“Từng ngồi vị trí giám khảo trong nhiều cuộc thi ẩm thực, trong đó có cuộc thi Chiếc thìa vàng, tôi thật sự ấn tượng với sự chuyên nghiệp và tay nghề của các đầu bếp VN. Họ hoàn toàn có thể ra nước ngoài để quảng bá ẩm thực VN”, ông Marco Brueschweiler nói.
Đó là chia sẻ của Master Chef Marco Brueschweiler, giám đốc điều hành Công ty Tư vấn dịch vụ ẩm thực Thái Lan và là thành viên Hội Đầu bếp thế giới. Ông có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về ẩm thực VN sau khi tham gia chấm giải trong các cuộc thi nấu ăn tại VN.
Master Chef Marco Brueschweiler - Ảnh: LN Tôi rất thích ý tưởng của cuộc thi Chiếc thìa vàng vì đã cố gắng phát
huy và quảng bá nét đặc trưng riêng “ngon và lành” của ẩm thực VN. Đó là
những món ăn tổng hòa được sự tươi ngon, đa dạng của rau củ, hải sản
tươi sống, hương vị, gia vị... rất riêng và chỉ có ở VN để tạo thành
những món ăn VN không thể lẫn trong cả thế giới ẩm thực.
|
* Ấn tượng của ông sau những cuộc thi tổ chức tại VN là gì?- Các đội thi đến từ nhiều vùng miền mang theo cùng họ là những thực đơn ngon, đặc sắc, đa dạng và những nguyên liệu tươi ngon, độc đáo của vùng miền đó.
Tôi rất thích cách bài trí chợ nguyên liệu của ban tổ chức trong vòng thi chung kết, thoạt nhìn thì thấy đơn sơ, mộc mạc nhưng quan sát kỹ sẽ phát hiện sự phong phú với các loại nguyên liệu đặc trưng mà chỉ thấy được ở ẩm thực VN.
Trong đó đặc biệt là những loại rau tươi, ngon của VN đã được trình bày rất đẹp.
Theo hiểu biết của tôi, không quốc gia nào có sự đa dạng về các loại rau, nguyên liệu tươi như VN. Với Chiếc thìa vàng, việc bí mật đến phút cuối, gói gọn nguyên vật liệu trong chiếc hộp đen cũng là một ý tưởng rất chuyên nghiệp mà không có nhiều cuộc thi đầu bếp áp dụng.
Việc kết hợp sao cho thật phù hợp các nguyên liệu cơ bản trong chiếc hộp đen cùng với những nguyên liệu tìm ở ngoài chợ thật sự là thử thách lớn không những đối với mọi đầu bếp mà còn với cả các giám khảo.
* Ông đánh giá thế nào về tay nghề và trình độ của các đầu bếp VN qua các cuộc thi này?- Có thể khẳng định tay nghề của các đầu bếp VN đã đạt đến trình độ có thể ra nước ngoài để quảng bá cho ẩm thực VN. Các đầu bếp rất có kỷ luật, cách họ trang trí, trình bày món ăn trên các sản phẩm sứ rất đẹp, chuyên nghiệp.
Một số đầu bếp đã biết cách chế biến món ăn theo phương pháp hiện đại, khoa học, tuân thủ các nguyên tắc chế biến món ăn mà các đầu bếp chuyên nghiệp đang áp dụng.
Ngoài ra, chính vì sự cách biệt về địa lý nên các đội sẽ có những lợi thế nhất định trong cách thức chọn món ăn, gia vị, nguyên liệu, cách nấu món ăn sao cho thật riêng, đặc trưng nhất, hấp dẫn nhất...
Tuy nhiên, theo tôi, nhiều đội vẫn chiên xào rất nhiều trong khi xu hướng nấu ăn hiện nay phải tính toán cách thức nấu, chế biến sao cho giữ được thật nhiều tinh chất nguyên thủy của món ăn nhất.
