Chúng tôi hay gọi anh Vũ Văn Thành, quán quân Chiếc Thìa Vàng 2015 là “người nấu ăn ở gian bếp cao nhất Việt Nam”, đơn giản vì anh phụ trách nhà hàng ở tầng 63 của khách sạn Lotte Hà Nội.
Đầu bếp Vũ Văn Thành giao lưu với khách mời tại họp báo phát động cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016
Không
phỏng vấn, chúng tôi chọn cách tán dóc với người đã giành giải thưởng 1
tỷ đồng và cúp đầu bếp vốn được ví như "Giải Oscar của nền ẩm thực Việt".
Gần 1 năm, cuộc sống và công việc
của nhà vô địch có gì khác trước không anh?
Có
thay đổi nhiều chứ. Bản thân Thành nhờ đi cùng Chiếc Thìa Vàng nên biết được
thêm nhiều loại gia vị, nhiều món ăn từ khắp các vùng miền khác nhau.
Nhờ
đó mà Thành có cơ hội nấu những món mà gia đình chưa từng biết đến. Điều này
truyền cảm hứng lắm, cả nhà quây quần nấu ăn chung với nhau nhiều hơn, cười nhiều
hơn và làm cho ai cũng hạnh phúc hơn.
Tôi
đã tìm thấy gia vị cho hạnh phúc gia đình nhỏ của mình chính là tiếng cười…
Thành
công này cũng tạo niềm tin để ông tổng bếp trưởng của tập đoàn tin tưởng và
giao cho nhiều trọng trách hơn trong chuyên môn cũng như trong quản lý.
Đến
thời điểm này, mình đang điều hành 2 bếp chính tại 2 nhà hàng Âu cao cấp cùng 2
bếp nhỏ khác trong khách sạn.
Năm nay, với vai trò mới là giám khảo cuộc thi, anh sẽ quan
tâm yếu tố nào nhất khi chấm thi?
Với
riêng cá nhân Thành thì vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi
lẽ mình tin rằng một đầu bếp yêu nghề, tâm huyết với nghề thì anh ta không chỉ
đem cái “ngon” mà anh ta phải đem cái “lành” đến cho thực khách.
Cái
“lành” mà mình muốn nói tới ở đây là sự thông minh trong chọn lựa thực phẩm,
thông minh trong chế biến, trong vệ sinh…
Làm thế nào để có thể trở thành nhà vô địch Chiếc Thìa Vàng?
Trong
đời sống chúng ta có khá nhiều cách khác nhau để trở thành nhà vô địch. Với
mình nhà vô địch đúng nghĩa chính là nhà vô địch của lòng tâm huyết với nghề,
không ngần ngại học hỏi, không ngần ngại gian khổ trong công việc.
Tuy
vậy cũng không thể bỏ qua được sự nhanh nhạy trong xử lí tình huống và làm việc
đồng đội.
Theo
anh, làm thế nào để nhận biết một đầu bếp giỏi?
Chúng
ta không thể nhìn nhận một cách phiến diện trong ngày một, ngày hai được. Tướng
mạo hoặc sự hào nhoáng trong món ăn của anh ta cũng chỉ nói lên một phần.
Đầu
bếp giỏi phải dựa vào thành quả anh ta đạt được từ sự công nhận của khách hàng
hay đồng nghiệp.
Với anh, bếp là "nghề" hay "nghiệp"?
Với
mình thì nghề nào cũng đều có hai mặt của nó. Nếu chúng ta biết yêu thương và trân
trọng nó thì chẳng thể nào nó quay lưng lại với ta cả.
Anh có muốn con mình theo nghề bếp
không?
Thành
cũng chẳng biết nữa, tùy các cháu thôi. Nhưng biết đâu được khi mà cả hai vợ chồng
mình đều là đầu bếp chuyên nghiệp và yêu nghề… Mọi cái hoàn toàn có thể xảy vì
“sóng trước đổ đâu thì sóng sau đổ đó” mà.
Vũ Văn Thành luôn say sưa với mỗi món ăn mình đảm trách
Nếu bây giờ không làm bếp nữa, anh sẽ làm gì?
Ôi
không. Tôi không bỏ nghề bếp đâu. Mà tại sao lại không làm bếp nữa khi mà tôi
đang rất yêu nó, yêu cái nghề này. Đừng xúi dại tôi nhé!
Nếu có 10 phút để hoàn thành 1 bữa tiệc với những nguyên liệu
phổ thông nhất của một gian bếp bình thường, anh sẽ nấu những gì?
Ồ,
quá ít thời gian. Tôi sẽ không làm gì đâu. “Nguyên liệu phổ thông” muốn đưa lên
“bữa tiệc” thì cần phải có thời gian dài hơn để đầu bếp truyền đam mê và cảm hứng
vào trong nguyên liệu, chứ không thể có sự cẩu thả hay vội vàng được.
Nếu đi giao lưu ẩm thực quốc tế, anh sẽ chọn những món nào
của Việt Nam?
Có
quá nhiều món để chọn. Từ Bắc chí Nam món nào cũng xứng đáng được chọn cả.
Nhưng với riêng cá nhân tôi, tôi chọn cá nấu mẻ, nghệ, củ chuối và lá tía tô.
Đây là món ăn tôi đã thực hiện trong vòng đầu tiên của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng
2015. Món ăn này đã in sâu vào tiềm thức của tôi khi ba mẹ nấu cho anh em chúng
tôi ăn khi chúng tôi còn nhỏ.
Quên
sao được khi mà ba mẹ ăn củ chuối để nhường phần cá cho con... nó không còn dừng
lại ở giá trị dinh dưỡng nữa mà nó còn ẩn chứa đằng sau một tình thương bao la
rộng lớn luôn hiện hữu trong con người Việt, “văn hoá - ẩm thực” chính là
đó.
T.Nguyên (ghi)
(Theo TTTG)