Mâm sáu, mâm tám và cỗ tết của người Hà Nội

Thứ sáu, 23/02/2018 16:01
0
0
Không ở đâu người ta “ăn Tết” kỹ càng và cầu kỳ như ở Hà Nội. Phải nói rằng người Hà Nội không chỉ “ăn Tết” mà còn là “chơi Tết”.

Ngoài việc dọn dẹp trang trí sửa sang nhà cửa cho thật đẹp thì việc mất nhiều thời gian hơn cả chính là chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết.

Mâm cỗ Tết không phải là một mâm cơm bình thường mà là mâm cỗ gia tiên, mâm cỗ để thỉnh mời ông bà tổ tiên - và còn là tác phẩm để những người phụ nữ trong gia đình trổ tài vén khéo với các bậc trưởng bối nữa. Mang ý nghĩa rất lớn nên mâm cỗ Tết của một gia đình Hà Nội chính gốc cũng rất “nặng” với sự chuẩn bị rất công phu.


Mâm cỗ Tết của người Hà Nội. Ảnh nguồn: Kenh14.vn

Cỗ tết truyền thống thường có 4 bát 6 đĩa, còn nhà khá giả hơn thì mâm cỗ cũng trịnh trọng hơn với 8 bát 8 đĩa, thậm chí có nhà chuẩn bị luôn cả 8 bát 10 đĩa cũng không chừng. Cũng tuỳ vào điều kiện mà mâm cỗ mỗi nhà mỗi khác, nhưng nhất định phải có những bát đĩa cơ bản sau:

- bát canh măng lưỡi lợn ninh chân giò mềm rục

- bát canh bóng bì nấu với cà rốt, su hào tỉa hình hoa lá

- bát miến nấu lòng gà

- bát nấm thả (viên mọc bọc ôm tai nấm hương rồi nấu trong nước luộc gà)

- đĩa bánh chưng đã cắt theo hình hoa thị thành 8 miếng đều chằn chặn

- đĩa gà chặt úp sấp khoe lớp da vàng bóng mỡ, rắc một nhúm lá chanh thái nhuyễn kèm với đĩa muối tiêu chanh nho nhỏ

- đĩa giò lụa và đĩa giò quế, thường cắt miếng hình quả trám

- đĩa giò tai xào

- đĩa nộm

Ở những nhà khá giả, đông con cháu, đầy đủ ông bà thì sẽ chuẩn bị nhiều bát đĩa hơn và nhiều thức ngon cầu kỳ hơn. Ngoài 4 bát canh chính, nhiều nhà còn đặc biệt làm thêm chim tần, gà ác tần nhồi với những cốm non, hạt sen, ý dĩ, thịt nạc, nấm hương, mộc nhĩ, thịt lợn vai băm nhỏ rồi hầm cho nhừ tơi ra, chỉ lấy đũa dẽ là tách được cả xương cả thịt. Có nhà còn thêm bát súp vi cá, làm từ sụn cá tẩy cho trắng trong veo, nhìn như sợi miến mà dai hơn – và đương nhiên cũng được tin là bổ dưỡng hơn.

Phần “bát” đã thế, phần “đĩa” lại còn phong phú hơn nhiều. Nhà thích nếp thì thêm đĩa xôi gấc đúc trong khuôn chữ triện đỏ au, tượng trưng một năm tốt đẹp sung túc; nhà thích truyền thống thì thêm đĩa thịt đông núng nính, ngậy mà không ngán – món ăn đặc trưng của mùa lạnh miền Bắc; nhà thích cầu kỳ lại bày thêm một đĩa nem rán (chả giò) tự gói với nhân khoai môn và củ đậu thái sợi nhuyễn, thịt xay và tôm nguyên con, rán ngập dầu để cắn vào là nghe giòn rụm.

Cổ truyền vốn là như thế, nhưng thời nay thì mâm bốn hay mâm tám cũng không còn đại diện cho ranh giới giàu nghèo hay nông thôn – thành thị nữa. Mâm cỗ tết thời hội nhập thỉnh thoảng cũng xuất hiện các món Tây Tàu cho vui mắt vui miệng; có nhà làm cơm Dương Châu với ngô hạt, đậu Hà Lan với cả jambon, thịt muối; có nhà rán lạp xưởng tươi cho lớp vỏ ngoài vàng cháy, tứa mỡ rồi thái mỏng từng miếng để ăn với cơm hay xôi trắng; có nhà cũng dọn thêm cả đùi gà rút xương xông khói nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc mà khi mời các cụ, chắc có cụ nếm xong rồi nhíu mày không biết món gì lại chế biến gia vị lạ lẫm vậy.

Ăn thì ngày nào mà chẳng phải ăn, nhưng món ăn ngày Tết bao giờ cũng mang nhiều ý nghĩa, nhiều công phu hơn cả, nhất là với những người con sống ở mảnh đất Hà thành - nơi hội tụ cả một nền tinh hoa văn hoá dân tộc. Ẩm thực Hà Nội vốn đã rất tinh tế, đa dạng, người Hà Nội lại trau chuốt, tỉ mỉ, trọng "sắc hương", có lẽ vì thế mà mâm cỗ ngày Tết không thể qua loa được. Bởi vậy nên cũng đừng ngạc nhiên khi sự chế biến các món ăn lại cầu kỳ đến vậy.

Trải qua bao cuộc bể dâu, cho tới bây giờ, thế hệ trẻ chẳng mấy ai còn biết thật sự những tinh hoa ẩm thực đó ra đời từ bao giờ, rồi những văn hoá ăn uống đó được tạo ra từ ai... Trải qua bao thế kỷ, chẳng biết mâm cỗ truyền thống ngày Tết của người Hà Nội như bây giờ có còn đúng với những món cổ truyền đó hay không. Thế nhưng, cái cốt lõi của phong tục ngày tết ngàn đời nay - là tống cựu nghênh tân, cúng bái tổ tiên, giao tiếp thanh lịch, kính già quý trẻ bằng mâm cỗ với thịt mỡ dưa hành – vẫn cứ còn nguyên vẹn như một phần quốc hồn quốc tuý Việt Nam.

Chiếc Thìa Vàng

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG