Thành công trên đất Mỹ và nổi tiếng ở Hollywood, nhưng với Jack Lee, Việt Nam là thiên đường ẩm thực. "Đầu bếp của những ngôi sao" mong muốn cả thế giới cùng biết đến những món ăn Việt Nam.
Rời Việt Nam từ năm 9 tuổi, sang Mỹ với rất nhiều nỗ lực, Jack Lee (tên Việt là Lý Vĩnh Viễn) có cơ hội được nấu ăn ở một khách sạn sang trọng của Hollywood, và từng nấu ăn cho những nhân vật nổi tiếng thế giới, như Steve Jobs, Angelina Jolie, Oprah Winfrey, Stephen Baldwin, Charlize Theron…
Về Việt Nam vào năm 2014, sau 34 năm rời nơi mình được sinh ra với một ý định khác hẳn công việc hiện tại, nhưng từ đó Jack Lee đã ở lại Việt Nam cho đến nay. Và mỗi lần chia sẻ về việc nấu ăn và truyền cảm hứng về món Việt, ánh mắt anh luôn sáng bừng kèm nụ cười dí dỏm.
Đầu bếp gốc Việt Jack Lee. Ảnh: Vivian/Trí Thức Trẻ
Trước khi về Việt Nam, anh đã thành danh ở nước Mỹ, và là đầu bếp vinh dự được nấu ăn cho nhiều người nổi tiếng thế giới. Lí do gì anh lại chọn Việt Nam để phát triển nghề bếp?
- Đầu bếp Jack Lee: Thật ra, lúc đầu tôi chỉ định về Việt Nam để giúp một người bạn thân mở nhà hàng thôi, rồi trở lại Mỹ.
Nhưng thật bất ngờ, ngày thứ 2 về Việt Nam, sau 34 năm, tôi biết đến cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, với nhiều ấn tượng thú vị. Ở cuộc thi đó, các đầu bếp nấu ăn rất ngon, trình bày cũng khá đẹp. Và tôi bắt đầu có một sự tin tưởng gì đó về sự phát triển của ngành nghề này tại Việt Nam.
Càng về sau, tôi càng thấy Việt Nam là một đất nước rất xinh đẹp với nền văn hóa, con người và cả một nền ẩm thực tuyệt vời. Tôi bị cuốn hút hoàn toàn bởi nguồn nguyên liệu phong phú của Việt Nam như trái cây, các loại rau thơm, rau xanh và hải sản tươi sống...
Gần 3 năm phát triển nghề bếp ở Việt Nam, theo anh điểm khác biệt giữa ẩm thực Việt Nam và nhiều nước trên thế giới mà anh đã từng làm việc là gì?
Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, đầy màu sắc, từ hương vị, bố cục đến phong cách. Như các bạn biết đấy, chỉ tính riêng bữa sáng, cũng đã có rất nhiều món, nào là phở, hủ tiếu, các loại bún, bánh, cơm tấm, cháo… chứ không như ở Mỹ, thường tôi chỉ ăn bánh mì, trứng, thịt xông khói hay khoai tây. Chúng ta thực sự rất may mắn khi có thể ăn những món ngon này mỗi ngày.
Ở các nước phương Tây, dù rằng người ta có nhiều tiền, cũng không thể có nhiều món như vậy để ăn.
Ngoài những thế mạnh đã có, giới đầu bếp và kể cả thực khách Việt Nam cũng đã bắt đầu chú trọng đến giá trị thẩm mỹ của món ăn. Anh đánh giá thế nào về yếu tố này, liệu có sự đồng điệu giữa Mỹ và Việt Nam không?
Ồ, trình bày món ăn quan trọng lắm đấy!
Khi bắt đầu nghề bếp tại một khách sạn 5 sao ở Mỹ, cụ thể là Bel Air Hotel, tôi đã mất một năm để học trình bày, trang trí món ăn. Đó là điều bắt buộc, phải trang trí rất tỉ mỉ, tinh tế. Cho đến khi đạt được trình độ nhất định, mới bắt đầu được học nấu ăn.
