“Nguồn lợi hải sản nước sâu khác nào báu vật trời cho, mình không biết giữ cho mình, sao nỡ...”, tiếng than của Lê Trọng Hoàng - chủ vựa hải sản miền Trung ở quận 1, TP.HCM, làm cho dĩa mực ống Phan Rang hấp gừng thơm phức bỗng đắng “ngang xương”!
Hối hả
Bà Nguyễn Thị Quỳnh, ở quận 2, TP.HCM, vui vẻ cầm gần 4 triệu đồng trả tiền cá cho em nhân viên giao hàng từ vựa của anh Hoàng. “Khỏi thối! Tranh thủ ăn đặc sản giá gốc, lỡ mai mốt... không còn gì để ăn!”, bà vỗ vai em nhân viên quen, thố lộ như đang nói với người nhà.
Vốn thuộc hàng đại gia trong giới kinh doanh rạp chiếu phim giường nằm, bà Quỳnh không hề nhát tay trong khoản chi tiền hợp lý. “ Giống cá hồng phèn câu biển Ninh Thuận - bợ mỏi tay (11kg) - năm thuở mười thì mới có. Đủ mở đại tiệc xôm tụ, đãi cả hai chục khách quan trọng. Bao tươi, lạ miệng và no cứng bụng! Rẻ chán!”, anh Hoàng nheo mắt.
Người viết từng nếm qua khứa cá hồng thuộc hàng “đệ” con cá kia, nặng cỡ 7kg, cũng hàng Phan Rang, ấn tượng thật khó phai. Phải ngâm thịt cá xắt hình con cờ trong nồi lẩu ngọt sôi sùng sục khoảng 15 phút, da cá mới nở bung. Trông nó trắng tươi - điểm hồng ở ngoài cùng, uốn lượn, cong cớn mà quyến rũ hơn những vách ngăn nơi sáp tổ ong.
Dư âm giòn giòn, sần sật lẫn beo béo còn đọng mãi! Ngộ hơn, thịt cá ngọt bùi nhưng nghe không ra mùi cá biển. Người nói, nó giống thịt heo cỏ hơn, kẻ bảo na ná miếng bít tết. Riêng tôi cảm nhận, dường như nó dung hợp cả hai mùi vị đó.
Những con cá cờ kiếm nặng gần 200kg rồi đây sẽ trầm nơi mô?
Nhớ bữa ăn trưa nhà quê kiểu miền Trung, lấy con cá nục thuôn làm chủ đạo ở quán Đo Đo, ông chủ quán phân trần: “Hàng họ” chủ yếu lấy từ chợ Bà Hoa (quận Tân Bình). Cá mắm xứ Quảng còn ngon lành lắm! An tâm đi!”. Đợi ông quay đi, một sư phụ ngồi cạnh rỉ tai: “Tao thề với mày, cá nục cơm Vạn Giã (Nha Trang), nục đuôi đỏ xứ xương rồng (Ninh Thuận) ăn đứt mấy con nục này!”.
Chuyện ngon nhất hay ngon nhì, có bàn tới giao thừa cũng chẳng đồng thuận được. Bởi căn bản, lưỡi anh khác lưỡi chị; chưa kể khẩu vị vùng miền với khoảng trời tuổi thơ nơi mỗi người thường so le nhau. Mặc dù vậy, thằng tôi cùng vài người bạn miền Trung biết ăn khác, cứ ngưỡng mộ con nục đuôi đỏ Ninh Thuận.
Có con cỡ cổ tay người lớn, dài gần gang rưỡi, nặng hơn nửa ký, mình tròn lẳn tựa con nục chuối, trố đôi mắt đen tròn với lấp lánh ánh đỏ hồng nơi chót vây đuôi, như cố làm duyên lần cuối. Mình cá xanh đen, còn ướt nhớt - chứng tỏ khâu bảo quản, vận chuyển rất cẩn thận.
Mấy chủ cửa hàng cá Ninh Thuận, tại TP.HCM như đang ngồi trên lửa!
