Câu chuyện về độ "ngon" của ẩm thực mỗi vùng văn hóa đã là chủ đề tốn bao giấy mực từ hàng trăm năm nay, đến tận lúc này, kết quả của cuộc tranh cãi mang tầm nhân loại này vẫn chưa hề ngã ngũ.
Tác giả bài viết này là Adam Liaw, một luật sư kiêm đầu bếp nổi tiếng, anh là quán quân Masterchef Úc mùa thứ hai, đồng thời Adam cũng là một tay viết phê bình ẩm thực có "số má" tại quốc gia này.
Đánh giá ẩm thực từng nhà hàng, quán ăn thì quá thường rồi. Bởi "ăn ngon" dường như là một phong cách sống ăn vào máu lớp người trẻ, cũng từ đó sản sinh ra hàng chục đội ngũ "phê bình viên" chuyên đi "ton hót" về từng địa điểm ăn uống mà họ đi qua. Nhưng mà để đánh giá cả một nền ẩm thực của quốc gia này so với quốc gia khác, có ai dám đảm bảo mình đủ khả năng, hoặc thậm chí điều đó thực sự có khả thi?
Vấn đề to lớn nhất trong việc này là gì? Đó là không có một tiêu chí chung để so sánh những nền ẩm thực trên thế giới. Mùi vị sao? Đúng, cái đầu tiên để nói về một món ăn đó là hương vị của nó. Thế nhưng mỗi người một miệng, khẩu vị cũng khác nhau, 7 tỷ người trên thế giới thì ít nhất cũng hàng trăm triệu sở thích ăn uống. Người thích ăn cay, kẻ thích ăn nhạt, tín đồ của đồ Thái, Ấn với đủ thứ gia vị thì làm sao cảm thấy ẩm thực Anh nhẹ nhàng. Thế thì mùi vị thôi là chưa đủ để đánh giá rồi.
Món Tomyum Thái là cơn ác mộng với đa số người phương tây, nhưng thực khách Châu Á lại mê mệt thức canh cay nồng và nóng bỏng này.
Vậy nếu đánh giá qua sự phức tạp trong công đoạn chế biến thì sao? Nếu vậy thì sự cầu kỳ trong ẩm thực nước Pháp ăn đứt những món vốn chỉ cần một chiếc nồi để nấu như ở Philippines sao? Ai dám nói rằng một miếng pa-te gan ngỗng, hay mấy cục nấm truýp rưới xốt là ngon bởi nguyên liệu chế biến khó kiếm và cần qua nhiều công đoạn chuẩn bị. Tức là không phải cứ nguyên liệu xa xỉ đắt tiền là món ăn sẽ ngon.
Ẩm thực Philippines chỉ đơn giản thế này thôi.
Cũng vậy, có những người "không ưa nổi" tính rườm rà, mỹ học và triết lý trên từng suất ăn của người Nhật, họ vẫn thích cái hương vị nóng sốt, bưng ngay từ bếp, vẫn còn thoảng mùi khen khét của nồi cháy quyện vào món ăn như của người Ý hơn. Và họ có cái lý của họ.
Đồ ăn Ý có nhiều "fan cuồng" chẳng kém gì ẩm thực Pháp hay Nhật.
Đúng là công việc đánh giá ẩm thực quả thực rất khó, nhưng không phải là không có lời giải. Sự thật là vẫn có nhiều nền ẩm thực mà thực sự "đặt đâu cũng thấy không vừa mắt". Ví dụ như ẩm thực Cuba. Có thể nhiều người sẽ đánh giá cao sự phong phú, dồi dào trong chuyện ăn uống của quốc đảo vùng Caribe này, thế nhưng những gì mà du khách nhận được thì toàn là những thể loại rau củ đóng hộp, bánh mỳ khô khốc và các loại thịt qua chế biến rẻ tiền. Kể cả loại cocktail Mojito - vốn được coi là "biểu tượng" của Cuba quyến rũ hàng triệu người bởi sự the mát của rượu Rum và lá bạc hà, lại đến từ quốc gia quanh năm trong tình trạng thiếu bạc hà. Vốn nguyên liệu đã ít ỏi thì làm sao làm bộ mặt đại diện cho cả nền ẩm thực được, phải không?
