Người dân trồng dâu nuôi tằm không phải để ươm tơ dệt lụa mà để bán cho quán làm mồi nhậu, thức ăn hoặc ngâm rượu.
Những bãi dâu xanh rì được trồng để nuôi tằm làm thương phẩm.
Ít ai nghĩ rằng một làng nghề truyền thống nổi tiếng xứ Quảng hơn 400 năm trồng dâu, nuôi tằm như Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) giờ đây lại có một bước ngoặt lạ đời như vậy.
Ngày đến làng Đông Yên (Duy Trinh), thấy có người lạ, chị bán tạp hóa đầu làng vội hỏi chúng tôi đi mua tằm về làm mồi nhậu hả? Từ chỗ chị tạp hóa, phóng tầm mắt ra xa là những bãi dâu xanh mơn mởn đang rì rào trong gió...
"Cần khoán cho mỗi hộ gia đình có trách nhiệm nuôi 50% tằm thương phẩm và 50% phục vụ nghề truyền thống ươm tơ. Quyết không để nghề của tổ tiên để lại bị chôn vùi, như thế là mắc lỗi với tiền nhân của mình." Chủ cơ sở ươm tơ Nhất Tuần
|
Trồng dâu nuôi tằm kiểu mới
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Huy (51 tuổi, thôn Đông Yên, xã Duy Trinh), gia đình có truyền thống sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ... với hơn ba đời qua.
Chỉ vào đống nong, nia dựng nơi góc bếp, ông chậm rãi nói: “Lúc hưng thịnh gia đình tôi làm đến 2ha trồng dâu, tơ được bán vô đến tận miền Tây lận. Nhưng rồi 7-8 năm trước, làng nghề truyền thống của Duy Trinh dần mai một, không còn tiếng cửi, những nong, nia cũng lùi vào kho mặc cho nhện giăng tơ làm tổ. Gia đình tôi cũng dẹp nghề, từ đó vùng đất này vắng bóng luôn những cô gái của làng đội nón ra bãi bồi hái dâu nuôi tằm hoặc ngồi ươm tơ, kéo sợi bên những chiếc guồng quay đều đều...”.
Chỉ hai năm trở lại đây, những bãi Tân Bồi, Tân Khai của Duy Trinh mới xanh lại màu xanh của các triền dâu. Những phụ nữ ở Duy Trinh cũng bắt đầu đội nón ra bãi hái dâu về nuôi tằm trở lại. Nhưng cái khác là họ nuôi tằm để bán làm mồi nhậu, đồ ăn chứ không phải nuôi tằm nhả tơ như nghề cha ông để lại.
Ông Huy chia sẻ sau khi được UBND xã Duy Trinh đầu tư hỗ trợ miễn thuế đất trong ba năm, hỗ trợ giống dâu lần đầu 250.000 đồng/sào, ông cùng với chín hộ khác quay lại với nghề trồng dâu nuôi tằm thương phẩm. Đó là giống tằm vàng được nhập từ phía Bắc vô để nuôi làm thức ăn. Gia đình ông Huy lại ra bãi bồi, vỡ vạc được gần 1 mẫu đất trồng dâu. Mỗi đợt ông xuống giống năm hộp trứng thì thu hoạch được 180kg tằm tươi với giá bán mỗi ký 60.000-70.000 đồng, thời gian khoảng 20 ngày là đã thu hoạch.
“Cái sướng của nghề nuôi tằm thương phẩm này là thời gian thu hoạch nhanh, không phải thức đêm thức hôm canh hay ươm tơ, kéo tơ như nghề truyền thống” - ông Huy tâm sự. Nói là vậy nhưng ông cũng rầu lòng: “Nhưng nghĩ cũng bạc. Nghề truyền thống tổ tiên để lại không lưu giữ được, chừ chuyển sang bán tằm tươi làm mồi nhậu, mà không làm thì không biết làm chi”.
Dọc những làng xóm ở Duy Trinh giờ đã biệt tăm tiếng cửi. Ghé nhà ông Trương Văn Dũng, mấy cái nong, ne đã được ông xếp gọn trong bếp. Phía trước còn vương vài nong tằm vàng đã luộc chín. “Tôi vừa xuất bán mấy chục ký tằm tươi cho mấy quán ăn, quán nhậu xong” - ông Dũng phân trần.
