Từng được Hiệp hội Đầu bếp thế
giới trao tặng danh hiệu “Đại sứ văn hóa ẩm thực Việt Nam” năm 2012, đầu bếp Võ
Quốc đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, làm sống lại những món ăn Việt quý giá
bị thất truyền.
Ông “phù thủy” của món
Việt
Con đường đến với nghề bếp của
Võ Quốc cứ như duyên tiền định. Cậu học sinh giỏi hóa cấp thành phố đã không
thể đặt chân đến cánh cổng đại học dù kiên trì dự thi đến 3 lần. Trong lúc
tuyệt vọng, Võ Quốc được mẹ nuôi là chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân tư
vấn theo nghề bếp khi bà nhìn thấy đôi tay Quốc bay bổng trên căn bếp nhà bà.
Đầu bếp Võ Quốc thường đi du lịch đến những vùng đất mới để tìm hiểu thêm về các món ăn các nước. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nghe lời mẹ, Quốc cắp cặp đến
Trường Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn Saigontourist để... giết thời gian. Nhưng
khi vào trường, tiếp xúc với những “cây đa cây đề” trong ngành ẩm thực Việt,
Quốc tin rằng cuộc đời mình sẽ gắn chặt với nghề bếp khi những người đi trước
đã truyền cho anh niềm đam mê với những món ăn Việt. Càng học càng yêu nghề,
Quốc đã dành trọn tâm lực của mình cho ước mơ bỏng cháy là trở thành đầu bếp
giỏi.
Cơ hội thật sự đến với Quốc năm
2001 khi trường cử anh tham dự cuộc thi nghề châu Á tại Bắc Kinh - Trung Quốc.
Bằng tư duy sáng tạo qua món cơm chiên làm theo nguyên tắc nấu xôi vò không để
dính dầu, Quốc đã vượt qua 50 thí sinh đến từ 13 quốc gia châu Á để giành giải
nhất cuộc thi. Cứ thế, may mắn tiếp nối may mắn, Quốc thẳng tiến vào nghề một
cách tự tin.
Tốt nghiệp xuất sắc lớp bếp Việt
Nam tại Trường Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn Saigontourist năm 2001, Quốc nhận
học bổng tham gia lớp nâng cao dành cho bếp trưởng các nhà hàng của
Saigontourist. Lại đứng đầu lớp bếp nâng cao, Quốc nhận thêm suất học bổng tại
khách sạn nổi tiếng Raffle ở Singapore và học chuyên ngành Food Stylist (trình
bày món ăn) trong 6 tháng. Anh cũng được cấp bằng chuyên gia ẩm thực của Hiệp
hội Đầu bếp châu Á.
Đầu bếp chủ bút
Sau khi ra trường, tên tuổi Võ
Quốc gắn liền với Tạp chí Món ngon Việt Nam do anh làm chủ bút và chính thức
xâm nhập lĩnh vực mới: chuyên trình bày hình ảnh món ăn để quảng cáo cho các
công ty thực phẩm. Công việc này mang đến cho Quốc bộn tiền và anh thật sự bị
cuốn hút khi trang trí món ăn, nhất là món Việt. Hơn 10 năm, Món ngon Việt Nam
như quyển “từ điển sống” về các món ăn truyền thống Việt Nam, làm phong phú hơn
bữa cơm gia đình Việt.
Từ tạp chí này, những nghệ nhân
ẩm thực nổi tiếng của cả nước có cơ hội thi thố tài năng, góp nhặt tinh hoa và
phát triển nó, tạo nên một sắc thái riêng biệt từ trang trí đến cách chế biến
thuần chất. Bản thân ông chủ bút Võ Quốc cũng luôn xách balô lên đường đến
những vùng đất mới, trong và ngoài nước để lượm lặt các công thức đặc thù của
từng món ăn địa phương rồi chuyển tải trên tạp chí. Thành công của Món ngon
Việt Nam đã tiếp sức để Quốc khai sinh thêm tạp chí Gia đình vào bếp và
Vietnamese Delicious.
