Vốn được coi là "vàng đen" của thế giới, trứng cá tầm rất được ưa chuộng và được bán với giá siêu đắt trên thị trường thế giới, khoảng 120 -150 triệu đồng một kg với trứng cá tầm đen, thậm chí lên tới gần 230 triệu đồng/kg với trứng cá tầm trắng.
Vì được so sánh quý như vàng nên quy trình thu hoạch trứng cá tầm cũng khá cầu kỳ. Từ xa xưa, trứng cá tầm đã nằm trong top 10 món ăn xa xỉ nhất hành tinh.
Một trong những lý do làm cho trứng cá tầm trắng đắt là trung bình một con cá tầm trắng phải có trên 20 năm tuổi mới bắt đầu có trứng. Do đó, rất hiếm để thưởng thức được trứng cá tầm tươi.
Tùy theo từng trại nuôi, cá tầm cái hoặc bị giết trước khi lấy trứng hoặc dùng một kỹ thuật đặc biệt để lấy trứng ra mà không phải giết cá.
Đầu tiên, cá tầm được quét qua máy siêu âm để kiểm tra xem độ chín của trứng.
Tiếp theo, người làm phải rất cẩn thận trong quá trình rạch bụng cá.
Đối với cá tầm đánh bắt ngoài biển, người đầu bếp cần mài dao thật sắc, sau đó rạch một đường có độ sâu vừa đủ từ đuôi lên để tránh làm vỡ trứng.
Bước kế tiếp là tiến hành lấy buồng trứng trên ra đặt trên rổ bằng kim loại để tách nhớt và loại bỏ máu. Bước lấy trứng cũng phải thật nhẹ nhàng. Các chuyên gia sẽ luồn tay phía dưới buồng trứng, giật đứt hẳn cuống ra.
Sau khi đã thu hoạch, buồng trứng sẽ được sát nhẹ trên những tấm lưới sắt để tách trứng.
Ngoài ra, những gì còn sót lại của ruột cá sẽ được lọc bỏ bằng nhíp nhựa.
Tiếp theo là bước muối trứng. Ở bước này, lượng muối được sử dụng chỉ được phép bằng 3,5% khối lượng trứng cá. Lượng muối này sẽ giúp làm nổi bật hương vị trứng cá một cách tối đa, đồng thời giúp vỏ trứng cá cứng hơn, tăng thời gian bảo quản.
Âu trứng cá sẽ được đặt trong nước đá trong vòng 6 phút nhằm giúp trứng cá ngấm muối nhanh hơn.
Nếu trước đây, trứng cá tầm, nổi tiếng là cá tầm Nga và có 3 loại, cá tầm trắng (beluga), cá tầm đen (osetra) và cá tầm sevruga thì giờ đây không chỉ có ở Nga mà trứng cá tầm còn có mặt ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là ở Israel, một trong những nơi nuôi cá tầm nhiều nhất trên thế giới.
Điều đặc biệt hơn nữa là không chỉ ở những nước khác trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam, cũng có không ít những người ôm mộng bá chủ ngành "vàng đen" này của thế giới.
Hiện nay, cá tầm đã được nhiều địa phương coi là một trong những đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, góp phần vào khai thác tối đa nguồn lợi nước lạnh. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm vừa qua tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm top những nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới.
S.E.N
(Theo Telegraph, Sozcu, Dân Việt)