Người dân các nước nói gì trước mỗi bữa ăn?
Thứ năm, 21/02/2019 10:52
Đối với nhiều dân tộc, việc nói những lời hay ý đẹp trước bữa ăn là điều không thể thiếu để bày tỏ sự trân trọng với thức ăn cũng như sự quan tâm đến mọi người trong bữa ăn.
Ăn uống là việc hằng ngày diễn ra, nhưng cũng chính vì thế mà nhiều người trong số chúng ta thường bỏ qua hoặc xem nhẹ các "nghi thức" xoay quanh việc ăn uống. Tuy nhiên, việc nói những lời hay ý đẹp trước mỗi bữa ăn - cho dù chỉ là một câu nói tỏ lòng biết ơn, hoặc một lời mời đối với những người cùng ăn - cũng là một nét đẹp văn hoá đầy ý nghĩa. Nhiều dân tộc đều có một hoặc vài câu nói như vậy, và phần lớn họ sẽ nói như một thói quen không thể thiếu trước mỗi bữa ăn. Hãy cùng chúng mình khám phá qua những câu nói trước khi ăn phổ biến của người dân các nước nhé!
Nhật Bản
Có lẽ nhiều người biết đến câu “itadakimasu” (いただきます), nhưng hiếm ai biết rõ nghĩa thật của nó. Nhiều người cho rằng câu này chỉ đơn giản là chúc ngon miệng, hoặc cảm ơn vì bữa ăn, nhưng ý nghĩa thật sự của nó là "tôi nhận nhé" hay "tôi xin ạ", đây là câu nói khi bạn nhận lấy một thứ gì đó. Câu nói này bày tỏ ý biết ơn với việc nhận được món ăn từ người nấu, từ thiên nhiên và rộng hơn là vũ trụ. Đối với người Nhật thì thức ăn là điều hết sức trân quý, cho nên trước khi ăn họ đều phải "xin ạ" để thể hiện sự biết ơn.
Pháp
"Bon Appétit" là câu nói thường nghe thấy ở những nước phương Tây, nhất là Mỹ, Pháp hoặc Canada. Khác với “itadakimasu” thì câu này không phải hướng đến vạn vật chung chung để bày tỏ lòng biết ơn, mà là hướng đến một ai đó đang sắp ăn gì đấy. "Bon Appétit" có nghĩa là "khẩu vị tốt", có ý nghĩa chúc người sắp ăn có thể tận hưởng món ăn một cách triệt để nhất. Và thường thì người nhận được câu này sẽ đáp lại "bạn cũng vậy". Việc chúc nhau ăn ngon trước khi nhấc muỗng là văn hoá ăn sâu vào tâm thức của người Pháp, hầu như ai khi đi ăn cùng với người khác cũng sẽ nói câu này.
Ai-len
Ở Ai-len, hai mẫu câu thường gặp nhất là "Bain sult as" và "Go ndéana maith duit". "Bain sult as" dịch ra sát nghĩa là "hãy lấy niềm vui từ việc này" và "Go ndéana maith duit" có nghĩa "mong là (bữa ăn này) sẽ mang đến điều tốt lành cho bạn". Hai câu này thường được hướng đến những người có mặt trong bữa ăn. Người Ai-len cho rằng ăn uống là một việc không chỉ để no bụng mà còn là một việc mà mọi người nên tận hưởng, một việc đáng để cảm thấy vui vẻ khi làm.
Thổ Nhĩ Kỳ
Người Thổ Nhĩ Kỳ thường nói "Afiyet olsun" trước mỗi bữa ăn và nó có nghĩa là "mong rằng sức khoẻ/phước lành sẽ đến với bạn" với mong muốn rằng người ăn sẽ lấy được lợi ích từ món ăn ấy.
Việt Nam
Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng người Việt không có thói quen nói câu gì trước khi ăn, nhưng thực ra là có, chỉ là chúng ta không nhận ra. Mâm cơm gia đình Việt Nam là một nét văn hoá thân thương và gần gũi, bởi vì người Việt Nam đa phần vẫn sống cùng gia đình ngay cả khi trưởng thành. Vì thế mà nhiều mâm cơm của người Việt bao gồm các thành viên của hai đến ba thế hệ như ông bà, cha mẹ, con cái và thậm chí là cháu chắt... Chính vì vậy, những đứa trẻ Việt Nam từ lúc còn bé đã được dạy rằng trước khi động đũa phải khoanh tay "mời cả nhà xơi" đã. Thậm chí, trên bàn tiệc, chúng ta vẫn hay có thói quen mời những người lớn tuổi hơn ăn trước khi động đũa, và đây là một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Theo Tri thức trẻ