Có món ăn hay cách chế biến nào của các đầu
bếp làm ông ngạc nhiên và thán phục?Tôi nghiên cứu nhiều về ẩm thực Việt và
cũng từng may mắn được nếm vô số món ăn ngon từ khắp các vùng miền đất nước. Ở đâu cũng có những
điều làm tôi bất ngờ và càng thấy món Việt thật phong phú, đầy tính sáng tạo. Cách các đầu bếp kết
hợp các nguyên liệu và gia vị để tạo nên những món ăn ngon lành và bổ dưỡng luôn làm chúng tôi đi
từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Chẳng hạn như ai cũng biết lá cẩm là loại nguyên liệu tự
nhiên để nhuộm thực phẩm thành màu đỏ, tím, nhưng nếu ta hấp lá cẩm với tro lúa sẽ tạo thành… màu
xanh coban! Bà con dân tộc vùng núi Tây Bắc đã dùng cách này để tạo nên món xôi ngũ sắc rực rỡ.
Điều này làm tôi hoàn toàn bất ngờ khi chứng kiến các đầu bếp ở Lào Cai thực hiện món xôi này.
Hay
như món mì Quảng, ai cũng nghĩ món này thì có gì mà lạ, ăn hoài. Nhưng khi nhìn thấy món ăn được
bày lên bàn trong một chiếc đĩa sâu lòng trắng muốt với sợi mì vàng mật, con tôm đỏ au, cọng cải
xanh mướt, miếng bánh tráng hình tam giác giòn rụm cắm chính giữa tựa thanh sôcôla trang trí trong
món Âu, rắc thêm xung quanh ít hành lá, đậu phộng và ớt xanh miền Trung thì tất cả như một bức
tranh tuyệt đẹp.
Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam đều
công nhận món Việt rất ngon nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ra thế giới, ngoại trừ hai món
phở và chả giò. Ông nghĩ sao?Món Việt ngon không chỉ có phở và chả giò,
đó là điều chắc chắn. Theo tôi thì trong khu vực châu Á nếu xét về các nền ẩm thực lớn là Trung
Quốc đang đứng đầu, tiếp đến là Thái Lan, vị trí thứ ba theo tôi phải là Việt Nam chứ không phải
Nhật hay Hàn. Thậm chí món Việt xét ở nhiều mặt còn hơn ở sự cân bằng dinh dưỡng, không những ngon
mà còn rất lành.
Món Việt không dùng nhiều dầu mỡ để chiên rán theo kiểu dầu sôi trên lửa to như
của người Trung Quốc, cũng không dùng quá nhiều gia vị cay nóng như món Thái, không thuần đồ tươi
sống như món Nhật mà lại rất cân bằng, hài hòa trong cách kết hợp các nguyên liệu, gia vị theo
thuyết âm dương ngũ hành, có mặn, có ngọt, có đắng có chua, có nóng có lạnh… Chính vì vậy món Việt
ăn rất vừa miệng, dễ chịu, không gây "nóng trong người" hay dị ứng vì đồ sống, lại còn nhiều rau,
chất xơ và vitamin.
Hơn nữa, cách nấu món Việt lại rất đơn giản, nấu nhanh và gọn gàng. Cách ông bà
ta ăn uống từ ngàn xưa nay đang trở thành "mốt" trên thế giới khi mọi người đều hướng đến một thực
đơn cân bằng, vừa phải, ngon miệng và lành tính.
Có nhiều ưu thế như vậy nhưng vì sao ẩm
thực Việt Nam vẫn chưa được nhiều người biết đến như những nước bạn, theo tôi có lẽ là vì chúng ta
chưa thực sự biết cách để hội nhập.
Ví dụ như thế này, nếu đặt lên bàn một chén xúp miso của Nhật,
một chén canh tom yum của Thái và một tô canh chua cá lóc của Việt Nam thì chắc chắn thực khách
nước ngoài sẽ ăn xúp miso và canh tom yum trước vì tiện dụng với cách ăn riêng từng người của họ.
Trong khi truyền thống ăn uống của người Việt là tô canh to để ở giữa, đầu cá lóc để nguyên trong
tô rồi mọi người cùng ăn với nhau. Người nước ngoài họ không ăn uống như vậy và sẽ rất lung túng
không biết làm thế nào. Nếu như ta có thể múc canh ra từng bát con, cắt cá lóc ra thành từng miếng
nhỏ vừa miệng thì chắc chắn họ sẽ ăn ngon lành. Mà một khi đã nếm được vị canh chua này rồi thì
chắc hẳn sẽ thay đổi ngay quan niệm "Việt Nam chỉ có phở và chả giò"!
Theo H.Oanh
Tuổi
Trẻ