Đến Phan Rang những ngày đầu tháng 4 mới hiểu được hết ý nghĩa câu “gió như phan(g) nắng như rang”: những hồ nước tưới cạn trơ đáy, cỏ cây cháy nắng rốm vàng…
Thế nhưng, bước qua cái nắng rát ấy là những cánh đồng được bao phủ bởi bóng của giàn nho xanh mướt, những chùm nho lúc lỉu chín hườm, những ly mật nho pha đá nồng nàn mát lạnh.
Vườn nho ở Phan Rang. Ảnh: Internet
Đặc tính của nho là trời càng nắng nóng, độ ẩm càng thấp thì trái nho càng kết đường, độ ngọt càng cao, thế nên không vùng nào của Việt Nam mà đất và khí hậu hợp với cây nho như Ninh Thuận, đặc biệt ở các huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Cách trồng nho ở đây cũng khác biệt so với nhiều nơi trên thế giới. Thay vì làm trụ chữ T, nông dân ở Ninh Thuận làm giàn cho cây nho vì muốn cây nho phủ giàn vừa che được mưa vừa tăng thêm sản lượng bởi nhiều cành.
Đa số trái nho ở vùng này dùng để ăn tươi với hai dòng chính là nho đỏ và nho xanh. Mỗi năm có hơn 55.000 tấn nho ăn tươi được bán ra thị trường nhưng việc nhận dạng và cạnh tranh về giá khiến nho Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với nho Trung Quốc. Thực ra, đặc điểm của nho Ninh Thuận rất dễ nhận dạng: trái nhỏ, chắc chùm, màu đậm, vỏ dày, có hạt, vị hơi chát, hậu vị chua rất thanh; khác với loại nho Trung Quốc to trái, chùm rời, màu nhạt, vỏ mỏng, không hạt, vị ngọt gắt và nhất giá rẻ gần bằng một nửa so với nho Ninh Thuận.
Chuyện ăn nho của người Việt cũng có nhiều điều thú vị bởi đa số người Việt thường ăn nho bỏ vỏ bỏ hạt. Đa số không biết rằng vỏ và hạt nho chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và có tính năng phòng chữa bệnh. Trong vỏ ngoài của quả và lớp vỏ mỏng của hạt nho, người ta tìm thấy các chất resveratrol có cấu trúc hóa học tương đồng với hormone estrogen ở người, có tác dụng làm giảm cholesterol, chống oxi hóa và bảo vệ thành mạch máu trong cơ thể. Hạt nho có chứa nhiều chất tannin, nhiều axit linoleic giúp phòng ngừa bệnh về tim mạch.
Đặc biệt, nho còn có tác dụng đào thải chất độc trong cơ thể, giúp gan quét đi lượng độc tố có hại, đồng thời có ích cho quá trình tái tạo máu. Lượng nước, kali cao (có tác dụng lợi tiểu), giàu chất xơ (thúc đẩy quá trình tiêu hóa) làm tăng khả năng thải độc. Vì vậy, nếu có điều kiện, mỗi tuần nên ăn nho một lần để làm sạch cơ thể. Nho là loại quả giàu năng lượng nên rất tốt cho trẻ em, thanh thiếu niên, người chơi thể thao - những người cần nhiều năng lượng.
Ngoài ăn tươi, nho Ninh Thuận còn được dùng để ủ rượu nhưng chỉ mới ở dạng thủ công, quy mô gia đình; quy mô sản xuất công nghiệp hàng loạt chỉ mới manh nha. Khác với nhiều nơi trên thế giới, người ta ủ rượu bằng nho làm rượu, chỉ trồng để sản xuất rượu vang như Cabernet Sauvignon, Merlot hay Chardonnay; rượu nho Ninh Thuận được ủ từ chính loại nho đỏ ăn trái. Nguyên liệu khác biệt là yếu tố chủ đạo khiến rượu nho Ninh Thuận có mùi hương khác biệt các loại vang “mới” như vang Chile hay vang Tây Ban Nha và vị ngọt đậm hơn hẳn các loại vang ngoại. Vì vậy vang nho Ninh Thuận là loại rượu rất dễ uống và phù hợp với phái nữ.
