Khu vực Đông Nam bộ luôn là một ẩn số lớn của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Vào đến vòng bán kết phía Nam thì ẩn số này lại càng thu hút sự quan tâm của mọi người.
Lý do? Vùng đất mạnh về công nghiệp, dịch vụ và là vùng kinh tế trọng điểm nên không có những sản vật độc đáo, nhưng bù lại họ là những đầu bếp hội nhập sớm nhất, va chạm nhiều nhất với các miền văn hoá khác nhau nên phong cách ẩm thực rất đa dạng.
Salad quả bơ, lá thùn mũn với thịt cua, trứng cá hồi xốt lá giấm - Chả tôm ốc hương nhồi lá ớt xốt quả chay, rau củ.
Món ăn của vùng cảng
Lịch sử ghi lại miền Đông Nam bộ, hay thường gọi tắt là “miền Đông”, là vùng giao thoa giữa các nền văn hoá khác nhau: Chăm Pa, Khmer và một phần Tây Nguyên.
Thuận lợi vì các bãi biển sâu và mặn ở vùng Ninh Thuận – Bình Thuận tạo ra các thương phẩm liên quan đến biển chất lượng rất cao.
Nối tiếp là các vịnh cảng tự nhiên và được người Pháp khai phá ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu bồi đắp thêm những lợi thế về thương mại quốc tế, cũng như sẵn sàng cho việc hình thành tứ giác trọng điểm kinh tế của cả nước.
Chính nhờ đặc điểm này mà ẩm thực miền Đông mang đậm nét cởi mở của những người đi biển và đón khách cập cảng. Các thương nhân nước ngoài đến buôn bán còn mang theo cả những phần văn hoá, ẩm thực và gia vị của nhiều xứ sở khác nhau, dần dà du nhập và được bản địa hoá từ lúc nào không rõ.
Bởi vậy, để tìm kiếm sự khác biệt trong thực đơn, đội thi Palace Vũng Tàu mang tới những món ăn chữa bệnh và tốt cho sức khoẻ.
Đầu bếp Phạm Văn Đại chuẩn bị trang trí món dự thi
Những cái tên lạ mà quen trong hành lý của họ rất hút ánh mắt của khách tham quan: lá thùn mũn, hoa hoè, quả thị, đọt ớt xiêm…
Đáng chú ý trong thực đơn của đội là món gà tiềm nhung hươu, nhục đậu khấu, hạt đu đủ ăn kèm cơm hạt sen hương mướp. Đội đã sáng tạo với hạt đu đủ – một loại hạt quen thuộc nhưng hiếm khi được sử dụng trong nấu nướng – thành món ăn lạ tai, lạ miệng.
Nhiều khách tham quan tò mò khi lần đầu tiên nhìn thấy “nhung nai”, được các đầu bếp ngâm trong nước đá lạnh để bảo quản trước khi đưa vào chế biến. Hoá ra, từ nhiều năm nay, nghề nuôi nai (hươu) lấy nhung đã là một nghề rất phổ biến của vùng đất này. Nhung hươu nai là sừng của hươu đực hay nai đực.
Hàng năm, vào cuối mùa hạ, sừng hươu, nai rụng đi, mùa xuân năm sau mọc lại sừng mới. Sừng mới mọc rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, sờ vào êm như nhung nên gọi là nhung hươu nai, bên trong chứa nhiều mạch máu.
Nhung có thể chưa phân nhánh hoặc có nhánh, còn gọi là nhung yên ngựa (nhung mới bắt đầu phân nhánh, còn ngắn, bên dài bên ngắn).
Nhung cắt xong cần chế biến ngay, để lâu sẽ thối rữa. Người ta đã phân tích được thành phần hoá học của nhung hươu nai, gồm canxi cacbonat, canxi phosphate, chất keo, protid, kích tố (testosteron, pentocrin…), acid amin (hơn 17 loại).
Theo tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày – ruột, chuyển hoá tốt protid và glucid… Liều mạnh gây hạ huyết áp, làm tim co bóp mạnh, đập nhanh, giật cơ, co giật hay đông huyết.