Món ăn Việt Nam rất ngon, nếu được trình bày trên những dụng cụ thích hợp và trang trí đẹp, chắc chắn sẽ có giá trị hơn.
Đầu bếp Jack Lee lựa chọn sản phẩm của Minh Long I ở Food Fest 2017. Ảnh: Trung Dũng
Bí quyết để làm nên những món ăn ngon của anh là gì?
Tôi luôn có một niềm đam mê mãnh liệt với nấu ăn. Và tôi quan niệm rằng phải nấu ăn bằng chính tình yêu và sự tôn trọng.
Đó là tôn trọng văn hóa, di sản và con người của vùng miền, đất nước mà bạn thực hiện món ăn. Chúng ta phải học hỏi từ những hương và vị của mỗi vùng miền.
Ở Việt Nam, nếu bạn gửi tình yêu và sự tôn trọng đến người dân địa phương, thì họ sẽ yêu mến và tôn trọng bạn tuyệt đối, và sẽ luôn đón chào những món ăn bạn nấu bằng một cái dạ dày mở! (cười).
Anh vừa nhắc đến cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Cũng đã gần 3 năm từ khi tham gia cuộc thi này và vào đến vòng chung kết, điều đọng lại trong một đầu bếp chuyên nghiệp như anh là gì? Anh nhận xét thế nào về cuộc thi đang có tầm ảnh hưởng này tại Việt Nam?
Tham gia cuộc thi là một kỉ niệm khó quên, chắc chắn thế.
Đó là ngày thứ 2 tôi trở về Việt Nam. Lúc đó đã gần đến ngày thi, có vẻ như ban tổ chức không nhận đăng ký nữa. Nhưng tôi đã nói chuyện với anh Lý Huy Sáng (phó Ban tổ chức cuộc thi – NV) và được tham gia thi. Lúc đó tôi không rành tiếng Việt đâu. Thật khó để đoạt giải cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng mình đã làm rất tốt khi đi đến vòng chung kết.
Cuộc thi đã làm cho một đầu bếp nước ngoài như tôi hiểu hơn về ẩm thực Việt và cảm thấy rất vui khi có thể nấu được nhiều món mới từ nguyên liệu Việt Nam.
Qua
mỗi năm theo dõi cuộc thi, tôi càng tin tưởng rằng việc đầu tư ở Chiếc
Thìa Vàng là đáng ngưỡng mộ. Cuộc thi giúp ích rất nhiều cho các đầu bếp
Việt Nam, để họ có thêm hiểu biết, tự tin trong nghệ thuật
ẩm thực thế giới.
Jack Lee tham gia cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2014, sau 2 ngày về Việt Nam. Ảnh: CTV
Với quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng cuộc thi Chiếc Thìa Vàng có thể mời các khách sạn 5 sao từ các quốc gia khác đến Việt Nam dự thi, như vậy nền ẩm thực của chúng ta sẽ được quảng bá rộng rãi khắp toàn thế giới.
Được biết không chỉ nấu ăn, anh còn đảm nhận nhiều vai trò khác. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này không? Và dự định trong tương lai của anh là gì?
Tôi đã về Việt Nam chính xác là hai năm rưỡi. Thời gian đó, tôi đã tham gia vài chương trình về ẩm thực, làm giám khảo cho 15 sự kiện và 8 chương trình truyền hình khác nhau, quay hình với Asian Food Channel (AFC), nấu ăn cho khách VIP tại nhà hàng Parkview, Kool Club ở Đà Nẵng…
Có nhiều bạn trẻ nói với tôi rằng, họ mong muốn được chỉ dạy, theo tôi học nghề… Nhưng thật khó, lịch quay chương trình ẩm thực và công việc của tôi chiếm quá nhiều thời gian. Nếu cố gắng sắp xếp được, tôi sẽ mở lớp để hướng dẫn, truyền nghề cho những người yêu thích nấu ăn.
Một kiểu trình bày món ăn của đầu bếp Jack Lee. Ảnh: chefjacklee.com
Còn trong vai trò giám khảo cuộc thi “Easy Cooking” tại Lễ hội ẩm thực Food Fest 2017 lần này, cũng như những lần làm giám khảo khác, anh hướng đến điều gì?
