Tương ngộ “Miss” sò móng tay!

Thứ ba, 29/11/2016 15:48
0
0
Nếu có cuộc thi “ốc - ác hai mảnh” ngon - đẹp nhằm tôn vinh sản vật Việt, nhóm thân hữu Gò Công chúng tôi sẽ mạnh dạn đề cử con ốc móng tay đại, ở biển Rạch Bùn (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Nổi lên khoảng hai năm nay, khiến không biết bao du khách sành ăn phải chép miệng thườn thượt -  mỗi khi nhung nhớ về nó - trong mùa gió chướng “nhí nhảnh” rong chơi Tây Nam bộ.

Quá ngỡ ngàng

Lần đầu nhìn thấy, anh bạn đồng nghiệp gốc Quảng Ninh chính hiệu, cứ ngỡ “ẻm” là con tu hài. Bởi theo anh, không có con sò móng tay nào mà thân dài gần cả gang tay, thân hình múp míp, bóng mượt, hơi bầu bầu cỡ ngón chân cái người trưởng thành. Đã vậy, nó cứ len lén thè cái lưỡi trắng ngà, mập ú, dài gần hai lóng tay ra ngoài, rồi uốn éo liên tục như kiều nữ Thái múa cột, khi cảm thấy an toàn.


 Giòn ngọt nhớ đời, đoạn lưỡi!

Ôi! Một khối cơ thịt mũm mĩm. Nhìn kỹ mới thấy, lưỡi nó hơi dẹp chứ không tròn. Và điểm đặc biệt nữa, bộ phận này lớn đều, chứ không nhỏ dần như chiếc vòi con tu hài.“Ước gì! Ăn chi bổ nấy!”, anh bạn đi cùng chấp tay nguyện cầu, vẻ mặt khá… gian.

Có thể, khi còn ngoe nguẩy trong lớp cát đen ngầu đục phù sa, nó vốn là “soái ca” một cõi cỡ 5 - 10 mét vuông. Nay sa cơ, hắn đành “cam phận” ra thực đơn, như bao họ hàng hải sản hai mảnh khác: nướng mỡ hành, xào sa tế, chấy tỏi…

Thời may, gặp một đồng nghiệp khác, cảm được “nhan sắc” trời ban của nó. “Đừng lầm lẫn phượng hoàng với gà nước nữa! Hãy sửa soạn cho nó… “tắm” suối (nhúng lẩu) đọt me non!”, anh sốt sắng bày vẽ.

Gặp chị Tẻ, vừa làm chủ vựa cá tôm nước lợ vừa là đầu bếp chính của quán ăn trùng tên, gần bến đò Mỹ Điền (ấp Mỹ Xuân, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cũng là người cầu tiến. Mới rướn (cố vươn) cổ đóng vai… cướp biển xong (vai Thạch Vũ trong trích đoạn cải lương “Tâm Sự Loài Chim Biển” của soạn giả: Yên Lang & Nguyên Thảo), theo yêu cầu của một nhóm khách quen, chị liền quệt mồ hôi trán, nhanh nhảu chạy đi nấu thử món mới...

Khoảng 10 phút sau, nồi canh lá me cách tân mà tối giản (rau gồm nhúm đọt me và hành lá nguyên cọng) đã phì phò khói thơm thanh thoát. Tức thì, bốn con “móng chân Quý Phi” (nặng hơn nửa ký lô) bị… xô vào dòng nước nóng cả trăm độ C. Lúc này, ánh mắt người chủ kiến nhìn chăm chú vào nồi lẩu. Cánh mũi anh ta phập phồng liên tục. Mặt tươi rói. Mắt sáng rực một niềm hy vọng lớn lao!

“Rồi! Ngon ăn rồi!”, tác giả hào hứng tuyên bố. Thời gian chóng vánh cỡ khoảng 4 - 5 phút, bằng một cái trở tay điệu nghệ của một đầu bếp chuyên nghiệp chiên món trứng ốp - la “hơi sống sống”. “Cha mẹ ơi! Một tòa lồ lộ kìa!”, anh chủ quán vốn ít nói cũng phải xuýt xoa.


Khi “cởi” bỏ nửa mảnh áo trắng bạc viền vàng vừa thô kệch vừa tanh tanh mùi nhuyễn thể, thân hình nó mới khêu gợi làm sao! Bay bổng một chút, có thể đặt tên bức tranh vật thực kia là, “nàng” hai mảnh diện…bikini - nude!