* Nếu xếp hạng ẩm thực VN trong bản đồ ẩm thực khu vực, ông sẽ chọn vị trí thứ mấy?- Trong phạm vi châu Á, đứng hàng đầu phải là ẩm thực Nhật, Trung Quốc, Thái Lan rồi đến VN. Còn với các quốc gia Đông Nam Á, VN chỉ đứng sau món Thái vốn đã quảng bá quá nhiều trong cả thời gian dài.
Tuy nhiên, với thực lực của ẩm thực VN, tôi hoàn toàn tin trong thời gian ngắn món ăn Việt có thể vượt qua Thái Lan để đứng hàng đầu khu vực này. Các bạn hãy chọn vài món rất đặc trưng, với các món rau và gia vị riêng để đưa nó lên thành món ăn mang thương hiệu Việt.
Thực tế, ẩm thực VN đã có tiếng trên thế giới, nhiều người đến VN biết và thưởng thức món ăn VN, trong đó nhiều du khách quốc tế đã trở thành các đại sứ quảng bá cho ẩm thực VN.
Bản thân tôi mỗi khi đến VN đều vài lần thưởng thức món phở và gỏi cuốn dùng chung với món nước chấm mang hương vị đậm đà tuyệt vời. Vấn đề là các bạn phải giữ cho bằng được những món ăn rất VN, chỉ có ở VN rồi tập trung quảng bá thật tốt chứ đừng quảng bá cả nhà bếp.
Ngày nay, mọi người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và sự lành mạnh trong món ăn, nên ẩm thực VN có lợi thế nhờ có vô số loại lá, rau mà một đầu bếp chuyên nghiệp như tôi cũng không khỏi ngạc nhiên.
Ông Lý Huy Sáng (phó tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long I, phó trưởng ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng):
Phát huy thế mạnh gia vị trong món ăn Việt
Cuộc
thi năm nay (diễn ra từ ngày 2-6 đến 2-12) sẽ được tổ chức tại Cần Thơ,
TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Lào Cai và Hà Nội. Các đội thắng của sáu
vòng sơ kết sẽ tham gia hai vòng thi bán kết diễn ra tại Hà Nội (13 và
14-10), TP.HCM (27 và 28-10). 15 đội cuối cùng tham gia cuộc thi chung
kết sẽ diễn ra tại Bình Dương (2-12).
Gia vị đã làm nên sự khác
biệt riêng có và rất đặc sắc của món ăn VN so với món ăn của các quốc
gia khác. Do đó, tại các điểm thi sẽ có những buổi giới thiệu đặc trưng
gia vị ở vùng miền này do những chuyên gia ẩm thực như Chiêm Thành Long,
Bùi Thị Sương... thực hiện.
Phần dự thi của thí sinh cũng được
các chuyên gia đánh giá về khả năng làm chủ các loại gia vị và sử dụng
linh hoạt các gia vị đặc trưng vùng miền nhằm tôn vinh đặc trưng ẩm thực
của đội dự thi đến từ vùng miền đó.
Năm nay ban tổ chức sẽ chọn
lọc các đầu bếp có tay nghề, tập hợp thành một câu lạc bộ những đầu bếp
Chiếc thìa vàng. Họ sẽ là những đại sứ quảng bá ẩm thực VN tại các bữa
tiệc, sự kiện văn hóa, hội chợ quốc tế...
Cũng tại các địa phương
diễn ra cuộc thi, ngoài thực khách trong nước (bà nội trợ, sinh viên
học sinh...), Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist sẽ giới thiệu các du
khách nước ngoài tham gia với tư cách là khách mời để ăn thử, nhận xét
về cách thức trình bày, khẩu vị... các món ăn của thí sinh dự thi. Đây
cũng là một trong những cách thức để giới thiệu món ăn Việt với du khách
nước ngoài.
|
Lê NamTheo
Tuổi Trẻ