Không cần dùng tay hay thìa, dĩa, đũa, dao… nhưng chúng ta không chỉ có thể thưởng thức một bữa ăn ngọn miệng mà còn có một sự trải nghiệm ẩm thực vô cùng thích thú, lạ mắt.
Đó là sáng kiến của các nhà khoa học Vương quốc Anh, trải nghiệm này có thể đưa chúng ta đến một trào lưu về ẩm thực mới trong tương lai?
Máy phân phối thức ăn trong không trung
Theo đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Sussex đã phối hợp cùng các đồng nghiệp tại trường Đại học Bristol (Anh) đã tạo ra một hệ thống TastyFloads - thực tế nó là một dạng máy phân phối thực phẩm trong không trung giúp thực khách có cảm giác ngon miệng mà không cần dùng tay hay bất cứ dụng cụ trong bữa ăn nào khác, thông qua các sóng âm trên nguyên lý truyền âm thanh.
“Chúng tôi sử dụng nguyên lý truyền âm thanh cho hệ thống TastyFloats. Do đó, các sóng âm sẽ được tạo ra những khoảng trống giữa không trung và chúng ta có thể đặt các món ăn vào đó”, Tiến sĩ Vi Chí Thanh, một nhà nghiên cứu nhiều năm tại Phòng Thí nghiệm máy tính tương tác Sussex (SCHI), thuộc trường Kỹ thuật và Tin học, Đại học Sussex cho biết.
Trong thí nghiệm, Tiến sĩ Thanh đã cho thử nghiệm trên chiếc bánh burger gồm có 5 lớp bánh kèm với rau diếp và thịt bò và thành phần khác cũng không có gì khác lạ so với những chiếc bánh burger thông thường khác. Với hệ thống TastyFloats, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm 3 trong 5 vị cơ bản trong ẩm thực là: vị ngọt, vị của thịt và vị đắng. Qua đó, “chúng tôi phát hiện ra rằng, với thức ăn lơ lửng, vị ngọt thì ngọt hơn, còn vị đắng thì không quá khó chịu như vị đắng thông thường”, Tiến sĩ Thanh cho biết thêm.
Từ thí nghiệm trên cho thấy, công nghệ này có sử dụng sóng siêu âm đứng. Những sóng này sẽ được xử lý như hình âm thanh 3 chiều nhằm tạo ra những hình dạng vô hình để “bẫy” đồ ăn vào giữa không trung. Bằng việc thay đổi các mẫu hình dạng này thức ăn có thể được di chuyển theo sóng âm vì đi theo đến một vị trí rất chính xác. “Chúng tôi rất quan tâm tới việc nghiên cứu tác dụng của TastyFloats, công nghệ mới này đều dựa trên cảm nhận vị giác của thực khách. Những khám phá sơ bộ của chúng tôi đều cho thấy hương vị của các món ăn đều trở nên đậm đà hơn, ngon miệng hơn”.
Ăn mà như chơi game
Trên thực tế, chúng ta đều quen thuộc với sự biến đổi thức ăn trong cơ thể bằng men tiêu hóa sẽ cho chúng ta cảm nhận hương vị của những món ăn. Ngoài ra, hầu hết các đầu bếp hàng đầu trên thế giới cũng đều sử dụng lực từ tính, mà trong đó thức ăn được chế biến chứ không phải thức ăn đang bay trên không trung như công nghệ này. “Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên cho thấy thức ăn, đồ uống có thể bay lên và đưa vào miệng chúng ta. Một không gian trải nghiệm ẩm thực vô cùng thú vị”, Tiến sĩ Thanh khẳng định.
Sáng chế trên của các nhà khoa học của Đại học Sussex và Briston không chỉ kích thích khả năng sáng tạo của các đầu bếp và còn mở ra con đường ý tưởng cho các công ty phát triển công nghệ thực phẩm, thậm chí cả phát triển công nghệ trò chơi. Các thực khách cùng nhau trải nghiệm hương vị, cảm hứng, giải trí từ những món ăn.
Thậm chí, các nhà khoa học còn hứa hẹn công nghệ này có thể được tinh chỉnh đến mức độ cao hơn, trong đó thức ăn sẽ được cung cấp theo thứ tự nhất định, chẳng hạn như phô mai, tiếp sau đó là rượu vang hoặc cùng một lúc cả hai loại đồ ăn trên hay như cà phê espresso với sữa. Trong tương lai, công nghệ này được kỳ vọng làm thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống của chúng ta hiện nay. Ngoài ra, trong bữa ăn chúng ta vẫn có thể kết hợp chơi game với việc dùng bữa.
Theo An ninh thủ đô