Hẳn câu hát: “Lá bép rau rừng thêm ấm tình anh nuôi” trong ca khúc Nổi lửa lên em của cố nhạc sĩ Huy Du vẫn còn say lòng những ai từng trải qua một thời lửa đạn.
Chí ít, nó cũng gợi lên nơi người trẻ, những người không phải nếm trải lửa chiến tranh, về một thời gian lao mà anh dũng của cha ông. Chẳng biết có phải vậy không mà những năm gần đây, trong thực đơn của nhiều nhà hàng trên khắp mảnh đất Tây Nguyên này, tôi thấy món lá bép (canh, xào, nướng...) khá phổ biến.
Thực khách chọn món lá bép vì nhiều lẽ. Người chọn lá bép là để ôn lại kỷ niệm chiến trường. Người chọn món này vì muốn biết loại rau mà ông cha mình thường kể nó như thế nào. Cũng có người chọn chỉ vì... tò mò, ăn cho biết. Dẫu cách thức chọn lá bép mỗi người mỗi kiểu, nhưng phần đông thực khách cho biết, họ chọn lá bép vì loại lá này có mùi vị ngọt lạ và rất giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt chỉ ra rằng, trong lá bép hàm lượng các chất khoáng khá cao. Ngoài ra, lá bép còn chứa các hoạt chất sinh học có lợi cho sức khỏe cũng như chứa nhiều chất kháng sinh làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể...K’Hùng và những lá bép vừa mới hái.
K’Hùng và những lá bép vừa mới hái.
Vào rừng thưởng thức đặc sản canh nướng
Khởi hành từ TP. Bảo Lộc, tôi thẳng tiến trên Quốc lộ 20, theo hướng Bảo Lộc - Đà Lạt, đến gần trung tâm thị trấn Di Linh thì rẽ phải, tiếp tục chạy xe qua Quốc lộ 28, đi thêm khoảng 46 cây số đường rừng gấp khúc quanh co, lúc này thôn Bộ Bê mới hiện ra với lác đác vài nóc nhà miền Thượng.
Tại thôn Bộ Bê, đang loay hoay tìm cách tiếp cận con suối K’ròng, tôi gặp một vài người K’Ho vừa trở ra từ rừng. Hẳn nhiên, bên trong chiếc sớ (người Kinh gọi là gùi) quen thuộc của những cư dân núi, thể nào cũng lấp lửng vài mớ rau có màu đỏ gạch. K’Hùng, một người trong số ấy, mau miệng: “Nó là biap n’se, một tặng vật của núi rừng, còn người Kinh các anh trước nay vẫn quen gọi là lá bép hay lá nhíp”.
K’Hùng còn cho biết: “Người K’Ho quý biap n’se như quý cơm gạo. Bởi lá không chỉ cứu người K’Ho qua những năm tháng đói kém, mất mùa (trước kia), mà còn góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Rồi như thể là một nhà lưu giữ ký ức dân tộc, K’Hùng kể cho tôi nghe về cái thời xa, cái thời mà trên đầu là máy bay Mỹ quần thảo, dưới đất thì biệt kích địch bủa vây, nên việc tiếp tế lương thực cho bộ đội gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lúc gạo không còn một hột (hạt), củ sắn (mì), củ khoai cũng chẳng còn, duy chỉ còn mỗi biap n’se. Biap n’se lúc này là cái ăn chính của bộ đội và dân bon (làng) thời điểm ấy. Biap n’se có mùi thơm nhẹ và rất nhiều dưỡng chất...
Như để chứng minh điều mình vừa nói, K’Hùng mời tôi đến căn nhà tạm của một người bà con ngay cạnh con suối K’ròng. Trong nhà lúc này đã có anh K’Tân, chị Ka Trim và cháu K’Tràng Nu.
Bếp được cời cho đỏ lửa, rồi người nào việc nấy tỏa ra đi tìm sản vật cho bữa cơm chiều. K’Tân mang theo mảnh lưới, trầm mình xuống suối bắt cá. Ka Trim thì men theo bờ suối kiếm rau dớn. K’Tràng Nu lại đi nhặt những con ốc đá dọc suối. Còn K’Hùng xách rựa vào rừng kiếm ống lồ ô. Chưa đầy 15 phút, mỗi người đã mỗi thứ mang về. Bấy giờ, K’Hùng mới vặt những đọt lá bép non tơ bỏ vào ống lồ ô (không quá già cũng không quá non) và để sát đống lửa đang cháy bừng bừng. Chất thêm củi vào đống lửa rồi lẹ làng dùng tay đảo vị trí của mấy ống lồ ô, K’Hùng nói: “Chờ cho ống lồ ô chuyển từ màu xanh sang màu vàng là chín”. Trước khi đổ vào chiếc bát to (được làm từ quả bầu) đã để sẵn thịt lợn rừng nướng và ít muối, K’Hùng dùng một cái cây nhỏ thụt (thọc) liên tục vào ống lồ ô cho rau nát nhừ, tạo thành thứ canh sền sệt. Kiểu nấu độc đáo này người K’Ho gọi là “prùng biap n’se”. Prùng biap n’se có vị thơm nhẹ của lá bép, vị ngọt đậm của thịt lợn rừng và vị mặn mòi của muối, đặc sắc vô cùng.
