tượng.
Nhiều vùng nông thôn miền Bắc có đặc sản rô ron rán giòn, thì miệt vườn Nam Bộ chuộng tai tượng rán giòn đấy thôi. Chỉ có điều một chú tai tượng đủ cho cả mâm đánh chén, còn rô ron một người ăn khỏe chén hết cả mâm. Chúng tôi ngồi ăn ngoài mái hiên, bên những vườn roi hồng sai quả. Roi chín rụng ối đỏ nền đất ẩm. Quạt vẫn cứ lờ đờ.
Hiềm mà nóng bức quá thì vườn ông hàng xóm có sẵn một chú trăn khổng lồ để cho khách choàng chốc lát lên người cho mát. Vì thế thi thoảng nửa bữa lại có khách chạy ra quàng trăn lên cổ mong hạ nhiệt đôi phần rồi quay lại chén tiếp. Chớ chẳng nhẽ mà đòi máy lạnh giữa xứ vườn này hay sao?
Đi cùng tour với tôi hôm ấy toàn khách Châu Âu nên điều gì cũng làm họ ngạc nhiên. Song có một thứ họ chẳng mấy thích thú là vào lò làm kẹo dừa, vì chẳng hiểu đó là loại thực phẩm gì. Để vào tận xưởng kẹo cũng phải đi bộ khá xa từ bờ kênh qua nhiều ngõ hẹp. Xưởng chỉ có một chàng thanh niên im lặng ngồi cắt kẹo. Kẹo dừa được nấu chảy ri rỉ trong một cái lò thô sơ và hễ cứ thấy khách vào, chàng lại lấy một thẻo đặt lên mâm bột trắng cho khách nếm thử.
Tôi thì kinh ngạc thực sự. Kẹo dừa vừa nấu sao mà ngon thế, nóng hổi, dẻo dính, thơm ngậy hương dừa và vị mạch nha. Kẹo để một lát ngoài hơi gió sẽ tự động đông cứng, người làm kẹo sẽ cắt nhỏ và đóng gói rồi bán buôn cho các tạp hóa khắp từ Nam ra Bắc. Chè lam hay kẹo dừa lúc mới ra lò đều ngon như nhau, khác một trời một vực với mấy thức kẹo cứng ngắc ngoài siêu thị.
Bản thân cái sự ăn ngon cũng chẳng bằng cách ăn. Miệt vườn là một vựa cây ăn trái khổng lồ của cả nước. Trước đấy tôi đã ở Sài Gòn cả tháng rồi, những khoái khẩu như sầu riêng, trái thơm, măng cụt… ngày nào cũng chén thay cơm cho bõ. Nhưng về miệt vườn, cũng cùng là thức ấy, quả ấy mà bỗng thành khó quên.
Phần vì trái cây tươi vừa trảy trên cành còn ứa nhựa thơm nơi cuống, phần lại được thỏa mãn khứu giác khi cả vườn cây ăn trái đang ngào ngạt tỏa hương, và một bữa tiệc thị giác nữa, khi ngắm nhìn trĩu trịt những chùm chôm chôm, roi hồng, xoài chín vàng ươm đang “khêu gợi” sau những tán lá xanh um. Vị ngọt chưa đến miệng, khách đã chết thèm rồi.
Chủ vườn bày sẵn những đĩa trái cây ngon lành trên bàn: Mít vườn nồng nàn, bưởi tép nhỏ ngọt lịm, thanh long thơm mát. Mỗi tội những đĩa trái cây nhỏ xíu giống như “mồi”. Khách muốn ăn thêm thì vào vườn hái mà đặt lên… cân. Tour này không “bao ăn” trái trong vườn. Đầu tháng năm, cây trái Nam Bộ đang vào mùa, xum xuê ứa nước miếng.
Đến miền Tây nếm thử trái cây hoặc là vào vườn, hoặc lên thuyền, chứ không có… ki ốt. Từ bến Ninh Kiều, đi thuyền mất 30 phút là ra tới chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi chụp từ trên cao mới thấy hết vẻ đẹp đặc trưng. Chẳng thế mà hình ảnh những ghe thuyền chở đầy nông sản, trái cây sặc sỡ xúm xít trên một khúc sông thường được in trên postcard bán cho Tây. Tất cả những gì được bán ở chợ đất liền thì chợ nổi đều có.
Ghe này gọi với sang ghe kia mua hủ tiếu, bún nước lèo, cháo cá lóc, bánh mì kẹp... cho bữa đầu ngày. Ăn sáng luôn trên ghe. Shopping quần áo, gương lược, son phấn cũng ở trên ghe. Quán nhậu và quán giải khát thường ở lại đến tận vãn chợ. Ghe bán đồ uống treo biển “Quán Giải Khát”, bán cà phê, nước ngọt, bia, thuốc lá... chủ yếu phục vụ khách thương hồ.
Tôi trèo lên nóc thuyền, ngồi khoanh chân ăn bòn bon, trái thơm, vú sữa... với giá rẻ bằng một nửa trên đất liền. Trái khóm mua từ dưới ghe to bằng quả dưa gang mà ngọt lịm. Muốn ăn gì cứ gọi cho xuồng áp sát mạn tàu rồi tha hồ mặc cả, cân kẹo.
Ừ thì, giữa những tiếng léo nhéo ầm ĩ của người miệt vườn đang mải cơn buôn bán, trong mênh mông sóng nước đang ào ạt đổ ra cửa biển, dưới ánh sớm lóng lánh lúc đầu ngày, và trên đầu là trời, dưới là... tôi đang ngồi thu lu nóc thuyền với một rổ bòn bon trước mặt, ở giữa chẳng còn ai nữa, há chẳng phải tột đỉnh thần tiên đó sao?
Theo LĐO