Các nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy rằng: màu sắc, hình dáng, kết cấu và thậm chí khối lượng của chén đĩa cũng có thể làm gia tăng đáng kể việc cảm nhận về hương vị của món ăn.
Từ những quan sát về các yếu tố góp phần làm ảnh hưởng đến quá trình trải nghiệm ăn uống của con người, giáo sư Charles Spence - một nhà tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Oxford - đã nhận ra rằng chính màu sắc, hình dáng, kết cấu và thậm chí khối lượng của chén đĩa cũng có thể làm gia tăng đáng kể việc cảm nhận về hương vị của món ăn.
Giáo sư Charles Spence - cho biết: “Não bộ điều khiển cách mà gai lưỡi cảm nhận thức ăn. Các thí nghiệm đều chỉ ra rằng, bắp rang đựng trong một chiếc tô màu xanh khi ăn sẽ mang vị mặn hơn khi chúng được đựng trong một chiếc tô màu trắng. Điều tương tự cũng xảy ra với hình dáng, một chiếc đĩa góc cạnh và bất đối xứng có thể khiến món ăn có vị chua nhiều hơn so với đĩa tròn. Việc tạo ra những bộ sản phẩm ứng dụng các nguyên lý khoa học trên vào ẩm thực là một trải nghiệm đầy thách thức và hết sức thú vị. Đó còn là cơ hội để chúng ta xem xét những khả năng đưa vật lý vào ẩm thực và thiết kế chén đĩa trong tương lai.”
Lấy cảm hứng từ những nghiên cứu đột phá do giáo sư Charles Spence đã thực hiện ở trên, nghệ nhân Reiko Kaneko đã hợp tác với một thương hiệu sản xuất đồ gia dụng để cho ra đời một bộ sưu tập đồ sứ chuyên dụng được cho là có thể đánh lừa tín hiệu não bộ để người dùng cảm nhận được món ăn tròn vị hơn. Bộ sản phẩm này được xem là một phần không thể thiếu với các tín đồ ẩm thực.
Bộ sản phẩm do nghệ nhân Reiko Kaneko thiết kế. Ảnh nguồn: tablewareinternational.com
Bộ sưu tập độc đáo này gồm ba sản phẩm với thiết kế đặc biệt hướng đến việc tối ưu hoá vị ngon cho từng món trong bữa ăn:
- Đĩa dùng cho khai vị: Lấy ý tưởng từ nguồn năng lượng của sóng biển, chiếc đĩa sứ xương có thiết kế nhằm tăng độ ngon cho các món cá và hải sản. Mang đậm phong vị đại dương nhờ lớp men xanh - trắng và bề mặt nhám như lớp vảy cá, chiếc đĩa khai vị này còn giúp việc cảm nhận vị mặn của muối rõ nét hơn thông qua thiết kế góc cạnh cá tính.
- Tô dùng cho món chính: Chiếc tô sành màu đen và thiết kế góc cạnh được dành riêng để phục vụ những món ăn cay nóng, nhiều gia vị. Kết cấu thô, nhám giúp tăng vị cay của gừng, thích hợp trình bày các món như cà ri xanh của ẩm thực Thái.
- Chén dùng cho món tráng miệng: Lấy cảm hứng từ hình dạng quả mâm xôi, chiếc chén này được thiết kế để làm tăng hương vị trái cây thường có trong các món tráng miệng. Màu hồng nhạt của sản phẩm được cho là khiến món ăn có vị ngọt ngào, trong khi hình dạng tròn, căng như quả mọng giúp người ăn liên tưởng nhiều đến thành phần hoa quả của món ăn.
Nghệ nhân Reiko Kaneko chia sẻ: “Từ khi biết đến những nghiên cứu của Giáo sư Charles Spence, tôi đã vô cùng phấn khích khi nhận thấy nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến hương vị khi ăn. Tung hứng với những gam màu, hình dáng và kết cấu chất liệu để cho ra đời những sản phẩm góp phần thay đổi cách thực khách trải nghiệm món ăn. Điều này đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội để sáng tạo hơn, cũng như phản ánh những khía cạnh nghệ thuật khác trong thiết kế của tôi.”
Phượng Trâm lược dịch
Nguồn: Tableware International