Mùa thu đến, các loại hoa quả tươi xứ lạnh bắt đầu ồ ạt xuất hiện trên thị trường Việt Nam, quen thuộc nhất là nho, lê và táo. Trong số đó, táo là loại dễ gây nhầm lẫn nhất.
Do cách gọi giống nhau nên loại xanh loại đỏ, loại nhỏ loại lớn gì cũng là táo. Vậy đâu mới là táo “thật” và đâu là táo Việt Nam?
Táo tây
Đầu tiên, phải nói đến loại quả dễ gây nhầm lẫn nhất: táo “tây” – tiếng anh là apple. Đây là loại cây thuộc họ Hoa Hồng, sống chủ yếu ở vùng ôn đới, quả thường chín vào mùa thu. Đối với người Việt chúng ta, loại táo này có nguồn gốc từ các nước Tây Âu (nên mới ưu ái gọi là táo “tây”) nhưng thật ra, các nước châu Á thuộc vùng khí hậu ôn đới đều có trồng như Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Loại táo Tây thường thấy thuộc họ Hoa hồng.
Táo đối với người phương Tây cũng quen thuộc với bữa ăn như chuối với người Việt Nam vậy. Có đến mấy chục loại táo khác nhau: từ màu đỏ như táo Bạch Tuyết Red Delicious đến xanh Granny Smith to cỡ như quả ổi; từ loại thuần chủng với hương vị chua chua, ngọt ngọt như Braeburn đến loại lai F1 Fuji thơm giòn nổi tiếng và lai F(n) ngọt thanh như Honeycrisp; từ loại vỏ vàng ươm Golden Delicious đến loại vỏ đỏ tím mà ruột cũng đỏ tím như được nhuộm của Almata…
Từ khi các đường bay quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn, với giá cả cạnh tranh hơn, các loại trái cây nước ngoài cũng bắt đầu ồ ạt đổ bộ vào nước ta, trong đó tiên phong là các loại táo. Lý do chính là vì táo có thể giữ được rất lâu. Nếu sau khi thu hoạch, được đánh bóng bằng một lớp sáp thực phẩm cực mỏng để chống mất nước và bảo quản ở điều kiện lý tưởng (0 – 2oC với độ ẩm cao 90 – 95%) thì táo có thể giữ tươi tới 6 tháng, thậm chí là cả năm.
Ở nước ta, táo tây cũng được trồng nhiều ở các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc như Sơn La, Lào Cai nhưng vì không hợp thổ nhưỡng nên quả táo tây của ta chỉ bé bằng nắm tay trẻ con, giòn nhưng vị chua, không mang lại giá trị kinh tế. Chính vì sự nhập nhằng này nên trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại táo không rõ nguồn gốc (hoặc từ Trung Quốc nhập về mà không được kiểm định an toàn thực phẩm) mạo danh là táo Việt Nam dưới các tên gọi như “táo đá Hà Giang”, “táo dân tộc”, “táo Sapa”… Chỉ có một loại trong họ Hoa Hồng sinh trưởng mạnh nhất ở Việt Nam là táo mèo, sẽ được đề cập đến bên dưới.
Loại táo Honeycrisp có vị ngọt thanh.
Táo “tây” là loại thực phẩm vô cùng tốt cho sức khoẻ. Dù không giàu các loại vitamin và khoáng chất nhưng táo lại là một nguồn cung cấp chất xơ và nhiều loại chất chống oxi hoá dồi dào. Nếu ăn một lượng táo vừa đủ, đều đặn mỗi ngày tuỳ theo nhu cầu của cơ thể thì sẽ cải thiện được chức năng tim, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và tiểu đường. Ngoài ra, táo còn cực kỳ hữu dụng cho những người muốn giảm cân.
Táo ta
Hoàn toàn khác biệt với táo “tây”, táo “ta” – nghĩa là táo bản địa của Việt Nam – chỉ có duy nhất một màu xanh. Đây là loài cây ăn quả nhiệt đới nên thích hợp với khí hậu Việt Nam. Tuy nhiên, tuỳ theo thổ nhưỡng từng vùng, chúng có thể cho ra quả có hình dáng và mùi vị khác nhau. Song, về tổng quan, nước ta chỉ có hai loại táo là táo chua và táo đường. Táo chua là giống thuần từ táo dại, quả thon dài, da mỏng, dễ chín và khi chín thì có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ chịu và thơm, hiện nay vẫn được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc. Táo đường là loại táo được ghép gốc, quả tròn, thịt cứng, ăn ngọt nhưng không có mùi thơm. Táo hồng ở các tỉnh miền Tây, táo gió và táo bom Phan Rang là các loại táo đường được trồng phổ biến ở nước ta hiện nay.
Loại táo gió Ninh Thuận.
Táo bom Ninh Thuận.
Táo ta là nguồn vitamin tự nhiên dồi dào cho sức khoẻ con người. Mỗi 100gr táo xanh chứa lượng vitamin C cao gấp 8 lần trong 100gr cam hay quýt. Tuy nhiên, táo ta lại không có nhiều ứng dụng trong ngành thực phẩm mà thường chỉ được dùng tươi. Riêng táo chua thì có thể chờ chín xốp rồi phơi khô, ngâm rượu nhờ mùi thơm đặc trưng của nó.