Mojito - cocktail bạc hà đặc sản của quốc gia luôn thiếu lá bạc hà.
Vậy hãy thử cân nhắc về sự phổ biến của ẩm thực quốc gia ấy đi. Nhưng thế cũng không chuẩn. Bởi có lẽ phổ biến nhất lúc này chính là đồ ăn Trung Quốc. Sánh ngang với KFC, McDonald's về sự tiện lợi, hương vị cũng không kén người ăn. Nhưng đây chỉ là không kén người ăn, chứ không được đánh giá là "ngon". Chỉ có thể nói đồ ăn Trung Quốc "dễ ăn", phổ biến, đi đâu cũng có, chỉ thế thôi. Vậy tiêu chí về sự phổ biến cũng không được tính rồi.
Chưa hết, tới vùng Scandinavia, cụ thể hơn là Na-Uy, cái nôi của các truyền thuyết Bắc Âu. Hùng vĩ là thế nhưng quanh đi quẩn lại cả nền ẩm thực này chỉ có thịt hầm với rau củ. Không nói là không ngon, nhưng làm sao có thể đem món súp chân giò lổn nhổn ra so sánh với một đĩa sashimi tươi tắn và đầy tinh tế của Nhật, hay những món ăn "nhìn chỉ muốn gọi thêm suất nữa", vừa đẹp mắt vừa ấm bụng như Pháp?
Đem cái này...
...so sánh với cái này, liệu có lý không?
Nền ẩm thực của một nước chính là bộ mặt đại diện cho văn hóa của đất nước ấy, chính là niềm tự hào, "tấm áo" khoác lên cả một quốc gia. Thứ đầu tiên mà du khách tìm đến khi đáp máy bay xuống đất nước nào đó, không phải là quà lưu niệm, chỗ nào đẹp, chỗ nào vui, mà phải là ăn cái gì ngon, ăn cái gì sướng. Nếu như nhu cầu căn bản nhất ấy của con người không được đảm bảo thì những đền đài, cung điện có đẹp đến mấy cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Đồng thời, đánh giá ẩm thực cũng là một công việc vô cùng nhạy cảm, không khéo có thể biến người phê bình thành một trò cười trước đám đông, bộc lộ sự thiếu tinh tế, hoặc tệ hơn là tính bài ngoại.
Bạn có sẵn sàng dừng lại mua những chú gà quay được rao bán giữa đường phố Lavana, Cuba không?
Tuy nhiên, nếu nói nền ẩm thực của một nước không tốt là xúc phạm quốc thể nước ấy thì không đúng, hãy nhìn nhận nó như sự thay đổi qua thời gian. Kể cả ẩm thực Anh quốc, từng một thời bị chê bôi Châu Âu, nay cũng vươn lên, giương tay nhận hàng nắm sao Michelin của người Pháp vẩy xuống. Vì vậy, có thể bây giờ bạn không muốn tới Cuba thưởng thức ẩm thực, nhưng hãy đợi vài ba năm, hoặc thậm chí là cả thập kỷ đi, khi ấy xu hướng thay đổi, khẩu vị cũng khác, có khi ẩm thực Cuba lại là cái gì đó rất mời gọi, quyến rũ như điệu nhảy Samba thì sao?
Vậy, hãy cứ tự do tận hưởng những món ăn mỗi khi đặt chân tới một miền đất mới, có thể sẽ đắng ngắt như món nậm pịa truyền thống của dân tộc Thái, sẽ cay xé lưỡi như đồ ăn Ấn Độ. Có thể bạn nghĩ đã bị lừa khi đọc bài báo này, nhưng thực ra, ẩm thực cũng như những cô gái ngoài kia, và vẻ đẹp của họ phụ thuộc vào đôi mắt của chính chúng ta.
Theo Trí thức trẻ