Tôi sẽ chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm nấu ăn của mình với các thí sinh. Tôi đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong phần thi của các đầu bếp trẻ.
Chúng ta phải tự ý thức và hiểu được rằng vì sao Việt Nam chưa có sao Michelin, dù món ăn rất ngon? Có thể là vấn đề décor, cách phục vụ, phong độ của đầu bếp, vệ sinh an toàn thực phẩm?
Tôi mong rằng bằng những chia sẻ này, sẽ góp phần giúp các đầu bếp có thêm kinh nghiệm, thành công hơn, nấu ăn ngon hơn, trình bày đẹp hơn… để thu hút sự quan tâm, yêu mến của thực khách.
Jack Lee cho rằng với những thế mạnh đã có, nếu được chú trọng trình bày, chắc chắn món ăn Việt Nam sẽ giá trị hơn. Ảnh: Oi Vietnam
Nhìn lại một hành trình dài trong nghề, điều ấn tượng nhất với anh là gì? Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ chuyển hướng để làm một việc gì đó, ngoài nấu ăn chưa?
Đó là về Việt Nam nấu ăn và phát triển nghề bếp. Vì ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, thỏa sức để sáng tạo. Và cũng từ Việt Nam mà tôi nổi tiếng hơn. Tôi cảm thấy biết ơn vì điều đó.
Với 25 năm kinh nghiệm trong nghề bếp, tôi biết rằng đó thực sự là một hành trình không dễ dàng. Để trở thành một người đầu bếp, bạn phải thực sự thật thà, nấu ăn với sự nghiêm túc. Phải luôn nghĩ rằng, thực khách tin tưởng bạn rất nhiều và sẽ ăn bất cứ món nào do chính tay bạn phục vụ họ.
Tôi đã nấu ăn từ năm 6 tuổi, trong bếp cùng mẹ và sẽ tiếp tục nấu ăn cho đến lúc già, sau đó về hưu, vì nấu ăn là cuộc sống của tôi.
Với Jack Lee, đam mê nấu ăn là chưa đủ, mà phải nấu bằng chính tình yêu, hiểu biết và tôn trọng thực khách của mình. Ảnh: Saigon's Celeb Chef
Ấn tượng như vậy về ẩm thực Việt Nam, và có cơ hội nấu ăn ở nhiều quốc gia khác nhau, anh sẽ giới thiệu món ăn Việt Nam với bạn bè thế giới?
Chắc chắn thế! Tôi thật sự rất muốn cho toàn thế giới biết được món ăn Việt ngon, rất dinh dưỡng và đẹp như thế nào. Tôi tự hào về món ăn Việt, nơi tôi được sinh ra.
Gần nhất, thông qua việc ghi hình với Asian Food Channel (AFC) tại Indonesia, tôi sẽ dùng nguyên liệu Việt để nấu món Việt, và trình bày ở nhiều dạng khác nhau để giới thiệu.
Còn với thế hệ đầu bếp trẻ Việt Nam, một “đầu bếp của những ngôi sao” sẽ nhắn gửi gì với họ?
Những đầu bếp trẻ trên thế giới ngày nay rất thông minh và họ học hỏi rất nhanh từ các truyền thông xã hội, như Youtube, Google, trường dạy nghề ẩm thực... Điều đó không giống như khi tôi còn trẻ, tôi phải tự học từ những cuốn sách trong thư viện.
Vì thế, các đầu bếp trẻ Việt Nam phải luôn không ngừng sáng tạo, mạnh dạn học hỏi, tham gia nhiều chương trình hơn.
Hãy tự hào về nền văn hóa của chúng ta, những di sản và khắc ghi ẩm thực Việt Nam trong trái tim mình. Hãy học nấu ăn giỏi hơn nữa, đảm bảo vệ sinh và luôn trong trong trạng thái tươm tất, sạch sẽ. Tất cả những điều này sẽ tạo nên sự tự tin của người đầu bếp hiện đại và thành công.
Cám ơn những chia sẻ của anh.
Lê Thoa thực hiện