Nguồn thảo dược ở nước ta rất phong phú và đa dạng. Có rất nhiều cây vừa dùng làm thuốc vừa dùng làm thực phẩm. Đôi khi, một thảo dược cũng có nhiều tên gọi khác nhau.
Để tránh nhầm lẫn trong quá trình sử dụng cần thiết có sự phân biệt giữa những thảo dược đó; nhất là khi chúng lại mang những tên giống nhau, hoặc gần giống nhau. Bài viết này xin giới thiệu một số thảo dược mang tên dền.
Dền cơm
Dền cơm chứa nhiều chất bổ, như glucid, protid; vitamin C, B1, B2, vitamin PP, caroten. Ngoài ra, còn có các hợp chất ethylcholesterol, dehydrocholesterol...
Rau dền cơm.
Lá và cành non dền cơm có tác dụng tiêu viêm, giải độc; trị mụn nhọt và lỵ bằng cách nấu canh ăn.
Hạt dền cơm có vị ngọt, tính hàn, tác dụng mát gan, thanh nhiệt, ích khí, sáng mắt. Dùng 20g sắc uống, trị tiểu tiện bí dắt, tiểu đỏ... Ngoài ra, hạt dền còn trị đau mắt có màng mộng: dền cơm và thảo quyết minh (sao đen) mỗi vị 10g, hãm uống ngày 1 thang.
Dền đỏ
Thường dùng vỏ thân làm thuốc. Trong vỏ chứa tanin, alcaloid, saponin, tinh dầu. Vỏ dền đỏ có tác dụng bổ huyết, trị thiếu máu, xanh xao, tiêu hóa kém; trị sốt rét, tương tự như vỏ cây canh ki na. Dùng ngày 12-16g, sắc hoặc ngâm rượu uống.
Rau dền đỏ.
Dền gai
Trong rễ dền gai chứa spinasterol; toàn cây chứa sitosterol, stigmasterol, các acid béo: stearic, oleic, linoleic; lá chứa rutin.
Dền gai có vị hơi ngọt, nhạt, tính hơi lạnh. Dân gian thường dùng nước cốt lá, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp ngoài, khi bị côn trùng cắn, ong đốt, hoặc bị lở ngứa, mụn nhọt. Lá dền gai sắc uống trị sốt, lỵ, viêm phổi.
Rau dền gai.
Chữa lỵ ra máu: rễ dền gai 20g, lá huyết dụ 12g, đều sao vàng; lá trắc bách, cỏ nhọ nồi, mỗi vị 8g; hòe hoa 4g. Lá trắc bách, cỏ nhọ nồi, hoa hòe sao đen. Các vị sắc uống, ngày 3 lần trước bữa ăn 1 giờ.
Chữa khí hư: rễ dền gai 20g, lá bạc thau 16g. Các vị phơi khô, sao vàng, sắc uống, chia 2 lần trong ngày, trước bữa ăn 1 giờ.
Dền tía
Rau dền tái chứa nhiều glucid, protid; nhiều vitamin C, B1, B2, vitamin PP, caroten; nhiều chất khoáng (như Ca, P…); các acid (palmitic, arachidic, oleic) và các hợp chất ergosterol, stigmasterol...
Dền tía có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi tiểu tốt, tăng cường thải độc ra khỏi cơ thể. Nhân dân thường sử dụng lá và cành non dền tía làm rau ăn hàng ngày.
Rau dền tía
Thanh nhiệt, chống táo bón, nhất là những người tuổi cao hoặc táo bón mạn tính: rau dền tía luộc hoặc nấu canh ăn.
Phụ nữ sau sinh có cơ thể nóng, táo bón, háo khát: khoảng 50g lá dền tía, luộc, bỏ bã, lấy nước; thêm 50g gạo nếp, nấu cháo, ăn vài lần trong tuần.
Trị phát ban ở thời kỳ đầu: dền tía 8-10g; sài hồ nam, rau má, cỏ mần trầu, kinh giới, cam thảo nam mỗi thứ 8g, bạc hà 4g. Sắc uống ngày 2-3 lần trước bữa ăn.
Dền trắng
Cũng dùng làm rau ăn và cũng có tác dụng thanh nhiệt, nhất là những người bị háo khát, táo bón.
Rua dền trắng.
* Lưu ý: tránh ăn rau dền kèm với thịt ba ba, hoặc các sản phẩm từ mai ba ba (miết giáp).
Theo GS. Phạm Xuân Sinh/ SK&ĐS