Không chỉ nấu ăn ngon, Quốc khá
tự tin và đầy kỹ năng hoạt xướng, biểu diễn trước đám đông nên anh còn đảm nhận
nhiều chương trình dạy nấu ăn trên đài truyền hình, tổ chức sự kiện… Ngoài ra,
anh còn được đề cử hướng dẫn món Việt cho các lãnh sự quán nước ngoài tại Việt
Nam trong những ngày “Family Day” của họ và tham gia dạy nấu ăn cho khách du
lịch… Những năm qua, vài quán ăn của anh cũng trở thành điểm hẹn của những vị
khách say mê ẩm thực.
Dù dành hết tâm huyết cho các
tạp chí ẩm thực nhưng chính những “đứa con tinh thần” này lại làm Quốc phải lao
tâm khổ tứ khi báo giấy liên tục gặp khó khăn. Để cắt lỗ, anh phải đình bản 2
tạp chí và giảm bớt kỳ phát hành của Món ngon Việt Nam. Bù lại, anh tập trung
vào nghề chính hơn bằng việc mở nhà hàng Món ngon Việt Nam để quảng bá ẩm thực
Việt trên diện tích 600 m2. Thực đơn của nhà hàng khá phong phú, hơn 200 món,
từ món ăn cơm hằng ngày đến những món “tiến vua”, những món đã bị thất truyền.
Thực khách đến đây không chỉ thưởng thức các món ngon vật lạ mà nếu thích món
nào thì có thể trực tiếp học cách nấu. Thêm nữa, nếu muốn mua về thì đã có siêu
thị bán đồ ăn chế biến sẵn tại đây.
Một điểm khác biệt ở các món ăn
tại nhà hàng Món ngon Việt Nam là được Võ Quốc loại bớt lượng mỡ dư thừa từ
động vật và thêm vào những chất xơ đơn giản có lợi vì anh muốn phát triển một
nền ẩm thực chất lượng cao, tốt cho sức khỏe.
Võ Quốc tâm sự nhà hàng chỉ là
nơi thỏa mãn ước mơ sáng tạo, làm giàu ẩm thực Việt chứ nghề “hái ra tiền” của
Quốc là tư vấn, thiết kế cho các nhà hàng ở khắp cả nước. Năm qua, thành công
nhất của Quốc là bài trí hệ thống phòng chờ VIP cho các hãng hàng không và một
số nhà hàng bên ngoài. Ngoài ra, anh còn làm quảng cáo cho các công ty thực
phẩm, tổ chức sự kiện, dẫn chương trình, làm đại sứ thương hiệu…
Tự tin, thành đạt trong nghề bếp
bao nhiêu thì Võ Quốc lại rụt rè, e ngại trong chuyện riêng tư bấy nhiêu. Bởi
thế, chàng đầu bếp tài năng này vẫn còn “phòng không” dù đã 36 tuổi!
Đừng
ngại thất bại!
Chia sẻ thêm
về nghề bếp, Võ Quốc cho rằng không phải ai học nghề cũng có thể đến với nghề;
chỉ 50% theo được và 5% thành danh. Để thành công, người đầu bếp nên tự lập,
tìm tòi khám phá và trải nghiệm; đừng ngại thất bại bởi đó chính là những điều
mang đến thành công. “Sau thời gian dài thưởng thức các món ăn, những đặc sản
địa phương đã giúp tôi có cái nhìn khách quan và bao quát hơn về hương vị cũng
như sở thích của các vùng miền khác nhau. Chính ẩm thực đã xóa tan rào cản ngôn
ngữ và đưa mọi người xích lại gần nhau hơn” - Võ Quốc nhấn mạnh.
|
Quý Hòa
Theo Người Lao Động
------------------------------------
* Tựa bài đã được thay đổi bởi BBT