Khi thứ mùi của các gia vị tỏa khắp những hành lang và thấm đẫm những bức tường, chúng đánh thức ngay cả những tổ tiên của chúng tôi cùng khát khao vô tận của họ ghi nhớ mọi điều và cùng nhau, chúng tôi tận hưởng bữa tiệc của tất cả những linh hồn.
Tôi không còn nhớ lần đầu tôi ăn phở mẹ nấu là khi nào. Một phần vì khi đó tôi không biết đấy là phở. Lúc bấy giờ, phở còn là món dân Ý chưa biết và bị gọi sai bằng tiếng Pháp là soup chinoise ("xúp Trung Quốc" - điều mà sau này thật may là chúng tôi đã sửa lại cho đúng). Với chúng tôi, đó luôn chỉ đơn giản là món xúp bánh phở thịt bò của mẹ, một cái tô lớn của ký ức về những ký ức, những ảo ảnh mơ hồ xa xưa tan biến cùng với làn khói bốc lên ngay trước mắt tôi.
Cùng với món cơm chiên và thịt kho của mẹ, đấy là những món ăn tôi thấy thật gần gũi về hương vị, nhưng lại xa lạ làm sao trên đầu lưỡi. Lớn lên ở một hòn đảo Ý, những mối liên hệ văn hóa và máu mủ của tôi với Việt Nam đã hao mòn dần như thể những mối liên hệ đó chỉ còn thuộc về một hội đoàn cấp cao riêng biệt, và tôi trải nghiệm những bữa ăn Việt Nam ở nhà như những nghi lễ dành riêng cho các thành viên của hội đoàn đó.
Tình yêu ẩm thực đã luôn là một cội nguồn mang tới sự sáng tỏ giữa những bản sắc cá nhân liên quốc gia hỗn loạn của gia đình và xuất thân của tôi. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi anh trai tôi sau này trở thành bếp trưởng. Cứ mỗi ngôn ngữ mất đi sau một thế hệ, chúng tôi có một công thức nấu ăn được truyền lại để xây tiếp cây cầu đấy.
Tôi từng nghĩ những công thức nấu ăn của chúng tôi là một phần của những chuyện kể trong gia đình. Tôi đã lầm vì chúng không chỉ là một phần của những câu chuyện, chúng lưu giữ và che chở cho ký ức chung của chúng tôi, cả những gì ghi nhớ trong trái tim và những gì tưởng tượng ra bằng tâm hồn.
Và không món ăn nào lưu giữ ký ức về ông ngoại người Việt Nam mà tôi chưa bao giờ gặp và cả những tổ tiên trước ông nữa, như món phở và sự đơn giản đầy hào quang của nó. Không món ăn nào có thể đánh thức những giác quan với một sức mạnh như thế, và chữa lành nỗi sầu đau với sự dịu dàng như thế. Càng mất nhiều thời gian chuẩn bị, câu chuyện về nó lại càng sống động.
Những miếng thịt gần như còn sống cuộn vào trong xoắn xuýt những sợi phở không đầu không cuối gợi lại cho chúng tôi sức nặng của khoảng cách địa lý và lịch sử, trong khi vũ điệu lả lướt do làn khói bốc lên từ tô phở ánh xạ niềm vui dịu nhẹ của chúng tôi được ở cạnh bên nhau.
Phở vừa là ký ức, vừa là sự an ủi cho ký ức. Đó từng là những thời khắc dài nhất mà chúng tôi nhớ lại gốc gác của mình, đồng thời là một khoảnh khắc thoáng qua của một món ngon thích thú.
Thật dễ hiểu vì sao một số ký ức cảm giác lại lâu bền như thế, bất chấp thời gian. Dù đó là giai điệu cất lên khi bạn lần đầu gặp tình yêu của đời mình, thứ mùi trở lại khi mỗi mùa mới sang, hay hương vị như trái cấm của những trái cây hái trộm từ nhà hàng xóm của thời thơ ấu.
Những thứ khác kích động ký ức lại khó hiểu hơn. Chúng cũng lôi tuột chúng ta trở lại quá khứ, nhưng chủ yếu là về một nơi đôi khi có thể cảm nhận được bằng giác quan rõ ràng, khi khác lại như vô hình vô dạng.
Chẳng hạn như mùi đất ẩm ướt rất hay gợi niềm hoài hương. Tại sao mùi đất ẩm ở một khu ngoại ô vô danh trên nước Mỹ này lại mang tôi trở về với hòn đảo Địa Trung Hải yêu dấu thời thơ ấu của tôi, rồi tôi lại nhận ra cái mùi đó nhiều năm sau nữa ở một vùng quê xa vắng Việt Nam?
Đó là niềm hoài hương chỉ những ai xa nhà mới hiểu, nhưng không ai giải thích được.
Chuyển sang Mỹ được hai mươi năm là một bước ngoặt với gian bếp của chúng tôi. Hồi còn ở Ý, chúng tôi chỉ có thể có nước mắm từ một người có quan hệ với một căn cứ NATO.
Chuyến đi đó mất nhiều giờ và chúng tôi luôn đợi ông ấy quay về trong sự hồi hộp đón chờ. Khi nhận được nó, mẹ và tôi sẽ chỉ ăn cơm trắng với nước mắm suốt nhiều ngày liền. Chúng tôi biết ăn thế thì không phải cách, nhưng chúng tôi không quan tâm.