Thế nhưng, vẻ đẹp phồn thực ấy, không trường tồn quá 3 phút. Vì có quá nhiều ánh nhìn rạo rực đến nẩy lửa “tia” vào!

 Nhất lưỡi!

Ấn tượng nhất là phần lưỡi. Chu cha ơi! Giòn ngọt đậm như thịt con nghêu tơ biển Tân Thành (đặc sản lừng danh của Gò Công) mùa… chớm yêu, lẫn mềm dẻo lạ lùng. Mình nó béo bùi mê mẩn - phảng phất mùi vị nước luộc hến cồn danh trấn sông Hương. Cộng hưởng cùng chất chua - chát của đọt me, khiến tư vị ấy càng thanh tao – càng len sâu niềm luyến nhớ!.

 “Thôi! Một món là đủ đắm đuối sản vật nước lợ Gò Công rồi!”, anh bạn đất Quảng tuyên bố. Nhưng đâu có dễ! Nào cặp cua gạch son vun mai, gần ký tôm thẻ sông mập mạp bỗng dưng… phóng vào đầy chén du khách. Bao nhiêu đó, cũng đủ thể hiện tấm lòng hiếu khách của dân quê “đức bà” Từ Dụ (Từ Dũ). Mặc dù, đường ruột không được khỏe, nhưng anh vẫn… “cầm lòng” không đặng.

Thật ra, phía biển Cần Giờ, nơi xã đảo Thạnh An cũng có sò móng tay đại sinh sống. Tuy nhiên thịt chúng lạt, có lúc hơi mặn và không mập bằng đồng loại ở biển Rạch Bùn. Có thể, độ mặn nơi biển Thạnh An cao và cũng ít thức ăn khoái khẩu cho con móng tay đại hơn


Nướng mỡ hành. Ảnh: TL

Còn phía bãi bồi cống Rạch Bùn, lại nhiều phù sa hơn. Bởi đây là vùng giáp nước: ngọt - mặn - lợ, nên có nhiều phiêu sinh hơn. Vốn dĩ, cống Rạch Bùn dùng để xả phèn mặn (từ con kênh trùng tên) cho cánh đồng lúa xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) rộng trên 2.000ha thêm tươi tốt, vào mùa mưa. Vô tình, nó đã pha nguồn nước sông Soài Rạp trở nên lờ lợ, kéo dài cả chục km diện tích mặt nước. Đó là đất lành cho họ hàng cá tôm, cua, mực, nhuyễn thể sinh sôi nẩy nở.

Riêng đám móng tay “chà bá lửa” vừa kể, ưa ở độ sâu từ 5 -10 sải tay (khoảng 10 – 15m). Cho nênmuốn bắt chúng, dân chuyên nghiệp phải tranh thủ lặn hụp như rái cá lúc con nước ròng vào mùa nước kém (nước ròng thật sát), khoảng các ngày: Mùng Năm - Mùng Mười, Hai Mươi - Hai Lăm, âm lịch hàng tháng. “Có bao nhiêu, lái lụm hết bấy nhiêu!”, anh Nguyễn Văn Đực, ở ấp Bắc 1 (xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) môi tái xanh, răng đánh bò cạp hơn năm phút mới cởi mở được. Bữa đó, anh “trúng mánh” được 3 ký, bỏ túi gần một triệu đồng. Được biết, tại biển Rạch Bùn, có 4 nông dân mò con móng tay đại “cơm gạo” (chuyên), tầm khoảng cuối tháng Chín -Giêng, Hai âm lịch.

Song, chị Tẻ còn kể thêm: “Mùa nước mặn năm rồi, nó trốn mất tiêu! Ngặt, khách cứ hỏi hoài mới khổ!”. Ấy là dịp cuối tháng 3.2016, đỉnh điểm của trận xâm ngập mặn lịch sử miệt Tây Nam bộ.

Nay nó đã quay trở lại, càng gần gót tháng Chạp – Giêng, lại càng phổng phao.

Đội ơn biển cùng người xứ Gò!

__________

Bài: Tấn Tri

Ảnh: Liễu Đạo - Tấn Tri

(Theo Người Đô Thị)

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG