Ẩm thực Việt đang có nhiều cơ hội trở thành "bếp ăn thế giới" với sự ra mắt Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam gồm trên 300 hội viên trung tuần tháng 10 vừa qua.
Đầu bếp trổ tài chế biến các món ăn trong cuộc thi Chiếc Thìa Vàng - Ảnh: Quang Định
Không chỉ đặt mục tiêu khám phá, duy trì và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam, tâm huyết của các thành viên trong hiệp hội còn mong muốn đưa văn hóa ẩm thực nước nhà trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030; xây dựng các "kinh đô", "thủ phủ" và bảo tàng ẩm thực trong tương lai, hướng đến một nền ẩm thực chuyên nghiệp.
Nhiều cơ hội trở thành "bếp ăn thế giới"
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, tân chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, cách đây hàng chục năm, khi đến với Việt Nam, Philip Kotler - cha đẻ của tiếp thị hiện đại - đã khuyến khích: "Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới".
Thực tế cũng cho thấy, không chỉ có người Việt Nam tự hào với thế giới về phở, bún chả, chả giò, gỏi cuốn, bún bò Huế, bánh mì kẹp thịt, bánh xèo… được các tạp chí du lịch uy tín vinh danh, mà nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam đều mong muốn được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc riêng của người Việt. Thậm chí, hồi đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ The Telegraph đã xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới.
"Tinh hoa còn "khép nép"
"Ẩm thực Việt Nam vẫn chưa có sự quảng bá rộng rãi, chưa khai thác được hết những tiềm năng văn hóa ẩm thực sẵn có. Thậm chí ngay chính người Việt Nam cũng chưa hiểu thấu đáo về nền ẩm thực của dân tộc mình. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến một phần rất nhỏ là món ăn, còn không gian, ứng xử trong khi ăn thể hiện văn hóa đa dạng của người Việt thì chưa được làm rõ"
Đại diện một công ty du lịch
Nhiều chuyên gia ẩm thực nổi tiếng trong nước cũng cho rằng các món ăn Việt hầu hết đều gần gũi với thiên nhiên, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng cũng rất thanh tao, phù hợp với xu thế hiện tại của thế giới.
Đó là hạn chế chất béo, đáp ứng hầu hết yêu cầu về ẩm thực hiện đại. Cách chế biến cũng rất đa dạng, những nguyên liệu bình thường có thể "phù phép" thành những món ăn đặc sắc.
Còn dưới góc nhìn của tiến sĩ (TS) sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã: "Năm 2012, đài CNN đã tôn vinh món phở và gỏi cuốn là một trong 50 món ngon nhất thế giới. Nhật cũng đã tổ chức "Ngày phở tại Nhật" vào năm 2016. Gần đây tờ báo Times còn tôn vinh phở là một trong 10 món ăn tốt nhất cho sức khỏe con người".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khi tìm hiểu ẩm thực Việt Nam, ông nhận thấy "nền ẩm thực nước nhà rất tiết kiệm vật phẩm, thích hợp với người nghèo mà sang".
Theo ông Xuân, món ăn Việt không những ngon miệng mà trước hết phải ngon mắt, từ hình dáng đến màu sắc phong phú. Có thể đãi khách quốc tế hàng chục bữa mà không sợ có món ăn nào trùng lặp.
"Hơn nữa, ẩm thực Việt còn là một mặt hàng mà người Việt Nam có thể kinh doanh trên bất cứ đất nước nào trên thế giới", nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận xét.
Bức tranh hiện thực… trắc trở
Dù được thế giới ghi nhận về sự tinh hoa, tính đa dạng cũng như nét độc đáo của ẩm thực Việt, nhưng để trở thành "bếp ăn thế giới", nền ẩm thực Việt Nam không thể phủ nhận hiện thực đang rất… trắc trở.
Các đầu bếp chế biến món ăn trong cuộc thi Chiếc Thìa Vàng - Ành: Quang Định
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia ẩm thực và các nhà nghiên cứu văn hóa, sự pha tạp trong ẩm thực và tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là thực trạng báo động đỏ, khiến ẩm thực trong nước cũng bị vạ lây.
"Tình trạng nuôi, trồng dùng chất kích thích tăng trưởng, phân bón thuốc trừ sâu nhiều độc hại trở nên phổ biến. Việc sử dụng chất bảo quản độc hại tràn lan khiến ngay cả các chuyên gia không biết ăn những thực phẩm nào không độc", TS sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã băn khoăn bày tỏ.
Mặt khác, hiện cũng có không ít nhà hàng, đầu bếp không quan tâm đến giữ gìn bản sắc, văn hóa ẩm thực Việt, đẩy tình trạng pha tạp "Tàu, Tây" lẫn lộn ngay cả trong những nhà hàng thuần món Việt cũng trở nên phổ biến.
Điều này dẫn đến nếu ẩm thực Việt không tạo được sự khác biệt, độc đáo để phát triển thì tới đây, ẩm thực Việt chỉ còn tồn tại với giới bình dân. Và đương nhiên sẽ không còn được gìn giữ để phát huy đúng giá trị truyền thống món ăn Việt.
Chờ những "cú hích"
"Cần thực hiện ngay kế hoạch xây dựng các công ty phát triển những nhà hàng Việt đạt chuẩn, chuỗi nhà hàng từ thực phẩm sạch đến bếp sạch, những sản phẩm vốn đang được thế giới biết tới mang giá trị văn hóa lịch sử và giá trị kinh tế cao", TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã khuyến nghị.
Du khách tham quan và thưởng thức món ăn của các gian hàng ẩm thực trong lễ hội tại công viên 23/9 - Ảnh: Quang Định
Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho hay, ngoài việc đẩy mạnh các sự kiện quảng bá ẩm thực trong và ngoài nước, hiệp hội còn làm thêm phần việc là xác minh, chỉ rõ các nguồn cung cấp thực phẩm an toàn.
"Khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành", ông Kỳ chia sẻ.
Theo TTO