Rượu nho ngâm thủ công. Ảnh: Internet
Từ rất lâu rồi, người nông dân trồng nho đã biết lựa những trái nho chín đem ủ với đường theo tỉ lệ 1kg nho: 0,5kg đường, cứ một lớp nho là một lớp đường phủ lên. Cứ như thế ủ trong hủ thủy tinh, chum, vại trong thời gian vài tháng cho đến nửa năm là dùng được, nếu ủ càng lâu thì rượu càng ngon, càng nồng. Sau thời gian ủ, nông dân sẽ vớt xác nho, lọc cáy để cho ra những ly rượu nho màu đặc trưng và thơm phức. Rượu nho tự ngâm thường cho đá vào để dễ uống hơn, mát hơn. Rượu nho có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe: cải thiện hệ tim mạch và ngăn ngừa bệnh tim, ngăn ngừa ung thư, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và vi rút, đặc biệt rượu nho rất tốt cho phụ nữ giúp chống lão hóa.
Gần giống với rượu nho là mật nho, một sản phẩm có một không hai của vùng đất đầy nắng gió này. Nếu rượu nho được xem là chất men gây say thì mật nho chỉ đơn thuần là thức uống giải khát.
Mật nho là nước giải khát có lợi cho sức khỏe. Ảnh: internet
Nguyên liệu cho một nồi mật nho gồm 10kg nho và 3kg đường. Nho rửa sạch và nhặt sạch cuống, để ráo rồi mới nho cho vào nồi nấu cho nho ra nước. Khi nho chín rục, vớt bỏ bã nho và lọc nước nho qua rây, sang qua nồi khác và cho đường vào. Đường cho theo khẩu vị, có thể thêm đường để mật keo sánh ngọt giữ được lâu hoặc cũng có thể bớt đường để lấy vị chua ngọt hài hoà. Nước nho với đường được ninh trên lửa thật nhỏ trong khoảng 10 - 12 tiếng. Sau khi mật keo và nguội, ta chỉ việc đóng chai cất dùng dần. Đến khi thường thức chỉ cần pha loãng mất với nước lọc, thêm chút nước cốt chanh với đá mà dùng được ngay, vừa đã khát vừa chống mất nước và sảng khoái tinh thần.
Về y học và sức khỏe, mật nho cũng có nhiều tác dụng cụ thể: ngoài giải khát và giúp tinh thần sảng khoái, mật nho còn rất tốt cho thận, ngừa loãng ảxương, chống lão hóa, bệnh tim mạch và ngăn ngừa ung thư. Một công dụng tuyệt vời khác của mật nho là có thể kết hợp với các loại thịt đỏ khi nấu nướng và tạo ra hương vị tuyệt vời. Các món thịt nướng – thay vì ướp với mật ong, ta có thể thay bằng mật nho. Đơn gỉản như sườn bò nướng, khi ướp cùng với mật nho, độ chua còn lại trong mật làm thịt mau mềm hơn, đồng thời sự hoà quyện của các vị mặn – ngọt – chua trong gia vị sẽ cân bằng lẫn nhau và cho ra một hương vị đậm đà khó cưỡng.
Cuối cùng, nói đến nho Ninh Thuận không thể không nhắc đến nho khô, một món ăn chơi nhưng lại có tác dụng tuyệt vời cho sức khoẻ.
Nho khô đỏ cũng là đặc sản của vùng đất đầy nắng gió. Ảnh: Internet
Nho khô Ninh Thuận ra đời từ chuyện giải quyết nho tươi không hết, giá rẻ bèo trong khi nhu cầu nho khô rất cao mà toàn phải nhập nho khô ngoại như Mỹ, Úc. Để tạo sự khác biệt, nho khô Ninh Thuận chọn phương pháp sấy không đường, chọn cách giữ hạt thay vì tách hạt như nho ngoại, bởi trong hạt nho có rất nhiều chất có lợi cho sức khỏe: có chức năng ngừa ung thư, lợi cho tiêu hóa, chống lão hóa, hỗ trợ tim mạch và xương khớp, giảm rối loạn cương dương, hỗ trợ điều trị tiểu đường, hạ huyết áp, giảm cân.
Giá nho Ninh Thuận vào mùa như hiện nay khoảng 50,000 đồng cho một ký nho đỏ và 70,000 cho nho xanh - chỉ bằng ¼ - 1/3 giá nho nhập ngoại trung bình. Thế nhưng những chùm mật ở miền cát nóng này có cạnh tranh lại được các loại nho không hạt trong bếp ăn của người Việt hay không?!
Chiếc Thìa Vàng