Đã nhắc rượu táo thì không thể không nói đến táo mèo, đây là một loại táo có nguồn gốc một trăm phần trăm ở Việt Nam, không lẫn vào đâu được và là đặc sản của vùng núi phía Bắc. Tương tự, táo mèo vốn cũng thuộc họ Hoa Hồng nên đúng ra cũng phải được gọi là táo tây, nhưng vì sinh trưởng ở vùng đất của dân tộc Mèo (hay thường gọi là người Mông), được người Mèo hái lượm, sử dụng nên không biết từ lúc nào đã chết với cái tên “táo mèo”.
Táo mèo thật ra là một vị thuốc Bắc vô cùng nổi tiếng, còn gọi là sơn tra. Táo mèo tươi có vỏ xanh, thịt quả rất chắc; khi chín thì thịt xốp hơn, vỏ chuyển sang màu vàng mơ hoặc ửng đỏ, dậy mùi thơm rất ngọt nhưng vị thì không ngọt chút nào. Táo mèo rất chua và chát, do đó không thể ăn sống mà chỉ có thể chế biến – cách tốt nhất là ngâm – để rút được hết mùi thơm ngọt ngào và dược chất của chúng.
Táo mèo chín.
Theo Y học cổ truyền, táo mèo có vị chua ngọt thuộc nhóm tiêu thực hóa tích, giúp dịch vị tăng bài tiết axít mật và pepsin dịch vị, chủ yếu điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều thịt, dầu mỡ, trẻ em bú sữa không tiêu, giúp ăn ngon miệng. Dịch chiết từ táo mèo có tác dụng ức chế trực khuẩn E.Coli, lỵ, bạch hầu, thương hàn, tụ cầu vàng khá mạnh.
Nhiều hơn nữa, nghiên cứu hiện đại cho thấy táo mèo có tác dụng kháng khuẩn, cường tim, làm giãn mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịch, trấn tĩnh an thần, ức chế ngưng tập tiểu cầu, điều chỉnh rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, phòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, viêm cầu thận cấp và mạn tính, hậu sản, ứ trệ, giảm kích thích ruột, tiêu chảy, lỵ.
Do có rất nhiều công năng chữa bệnh, vào mùa lại có sẵn trên cây nên hầu như đến bất kỳ một nhà nào ở vùng Tây Bắc, ta cũng sẽ được mời một… chum rượu táo mèo ở bữa cơm. Có thể người Mèo cũng chưa biết được hiệu quả tuyệt vời của táo mèo, họ chỉ thấy rượu táo mèo thơm ngon hết ý, uống vào không đau đầu, lại dễ ngủ, dễ tiêu cho khẩu phần rất nhiều thịt và nếp ở bữa cơm nên người nọ cứ truyền miệng cho người kia, vô tình đưa rượu táo mèo và giấm táo mèo trở thành một đặc sản “thần thánh” ở vùng rẻo cao này.
Táo tàu
Cuối cùng, lại phải nói đến một loại quả đang gây tranh cãi trong hai năm gần đây, cũng thuộc họ nhà táo ta: táo tàu (jujube).
Táo tàu xanh.
Gọi là táo tàu nên chắc chắn phải được trồng ở bên Tàu (Trung Quốc). Táo tàu tươi hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam, nhưng táo tàu khô thì không ai không biết. Táo tàu khô có hai loại: táo tàu đen (loại vẫn bán ở các tiệm đồ khô và cửa hàng thuốc Bắc) được làm từ quả còn xanh, phơi vài nắng cho dôn dốt rồi sên với đường và các loại thuốc Bắc, sấy khô để giữ được lâu; còn có táo tàu đỏ (hay còn gọi là hồng táo) là quả táo chín khô trên cây từ mùa thu đến mùa đông, rồi được thu hoạch nguyên quả. Có rất nhiều loại táo tàu - loại to nhất gần bằng nắm tay của trẻ sơ sinh, loại bé nhất thì chỉ bằng một đốt ngón tay của người lớn – nhưng đều có một đặc tính là vỏ quả chuyển màu nâu thẫm và ruột xốp lại khi chín.
Một hai năm gần đây, ở Việt Nam rộ lên “mốt” ăn táo tàu tươi vì cho rằng táo tàu tươi là thần dược chữa mất ngủ, đau đầu. Trên thực tế, nếu táo tàu khô có vô vàn ứng dụng trong các toa thuốc Bắc thì táo tàu tươi có chứa hàm lượng Vitamin càng phong phú, nhưng chúng chỉ có từ cuối hè sang thu, không phải lúc nào cũng mua được, hơn nữa ăn nhiều có thể gây tổn hại đến chức năng tiêu hóa. Vì thế, các lương y chuộng hồng táo hơn - tuy hàm lượng Vitamin giảm nhưng hàm lượng sắt lại tăng cao, hơn nữa dinh dưỡng dễ được hấp thu hơn, thích hợp để nấu ăn trị bệnh.
Táo tàu đỏ (còn gọi là hồng táo).
Kết: Thiên nhiên vốn luôn ưu đãi chúng ta; cho dù là táo tây, táo tàu hay táo ta thì bản thân mỗi loại đều có tác dụng tốt với sức khoẻ con người. Người tiêu dùng chỉ cần chú ý chọn các loại hoa quả theo mùa thì sẽ có được món ăn vừa ngon, vừa bổ, rẻ, lại tránh được các loại hoá chất bảo quản.
Chiếc Thìa Vàng