Rồi ngày đặc biệt đó tới, khi mẹ làm món phở bò của bà. Bữa tối hôm đó kéo dài như một cơn mơ vô tận, bắt đầu với việc thả thanh quế đầu tiên vào nồi nước dùng đang sôi lăn tăn sẽ nhanh chóng khiến mùi hương lan ra khắp nhà.
Khi thứ mùi của các gia vị tỏa khắp những hành lang và thấm đẫm những bức tường, chúng đánh thức ngay cả những tổ tiên của chúng tôi cùng khát khao vô tận của họ ghi nhớ mọi điều và cùng nhau, chúng tôi tận hưởng bữa tiệc của tất cả những linh hồn.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi ăn phở ở Mỹ. Lúc đấy là ở California với Pat, một người bạn đáng mến từ Lào. Sứ mệnh ăn nhiều, ăn no của dân Mỹ đã chà đạp lên lòng khao khát thi ca của những giác quan và tôi thấy bối rối, như thể là bị dọa nạt, trước tô phở khổng lồ đó.
Ở đó, tôi không thể nhận ra tô phở Việt Nam khiêm tốn của mẹ tôi. Sự nhấn mạnh vào số lượng thay vì sự cân bằng khiến việc chinh phục tô phở bản thân nó trở thành một mục tiêu và làm tôi mất đi những ký ức lẽ ra nó có thể mang về.
Nước Mỹ có cách thức đánh đổi những ký ức về ký ức lấy lời hứa hẹn về những giấc mơ nhân tạo và những tương lai diệu kỳ làm ra từ sự thừa mứa và kỳ vọng. Không hề có sự cứu chuộc nào với quá khứ Mỹ, bởi thế mọi thứ đều được đánh cược vào tương lai tự đại nhất mà ta có thể tưởng tượng ra.
Một tô phở là một trải nghiệm về sự thừa mứa và một bài học về những kỳ vọng, dù vậy vẫn là một chỉ dẫn nói lên nhiều điều và tôi phải nói thêm ngon lành theo kiểu của nó.
Dần dần tôi học được cách xây dựng một mối quan hệ với phở California, hay phở Cali và học cách nhận ra những cội rễ của nó chia sẻ với món phở bò của mẹ tôi.
Trong những năm tiếp đó, dù ở Little Saigon tại San Francisco hay khu Phố Tàu ở New York, chiếc bát đầy những ký ức về mùi đất đó vẫn giúp tôi hàn gắn nhiều đau khổ, hậu quả của những nỗi thất vọng lớn nhất trong đời.
Lần đầu tiên tôi ăn phở ở Việt Nam là khi đang ở cùng em gái nuôi, Tô Thị Anh Thư. Gia đình em không chỉ làm tôi mê hoặc với hương vị Việt Nam, họ đã luôn là gia đình tôi mỗi khi tôi xa nhà và phở là một trong nhiều nghi lễ tôi có may mắn được chia sẻ.
Đó là khi cuối cùng tôi được trải nghiệm món nước dùng với tất cả tính chân thực và sự kỳ ảo của nó. Đó cũng là khi món phở của mẹ tôi và phở nói chung trở thành một.
Anh Thư là người đã dạy tôi về những loại bún, mì, phở... của Việt Nam và một triết lý bắt cặp mà tôi thấy sao giống với các kiểu mì Ý như vậy, mỗi loại tương thích với một kiểu nước chấm hay nước dùng cụ thể; một trong rất nhiều điểm tương đồng của ẩm thực Ý và Việt Nam, một số điều khác có thể kể ra là sự cân bằng về mùi vị, sự đơn giản và các loại rau thơm tươi.
Lần đầu tôi ăn phở ở Hà Nội là với một người bạn đáng mến khác, Đạt. Chiếc bát nóng ấm, nghi ngút khói đầy những ký ức ấy mang tới hơi ấm cho tôi trong một ngày đông thuộc loại rét mướt nhất của Hà Nội và giúp trái tim tôi ấm áp lại.
Đạt từng là, và vẫn là, người thầy dạy cho tôi rất nhiều thứ về Việt Nam và hơn thế nữa. Giống như với Anh Thư, tình bạn của chúng tôi làm phong phú thêm cho cả tâm trí và trái tim qua những hành trình ẩm thực vô tận
Lần đầu tôi ăn phở Hà Nội là với những chiếc quẩy rán giòn rất ngon. Điều mà phở Hà Nội thiếu, màu xanh và sự dung dị của miền Nam, thì nó bù đắp bằng thứ nước dùng tuyệt diệu với vẻ ngoài trong vắt dễ gây hiểu lầm.
Tôi nói dễ gây hiểu lầm vì trong thứ nước dùng đó là sự cân bằng hoàn hảo mùi vị và những hương thơm tỏa ra đúng lúc đến hoàn hảo ẩn giấu bên dưới.
Sự quen thuộc của tôi với phở được ghi dấu bởi những khoảnh khắc yêu mến tuyệt vời cùng bạn bè và người thân, từ món phở bò của mẹ tôi tới phở Cali cùng cả hai phiên bản Nam và Bắc với những người bạn Việt Nam, không món nào khiến tôi thấy thoải mái, kết nối, kích thích tôi khám phá cội nguồn của mình và thúc đẩy tôi tìm kiếm sự chân thực của ẩm thực như phở.
Trong chiếc bát đó có những ký ức về ký ức, mà nhờ nó tôi tìm thấy quá khứ của mình và đón nhận hành trình mới của tôi bên cạnh bao nhiêu điều thân thương khác về Việt Nam sẽ mãi mãi lưu giữ trong tôi.
Theo TTO