Lâu nay, rêu đá được xem là loại thủy sinh không nhiều tác dụng nhưng đối với người dân tộc Tây Bắc thì đây được xem là đặc sản trong ẩm thực và là bí quyết sống thọ của họ.
Với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang, tỉnh Hà Giang, các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon vừa bổ, lại có hương vị rất riêng. Những cây rêu mọc trên các mỏm đá ở con suối đang là món ăn đặc sản của người miền xuôi và là "thần dược" tăng tuổi thọ của người dân vùng rẻo cao
Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều lại vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt, sau đó có thể chế biến thành nhiều món. Bí quyết sức khỏe và sự minh mẫn của người miền cao là nhờ thường xuyên ăn món rêu đá
Rêu suối tuy nhiều nhưng những loại ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây, rêu cũng là một món ăn quý; có thể được chế biến thành nhiều món như rêu chiên, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món rêu trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.
Những người dân ở đây chia sẻ bí quyết để có món rêu ngon: “Sau khi xé tơi rêu ra rồi thái nhỏ. Gia vị gồm có sả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ và có thể thêm 1-2 hạt dổi vào cho thơm cùng với muối, mì chính; tùy khẩu vị của gia đình. Sau đó trộn tất cả lại cho đều, tiếp đến cho vào lá gói và đem nướng trên bếp than”.
Người Tày thường có câu: "Quẹ chí áp, táp chí hơ", có nghĩa là nướng quẹ phải đặt áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín. Khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.
Rêu đá nướng là món đặc sản dành cho những người sành ăn
Rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Với người Thái, rêu là loại thực phẩm quý, là món quà trời ban, hái rêu trở thành nét đẹp trong cuộc sống cộng đồng. Những ngày rỗi việc, phụ nữ trong bản rủ nhau ra suối hái rêu, khung cảnh tấp nập, đông vui, mọi người đều cố gắng hái thật nhiều. Sau khi hái rêu về, họ tỉ mỉ cho rêu lên mặt phẳng và đập cho hết tạp chất, hết mùi tanh và nhặt hết sạn đi. Công việc khá tốn thời gian và cầu kì. Sau, rêu được cắt thành từng đoạn ngắn vài phân, để tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Công đoạn sơ chế rêu khá kì công, do đó, người Thái xem đó như là thước đo tình yêu thương của người phụ nữ dành cho gia đình, cũng như đánh giá sự khéo léo của người vợ, người mẹ trong nhà.
Nộm rêu cũng là một món ăn ấn tượng. Cách nêm gia vị và trộn rêu cùng các loại rau rừng, đặc biệt là ướp cùng mắc khén, tạo ra sự hài hòa đến kì lạ, sự đan xen vị ấm nóng của mắc khén, ớt tỏi, vị ngọt mát của rêu, làm cho vị giác cứ mê mẩn.
Canh rêu tươi
Canh rêu tươi, một món ăn có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Rêu được nấu cùng nước thịt luộc, nêm gia vị, gừng, ớt bột, mắc khén. Nếm thử một miếng rêu nóng hỏi đượm mùi thơm của thảo mộc dễ chịu, lại say sưa với cái sần sật nhẹ nhẹ, vị cay nóng thơm lừng của gia vị chạm vào đầu lưỡi rồi chuyển sang vị ngọt nhẹ của rêu, khiến cho cảm giác được trải qua nhiều cung bậc. Món ăn từ rêu không những cuốn hút mà còn có tác dụng thanh độc, giải nhiệt rất tốt.
Đỗ Thảo
(Theo Lao Động)