Thừa Thiên Huế thường được người địa phương gọi đùa là nơi “thừa trời” nên mưa nhiều “thối đất”. Trong cái lạnh cắt da những ngày cuối đông, bát cơm nóng hổi ăn với cá trê đồng nướng mắm gừng, kèm một ít dưa nưa thì không còn gì bằng.
Cá trê đồng
Cá trê là loại cá da trơn thuộc họ cá tia vây, miệng có râu nên gọi là cá mèo (catfish). Cá trê có thể sống trong môi trường khắc nghiệt như ao tù, mương rãnh, nơi có hàm lượng oxygen thấp. Cá ăn tạp, trong tự nhiên cá trê ăn côn trùng, giun ốc, tôm cua, cá...
Hiện nay, cá trê phi đã được nông dân nuôi trồng diện rộng. Nhưng cá trê đồng mới chính là món đặc sản dân dã của những vùng quê ở Thừa Thiên Huế. Cá trê đồng tuy thường nhỏ con, nhưng thịt lại óng vàng, săn chắc và thơm ngon hơn nhiều.
Thịt cá trê rất bổ dưỡng
Theo Bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam, trong 100g thịt cá trê có: cung cấp 178 kcalo; 16.5g chất đạm; 11.9g chất béo; 20mg Ca; 21mg P; 1mg sắt; 0.1mg vitamin B1; 0.04mg B2. 1.4mg vitamin PP…
Hai đặc điểm quý của thịt cá trê: (1) một là chất đạm từ cá dễ tiêu hóa, rất tốt cho cơ thể và (2) hai là chất béo của cá trê cũng có nhiều axít béo omega-3, 6, 9 như các loại cá khác.
Theo y học cổ truyền, cá trê vị cam, tính ôn, có tác dụng ích âm, khai vị, thúc đẩy việc tạo sữa, lợi tiểu, tiêu thũng, bổ huyết. Thịt cá trê giúp tăng cường sinh lực, bổ khí huyết, chữa được đau lưng, mỏi gối, giúp cho tinh thần được thư thái. Đông y cho rằng ăn cá trê thường xuyên còn giúp cải thiện chứng suy giảm tình dục ở nam giới về già.
Trê nướng, mắm gừng, dưa nưa: món “bộ ba” mùa đông ở Huế
Mùa đông mưa nhiều, lạnh cắt da, các bà nội trợ Huế rất “hoàn cảnh” sang tạo ra món cá trê nướng đơn giản, chế biến nhanh và đặc biệt rất ngon, hấp dẫn để ăn với cơm nóng hay lai rai chờ tết về.
Cá trê, mắm gừng, dưa nưa
Nguyên liệu để làm món cá trê nướng khá gồm: cá trê, gừng, ớt đỏ, lá ngò (mùi), chanh, nước mắm, tiêu, tỏi..
Món cá trê nướng được chế biến như sau: (1) Mổ bụng cá, loại bỏ ruột, nội tạng, rửa sạch, ngâm nước để khử mùi tanh sau đó vớt ra chần qua nước nóng cho sạch nhớt rồi ra rổ cho ráo nước, (2) Thấm khô cá trê, dùng dao sắc khứa đều lên hai mặt của thân mình cá trê để gia vị dễ dàng thấm sâu vào cá, (3) Ướp cá với các gia vị sả, riềng, ớt, nước mắm, dầu ăn, bột nghệ… khoảng 30 phút, (4) Tiến hành nướng cá, cho cá trê lên vĩ nướng, kiểm tra cá chín bằng màu sắc và mùi thơm đặc trưng.
Cá trê nướng thường được ăn kèm với các loại dưa muối. Đặc biệt, mùa đông, mùa thu hoặc nưa, các bà nội trợ Huế là thiết lên bàn ăn món dưa nưa để ăn kèm cá nướng và các đệ tử lưu linh không quên thêm ít chất “cay” cho ấm bụng chiều đông.
Đôi điều bàn luận
Thừa Thiên Huế là tỉnh “thừa trời“, mùa đông mưa lụt đến “thối đất“ cũng là mùa thu hoạch chột nưa. Trong cái lạnh cắt da thịt, bát cơm nóng hổi ăn với cá trê đồng nướng kèm một ít dưa nưa thì không thể có gì bằng.
Cần lưu ý, cá trê thường sống ở nước ao bùn, sình lầy nên cũng có thể mang những mầm chứa các loại ấu trùng giun, sán gây bệnh như giun đầu gai, sán lá gan, sán nhái…nếu không nấu chin kỹ cũng có thể lây nhiễm sang con người. Do đó, cần loại bỏ hẳn phần ruột cá và chỉ ăn cá nướng thật chin mới an toàn.
Còn với cá nuôi, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng phải được kiểm soát rõ ràng, dứt khoát hàm lượng tồn dư phải nằm trong mức quy chuẩn cho phép.
——————————
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam
(Theo Dân Trí)