Cứ tới mùa mưa là nhớ tới câu thơ “Thu ăn măng trúc…” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Miền
Tây Nam bộ không có mùa thu nhưng có mùa măng vào mùa mưa. Cứ sau mấy trận mưa
đầu mùa là các mụt măng như cọc nhọn đội đất lú lên quanh các bụi tre trong vườn.
Chẳng
mấy chốc, bà nội trợ một bữa đi chợ về tay tòn ten giỏ xách hí hửng reo: “Ngoài
chợ có bán măng”. Ông chồng quở ngay: “Sao không mua”, “Thì đây”. Vậy là cả hai
nuốt nước bọt vì thèm quá sức cái món ăn này. Thèm vì gần nửa năm họ mới “hội
ngộ” loại rau vườn ấy. Vậy là bà biểu ông lột vỏ măng, đưa lõi măng trắng ngà
cho bà xắt ra từng lát ngâm nước lạnh trước khi chế biến thành món ăn cả nhà ưa
thích.
Măng
tươi các loại được nấu thành vài món ăn quen miệng. Trong đó có món canh. Canh
măng tươi thường nấu với đùi, giò hoặc sườn heo, gà, vịt. Tất cả hầm cho mềm,
nêm gia vị vừa ăn, rải hành lá cắt khúc lên cùng một ít tiêu xay. Dọn ra bàn tô
canh nghi ngút bốc hơi cùng mùi vị đặc trưng của măng khiến ai cũng khó lòng rời
đũa.
Ăn
canh măng với cơm sao không thể không nhớ tô bún măng vịt xiêm trong những sáng
đầu ngày lót lòng quán phố. Những sợi bún trắng tươi “no” nước măng mềm mại
trong miệng. Cũng như canh, húp nước măng trong tô bún thấy ấm bụng. Bún dễ
nuốt, càng dễ nuốt hơn nhờ nước mắm gừng ớt bằm hóa giải chất béo thấm đẫm
trong thịt vịt xiêm.
Măng
tươi còn được người ta dùng trong món xào với thịt ba rọi hoặc thịt bò xắt lát,
cả hai đều đem lại cảm giác ngon khác biệt. Thịt ba rọi hoặc thịt bò xào sơ
trên bếp lửa nóng rồi xúc ra dĩa. Cho dầu ăn vào chảo. Chảo nóng cho măng vào.
Xào đến khi thấy măng hơi mềm thì cho thịt ba rọi hoặc thịt bò vào. Trước khi
xúc ra dĩa thì cho vài tép tỏi đập giập cùng một ít khúc hành lá vào. Dĩa măng
xào nóng hổi dọn ra bàn, gắp chấm vào chén nước mắm hoặc dĩa nước tương nổi lềnh
bềnh những lát ớt sừng hoặc ớt hiểm đỏ tươi, chưa ăn đã… thèm con mắt! Khi
đưa vô miệng nhai, cảm nhận vị đắng của măng thoảng tan trong vị ngọt của thịt
cùng vị mặn của nước chấm hòa trong vị cay xé lưỡi của những lát ớt pha. Măng
tươi xào như vậy đã ngon nhưng còn ngon hơn nữa khi dùng măng chua để làm
món này. Bởi vị chua của măng đánh tan vị béo của đạm động vật.
Tô canh măng hầm đùi heo với mùi vị đặc trưng hấp dẫn nhiều người.
Măng
đầu mùa ngon đã đành, nhưng không thể sánh bằng măng giữa mùa. Đó là lúc măng rộ,
rẻ. Ra chợ, người phụ nữ nào cũng mê mẩn những mụt măng nằm chồng lên nhau. Đó
là những mụt măng tre nhỏ. Nhưng ham không kể xiết là khi du lịch núi Cấm (An Hảo,
Tịnh Biên, An Giang) tận mắt chứng kiến những “núi măng” chờ xếp lên xe hàng
để chuyển đi khắp nơi. Măng rẻ tới bất ngờ. Có năm chỉ hơn hai ngàn đồng một
ký. Bên cạnh măng tươi nơi đây còn bán măng chua đựng trong keo nhựa. Măng núi
Cấm toàn măng mạnh tông, mụt nào như mụt nấy xách nặng trĩu tay. Người biết ăn
măng thường lựa những mụt “cong ngà voi” vì nó cho nhiều măng hơn những mụt thẳng.
“Thu
ăn măng trúc” là món ngon phổ biến đất Bắc. Miền Tây không có măng trúc, nhưng
có măng tầm vông (cũng họ trúc). Đi vùng Thất Sơn, nhất là khu vực Tri Tôn (An
Giang), xe chạy qua các con đường hai bên bạt ngàn những tầm vông là tầm vông
xanh ngút ngát, cảnh quan vô cùng ngoạn mục, cứ như hòa lẫn vào không gian bộ
phim Thập diện mai phục của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu.
Mùa
mưa, bụi tầm vông nào cũng nhú lên những mụt măng. Nhỏ thôi nhưng khó ai được
“rớ” tới vì người ta trồng lấy cây bán có tiền nhiều hơn bán măng. Cho nên hãn
hữu lắm, là người vô cùng quan trọng hoặc rất thân thích mới được chủ nhân
chít măng nấu vài món ngon nhớ đời. Nhớ đời vì nó ngọt đắng, giòn tan trong miệng.
Lại càng ngon hơn khi ngoài trời lắc rắc phủ bụi mưa, còn mình thì ngồi
trong nhà thưởng thức măng với ly rượu đế sủi tăm ấm bụng.
Ăn
măng nhiều người thích vị đắng của nó khi đọng lại ở cổ dần trở nên ngòn
ngọt. Tuy nhiên, ăn măng không đúng cách sẽ hết sức nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến
sức khỏe và có thể gây ngộ độc. Những người thích ăn măng chỉ rằng phải luộc
măng thật kỹ, thay nước nhiều lần khi luộc, ngâm măng trong nước sạch trước khi
chế biến món ăn.
Theo Phù Sa
Lộc/ SGTT