Thường rau sắng có giá 150 nghìn đồng/kg nhưng khi khan hàng có thể lên đến hơn 1 triệu/kg và không phải lúc nào muốn ăn cũng có, rau sắng đang trở thành thứ rau đắt nhất của giới sành ăn. Không những ăn ngon, rau sắng còn rất giàu dinh dưỡng.
Chị Mai Anh – Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự chị rất thích ăn rau sắng và thời gian này chị thèm rau sắng nhưng nhờ người ở Hòa Bình mua mà không có và phải chờ đến mùa xuân. Chị Mai Anh kể bình thường chị mua khoảng 150 nghìn đồng/kg nấu được 3 bát canh nhưng đến giờ dù chị muốn mua với giá đắt hơn cũng không có mà mua.
Với những người sành ăn thì rau sắng là rau sạch không sợ thuốc sâu nhưng để mua được rau sắng xịn không phải dễ. Chị Thanh Hồng, Mỹ Đình, Hà Nội tâm sự đợt chị sinh con, chị phải nhờ người quen ở Sơn La đi gom 3 – 4 chợ mới được vài kg rau sắng để dành cho bà đẻ ăn. Rau này mua về không nhúng nước và bỏ vào tủ lạnh để được rất lâu. Chị Hồng kể ăn ngon mà không ngán
Rau sắng hay còn gọi là cây rau ngót rừng, cây mỳ chính, rau ngót quế, đây là loại rau được dùng để nấu canh và còn là bài thuốc chữa trị được nhiều bệnh, mang đến sức khỏe tốt cho con người.
Rau sắng.
Rau sắng (danh pháp hai phần: Melientha suavis) là loại rau với lá non, đọt mầm hoặc chùm hoa lấy từ cây sắng, loại cây thuộc bộ Đàn hương. Khác với đa phần các loại rau trong văn hóa ẩm thực người Việt thường là những loại cây nhỏ, thân bụi, loại thảo, cây sắng là một dạng cây thân gỗ (loại mộc) mọc tự nhiên trên núi. Chủ yếu là những vách đá của núi đá vôi có cao độ khoảng 100 – 200m trở lên so với mặt nước biển ở miền Bắc Việt Nam như Lào Cai, Hà Tây, Lạng Sơn, Quảng Ninh…
Lá, chồi non của cây sắng trông xanh thẫm, óng ả, mỡ màng, có hàm lượng protit và acid amin cao hơn hẳn các loại rau khác. Trong 100g rau sắng có khoảng 6,5 – 8,2g protit, 0,23g lysin, 0,19g methionin, 0,08g tryptophan, 0,25g phenylanalin, 0,45g treonin, 0,22g valin, 0,26g leucin và 0,23g isoleucin, 11,5mg vitamin C, 0,6mg caroten v.v
Khác với rau ngót nhà, rau ngót rừng có vị ngọt hơn và có mùi vị đặc trưng của rau rừng. Rau sắng thường xuất hiện vào mùa hè, và rất đắt có khi lên tới 1.000.000/kg. Tuy nhiên thưởng thức một món canh rau sắng hương vị rừng núi thật không uổng, bởi hương vị thơm ngon khó tả, làm ta lưu luyến mãi khó quên.
Rau sắng không chỉ là món ăn ngon mà còn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhất là đối với phụ nữ mang thai. Từ xưa, các cụ đã coi rau sắng không chỉ là một món ăn thông thường, mà còn có tác dụng chữa dị ứng, chữa đổ mồ hôi trộm, chứng đái dầm ở trẻ em…
Lá rau sắng có vị bùi ngọt, tính mát, rễ vị hơi ngăm đắng. Theo Đông y, lá và rễ rau sắng đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Khi bị nhiệt do bia, rượu, chỉ cần giã khoảng 40g rau sắng chắt lấy nước uống trong khoảng hai ngày sẽ giảm hẳn. Lá rau sắng còn chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc… Rễ rau sắng rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống trong ngày có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp.
Người dân thường dùng rau sắng chữa sót nhau thai cho các sản phụ sau đẻ hoặc sảy thai…
Theo nghiên cứu, trong 100g rau sắng có chứa tới 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 13,5mg mangan, 0,45mg đồng, 85mg vitamin C, 0,033mg B1, 0,88mg B2… Rau sắng rất giàu đạm nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Với những thành phần trên, rau sắng được khuyên dùng cho người muốn giảm cân và người bị tăng huyết áp.
Theo Infonet