Theo anh K’Tân và chị Ka Trim, từ lá bép, người K’Ho còn làm nên những món ăn mang đậm hương núi, vị rừng. Có thể kể đến như canh rau bép, lẩu lá bép, lá bép xào tỏi, lá bép xào với thịt hộp... Cũng có khi người K’Ho nấu lá bép với đọt mây, hay đơn giản giã lá bép già (đã luộc sơ) với củ gừng để ăn cơm. Những lá bép già (biap ràm) này, sau khi đã loại bỏ phần gân lá, còn được người K’Ho đem giã chung với gạo (ngâm nước từ trước). Tiếp đến, nắn thành từng viên tròn to cỡ nắm đấm tay, người K’Ho gọi hỗn hợp này là “biap pù”, rồi đặt lên trên vỉ và cho vào nồi hấp. Hấp đến chín thì mang biap pù ra phơi nắng cho thật khô, rồi bỏ vào pơlơ (một loại túi nhỏ đan bằng sợi cói) gác lên giàn bếp. Người K’Ho thường dùng biap pù để nấu với lươn, hoặc cá suối, thịt rừng và xương. “Món này, người K’Ho chỉ chế biến trong các dịp lễ trọng và chỉ để tiếp đãi những khách quý”, K’Tân nói và hẹn một dịp khác sẽ thiết đãi tôi món biap pù nấu thịt rừng.
Nhoáng nhoàng một lát, bữa cơm chiều kiếm vội, nhưng vẫn đầy đủ các món từ sản vật rừng, đã được chuẩn bị xong. Nào cá nướng chấm muối ớt xanh, nào rau dớn luộc, nào ốc xào lá lốt thơm ngất ngây. Bên cạnh là nồi cơm lúa rẫy sực nức thơm và như thể còn thơm hơn khi có chóe rượu cần đang lặng lẽ dậy men sâu thẳm ở góc bếp. Tiếng cười, tiếng nói vang vang cả một góc rừng.
Lá rừng ra phố
Một số bà mẹ có con nhỏ ở TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc than thở: “Thời buổi này, tìm được mớ rau sạch để nấu cho con một bát cháo cũng khó như tìm... vàng. Ra chợ, ai cũng bảo là rau sạch, nhưng chả thể tin được. Phun hóa chất tùm lum tùm la như hiện nay thì sạch nỗi gì!”.
Thế rồi, các bà mẹ đã tìm đến với lá bép và coi đó là một giải pháp an toàn cho con cái mình.
Cũng phải thôi, lá bép sinh trưởng trong môi trường rừng núi tự nhiên, không hề có bàn tay con người can thiệp (bón phân, xịt thuốc...), nên chả là rau sạch đúng nghĩa thì là gì? Trong môi trường tự nhiên, rau bép có thể cho lá quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa. Lá bép ở thời điểm mùa mưa thường rất non và đẹp. Theo kinh nghiệm dân gian K’Ho, phụ nữ mới sinh mà bị tắc sữa, chỉ cần lấy lá bép già giã chung với gạo rồi nấu thành cháo ăn. Ăn loại cháo này sẽ có nhiều sữa cho con bú. “Tuy nhiên, sản phụ chỉ nên ăn loại lá bép già (biap ràm). Nếu ăn loại lá bép non (biap n’se), mẹ thì chẳng sao, nhưng con bú sữa mẹ sẽ bị tiêu chảy”, chị Ka Trim lưu ý.
Rõ ràng, giá trị và sức hút của lá bép là không hề nhỏ, nhất là trong việc phát triển loại hình văn hóa ẩm thực. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao khai thác được những tiềm năng ấy cho thật sự hiệu quả, để một mặt giá trị kinh tế của rau bép được nâng cao và mặt còn lại tạo ra một sản phẩm phục vụ du lịch độc đáo, mang đúng thương hiệu miền rừng.
Theo SK&ĐS