Nguồn hàng như thế, anh Hoàng “không chịu nổi” với chị Thanh Mai, chủ cửa hàng tiện lợi Sunny Farm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, đoạn gần hồ bơi Hải quân. Dòng nục mỡ này, mang kho măng hay kho tiêu hoặc chiên sả ớt đều hao cơm tốn bún!
Chị Thanh Mai cho biết, các mặt hàng hải sản theo mùa ở đây (cá nục, cá thu, cá trầm bì, cá nhái, mực ống...) được đánh bắt trong ngày. Hơn hai năm nay, nhiều chủ thuyền thúng, ghe câu...của ngư dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận trở thành đối tác của chị. Nhờ mua tận gốc bán tận ngọn, giá cá tôm ở cửa hàng này thường thấp hơn các hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM 10 -17%.
Rối bời
Kỹ sư hải sản Trần Văn Nhuần, gốc Nha Trang cho biết vùng biển sâu của nước ta kéo dài từ Phan Rang đến Thanh Hóa. Còn được gọi là vùng duyên hải hẹp, thường dựa vào vách núi và không có sông lớn đổ ra nên vùng biển này có độ mặn cao quanh năm: 30 - 35 phần ngàn. Nhờ vậy, thịt cá tôm luôn săn chắc, ngọt đậm đặc trưng. Chẳng hạn, nói về mực ngon “đáng nể” phải kể biển Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình.
Còn nhắc tới ghẹ ăn là ghiền, nên lội ngược từ Sông Cầu (Phú Yên) về La Gi (Bình Thuận). Hay kể tới ốc hương, vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận) là số một... Bởi vậy, những nhà hàng Nhật uy tín ở TP.HCM thường chọn cá bò gù (cá ngừ đại dương), tôm sú biển miền Trung làm món sushi chứ không chịu đặt hàng phía biển Hà Tiên, Phú Quốc, dù chênh lệnh giá gấp đôi. Tất nhiên, một mai, lỡ sự cố Formosa tái diễn thì cá tôm tầng nào cũng ngủm!
Nghe râm ran dự đoán thảm cảnh bầy cá tôm biển quê mình sẽ trầm luân nếu biển bốc mùi, chị Nguyễn Thị Vân, gốc Phú Yên, chủ một quán hải sản bình dân trên đường Nguyễn Xí, thuộc phường 26, quận Bình Thạnh hốt hoảng: “Tôi phải gọi điện gấp về quê hối bà già ráng “nhỉ” (ủ) thêm chục lu nước mắm cơm than để dành”. Từ bốn năm nay, quán ăn nhỏ của chị khá đắt khách, nguồn hải sản tươi mới từ biển Tuy Hòa “tiếp tế” hàng đêm vào bến xe Miền Đông, do người nhà chị mua gửi vào.
Mai này danh mực Phú Yên dạt về đâu?
Còn anh Hoàng buồn bã tâm sự: “Đợt “biển chết” vừa rồi, tôi chạy xuống miền Tây lấy hàng cá đồng, cá đuối Bình Đại, cá khoai Trà Vinh... lên cho khách mối ăn đỡ. Được ba - bốn ngày, có người đã than: thèm cá biển sâu muốn chết! Vắng hoe! Nay có gió lại, túi bụi mổ xẻ, tẩm ướp... tới tám - chín giờ tối. Tôi dám chắc, nếu biển Cà Ná... “băng hà”, thì xì tới Cần Giờ luôn! Đường cùng, chắc tôi phải quay sang bán cá kèo chay!”
Trước đó, ông xã chị Thanh Mai phấn chấn chia sẻ dự định mở thêm vài cửa hàng nữa, rải khắp các quận trung tâm Sài Gòn và vùng ven, và vẫn “lấy đường dẫn” là cá biển tươi Ninh Hải. Nay, phải khựng lại để nghe ngóng thêm và vắt óc “binh” phương án B!
Bài: Tạ Tri - Ảnh: Hoàng Tuấn - Tấn Tới
(Theo Người Đô Thị)