Mạnh dạn đem đến cuộc thi một menu toàn phở, phở Thái Hưng chú trọng kết hợp phở và các loại rau củ quả, mang đến cho thực khách món phở ít bánh, nhiều rau, không ngại nhiều tinh bột.
Đầu bếp: Mai
Thị Ngọc Bích (bếp trưởng), Phạm Thị Hoàng Anh, Ngô Thị Xuân Đến.
Chị Mai Thị Ngọc Bích, chủ quán phở Thái Hưng, cho biết chị
tham gia cuộc thi là để tri ân GS-TS Trần Văn Khê. Trước khi mất, ông muốn chị
đem món phở đi thi Chiếc Thìa Vàng.
Chị Bích nói đùa, ít ai ăn phở thay cơm suốt đời nên vì thế
chị luôn tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm các cách nấu phở để khách ăn một lần
rồi sẽ muốn ăn nữa.
Chị Ngọc Bích sinh ra ở quê hương của phở - thành phố Nam Định.
Trước khi theo đuổi cuộc đời của một người tìm tòi, nghiên cứu về phở, chị theo
học trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội, lớp diễn viên đầu tiên của sân khấu Hà Nội.
Chị là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên của nhà hát Tuổi Trẻ. Sau
đó, vì công việc, chị sang Campuchia một thời gian rồi trở về Việt Nam.
Trước khi mở phở Thái Hưng, chị đã thực hiện một cuộc hành
trình từ Bắc vào Nam để tìm hiểu cách nấu phở ở từng vùng miền, chọn lọc sự
tinh tế đặc trưng của mỗi vùng đất. Phở sinh ra từ Nam Định nhưng chính ở Hà Nội,
phở mới được thăng hoa và từ đó, vượt ra khỏi xứ Bắc để phát triển ở TP.HCM và
mọi nơi trên thế giới nơi có bàn chân người Việt. “Phở đã biến tấu qua các vùng
đất, tùy theo khẩu vị, thói quen chế biến và văn hóa ẩm thực của từng vùng. Tôi
đã tìm hiểu và chọn ra được cách nấu cho phở Thái Hưng của mình”, chị Bích tâm
sự.
Trước khi có quán phở của riêng mình, chị Bích từng ra đường
bán phở, từng đi làm thuê cho hàng chục quán phở ở TP.HCM. “Điều đó cũng bình
thường thôi, muốn kiếm tiền từ nghề của mình thì phải hiểu rõ ràng, tường tận tất
cả mọi thứ. Tôi đã học được rất nhiều điều khi đi làm cho các quán phở. Đến
nay, tôi có thể nấu đến mấy chục món phở”, đội trưởng Ngọc Bích chia sẻ.
Thực đơn dự thi: Phở cuốn; phở trộn hải sản; phở thập cẩm; bánh trôi, bánh chay.
Quán phở Thái Hưng mạnh dạn đem đến cuộc thi một menu toàn phở,
từ món chính đến món phụ, ngoại trừ món tráng miệng. Họ không quá lo việc ban
giám khảo sẽ ngán các món phở vì cách nấu của phở Thái Hưng chú trọng kết hợp
phở và các loại rau củ quả, mang đến cho thực khách món phở ít bánh, nhiều rau,
không ngại quá nhiều tinh bột trong một thực đơn.
Chị Bích chia sẻ, ngày nay, được sự hỗ trợ của các dụng cụ
nhà bếp chuyên nghiệp nên đầu bếp nấu phở nhanh hơn mà không đụng đến bất gì
hóa chất, chất phụ gia nào.
Chị đã dũng cảm khi chọn cách nấu phở sử dụng nhiều rau xanh
mà không dùng bột ngọt. “Những người quen ăn ở các quán phở bỏ nhiều bột ngọt sẽ
thấy lạt miệng khi ăn phở Thái Hưng nhưng tôi đã quyết định chọn cách nấu này để
thực khách ăn không ngán và quan trọng nhất là món ăn rất lành”.
Chính vì kiên quyết như vậy nên chị Bích không ngại ngần nói trong
10 người khách ăn phở Thái Hưng, chỉ cần có 5 – 7 người thích là chị vui rồi.
Cách nấu phở của chị cũng đi theo lối dung hòa khẩu vị của ba
miền Bắc – Trung – Nam, cho thấy sự năng động trong cách tiếp cận khách hàng của
phở Thái Hưng.
Là menu toàn phở, phở Thái Hưng cho biết họ dự thi không phải
để chiến thắng mà cốt sao giới thiệu một cách ăn phở mới đến thực khách: nhiều
rau xanh, không bột ngọt và không quá nhiều bánh phở.
Đơn vị: Phở Thái Hưng
Địa chỉ: 32/3 Nguyễn Huy Lượng, P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Giờ mở cửa: Từ 6g30 – 10g sáng.
Vài
năm gần đây, quán phở là địa chỉ lui tới của tiến sĩ Nguyễn Nhã, ăn phở thấy
ngon nên ông đã giới thiệu cho GS – TS Trần Văn Khê. Khi còn sống, giáo sư thỉnh
thoảng mời phở Thái Hưng đến nhà nấu để chiêu đãi các vị khách quốc tế khi đến
thăm nhà. Chính cuộc thi Chiếc Thìa Vàng là dịp để phở Thái Hưng tri ân đến người
khách hàng đặc biệt của mình: cố giáo sư Trần Văn Khê.