Còn y học cổ truyền Việt Nam ghi nhận, nhung có tác dụng sinh tinh, bổ tuỷ, ích huyết; chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khoẻ gân xương, tăng tuổi thọ…
Từ lâu đời, các thầy thuốc đông y Trung Quốc và Nhật đã dùng nhung như vị thuốc bổ, giúp cơ thể lâu già, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp.
Nhiều người nói vui: đúng là vùng đồng nai, mang đặc sản nhung nai đi thi…
Các đội thi phía Nam tiến vào vòng chung kết
Và độc đáo vị biển
Một lần trò chuyện, nhà bình luận về ẩm thực của chuyên mục văn hoá, website CNN chia sẻ: “Biển Việt Nam thật là dài và kéo từ Bắc xuống Nam, đi qua những vùng khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau nên hải sản của mỗi miền đều có vị riêng, lại còn có những đặc sản mà nơi khác không có. Rất thú vị!”
Ở vòng bán kết Chiếc thìa vàng, những đầu bếp trẻ của miền Đông Nam bộ – công ty TNHH Sea Links City – đã chứng minh điều này bằng hành trang “Món ăn vàng” của mình.
Họ mang theo phong cách ẩm thực của vùng đất đầy nắng gió Bình Thuận: cá bò hòm (hay còn gọi là cá thiết giáp, gà nước mặn), hoa ổi tàu, mướp non, ổi sẻ rừng, đặc biệt là con trúc biển – đặc sản dân dã Bàu Trắng (có cấu tạo tám màng vảy như tê tê, giống bào ngư).
Gây chú ý là nguyên liệu trúc biển trong món hoành thánh trúc biển nấu với củ kim cang, dùng kèm với dưa gang. Củ kim cang là loại củ đặc biệt dùng nấu nước dùng để món hoành thánh tăng thêm vị ngọt.
Loại củ này khi ăn cho vị giòn giòn vui miệng, có thể ăn sống như củ sắn, vị mát, thanh hoặc kèm với các món là dưa hồng muối chua, giúp tăng vị giác.
Một dấu ấn khác mà bạn bè quốc tế đến nhà thi đấu Quân khu 7 xem tranh tài bán kết phía Nam của Chiếc thìa vàng rất “khoái”, là việc có tới hai đội mang bánh khoai mì – một món ăn dân dã hè phố đi thi. Trở thành món tráng miệng trong thực đơn của hai đội từng giành giải nhất sơ kết, món ăn lại được cải biên theo những cách khác nhau.
Trong khi đầu bếp đội nhà hàng tiệc cưới Thắng Lợi 1 chân phương với món bánh khoai mì nướng Nam bộ truyền thống, các đầu bếp đến từ khách sạn Palace Vũng Tàu lại mang đến phong vị mới cho món bánh khoai mì nhờ phần nhân làm từ quả thị.
Một anh bạn làm việc cho một tập đoàn quản lý khách sạn nhà hàng quốc tế nói: “Khoai mì của Việt Nam là một sản vật cần được khai phá trở lại. Nó sống được ở những vùng đất khắc nghiệt nhất, chẳng hạn như vùng đất cát ven biển. Nó không mất công chăm sóc. Nó là nguyên liệu chế biến được nhiều món ăn rất đặc sắc.
“Và ít người Việt quan tâm, là bột khoai mì được khoa học chứng minh là không có chất gluten – một chất gặp ở hầu hết các loại bột gạo, bột mì đang gây dị ứng mạnh tại Mỹ. Vì vậy, cơ hội chuyển mình của cây khoai mì là đáng quan tâm. Cám ơn Chiếc Thìa Vàng đã đem bánh khoai mì lên bàn tiệc 5 sao”.
Chà, Chiếc Thìa Vàng chắc cũng không nghĩ mình tôn vinh được một cây lương thực của tương lai thú vị đến vậy.
Kiên Chinh
(Theo Tiếp thị Thế giới)