Nhấp miếng trà, ông Dũng nhìn ra bãi bồi nhớ lại: “Lúc hưng thịnh của làng nghề đến 200 hộ gia đình làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhà nhà ươm tơ, kéo sợi. Ngày trước ươm ra tơ, hết tơ mới lấy nhộng bán cho quán. Không như bi chừ”. Giờ gia đình ông Dũng có 1,5 mẫu đất trồng dâu nuôi tằm, năm vừa rồi gia đình ông thu hoạch được 10 lứa tằm với gần 400kg. Kiếm tiền cũng kha khá!
“Nhà tui 3-4 đời trồng dâu nuôi tằm nhưng đầu ra không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc nên phải bỏ ruộng, bỏ khung... rồi chuyển qua trồng bắp. Nghỉ cả chục năm trời nay mới quay lại với nghề, nhưng là nghề “bán lúa non” chứ không phải nghề của mình nữa” - ông Dũng chua chát nói.
Người dân Duy Trinh trồng dâu nuôi tằm để làm mồi nhậu, xào ăn thay vì ươm tơ như truyền thống
“Bước đệm” quay lại nghề
Ông Nguyễn Văn Chiến - chủ tịch UBND xã Duy Trinh - cho biết giai đoạn 2004-2014 toàn bộ làng nghề tơ tằm ở đây như “chết hẳn”, người dân bỏ nghề hết, người trẻ thì tứ tán ly hương tìm kế sinh nhai. Trước tình hình này, từ năm 2014 xã Duy Trinh đã khởi động việc khôi phục làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm.
Và từ năm 2015, xã chính thức triển khai với hàng chục hộ dân tham gia dự án này, có tổng diện tích gần 10ha dâu. Khi vào dự án khôi phục làng nghề, mỗi hộ sẽ được miễn tiền thuế đất trong ba năm, hỗ trợ lần đầu mua giống dâu 250.000 đồng/sào. Trong giai đoạn đầu sẽ nuôi tằm thương phẩm để có thêm thu nhập, giúp bà con yên tâm và có động lực quay lại với nghề truyền thống.
Theo ông Chiến, nếu so về giá trị thì nuôi tằm thương phẩm có thu nhập cao hơn, thời gian thu hoạch ngắn hơn. Trước đây, nuôi 2,5kg tằm thì được 1kg kén bán giá 80.000-90.000 đồng và phải mất đến 25 ngày. Còn giờ có hộ đứng ra làm tằm giống, bán tằm lại cho bà con nông dân nuôi thêm khoảng 10 ngày nữa là bán được với giá 50.000-70.000 đồng, ít tốn công sức chăm sóc hơn.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng thành thật nói hiện đầu ra của sản phẩm chủ yếu do người dân tự bươn chải. Nhưng trong tương lai phải quảng bá đi xa hơn, cho một số người làm đại lý thu mua tằm tươi. “Khi người dân đã có sự ổn định, giai đoạn tiếp theo sẽ khởi động lại nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ. Có như vậy bà con mới yên tâm quay lại nghề cũ” - ông Chiến nói.
Trong khi đó ông Tuấn - chủ cơ sở ươm tơ Nhất Tuấn - cũng nhìn nhận: “Cần khoán cho mỗi hộ gia đình có trách nhiệm nuôi 50% tằm thương phẩm và 50% phục vụ nghề truyền thống ươm tơ. Quyết không để nghề của tổ tiên để lại bị chôn vùi, như thế là mắc lỗi với tiền nhân của mình”.
Rượu tằm của ông Tuấn ở Duy Trinh
Từ tằm ăn đến tằm ngâm rượu
Làng nghề trồng dâu nuôi tằm giờ còn có người mày mò, sản xuất ra một loại rượu không đụng hàng: rượu tằm xứ Quảng. Đó là ông Nguyễn Văn Tuấn ở làng Chiêm Sơn. Ngày đến nhà ông Tuấn, cơ sở ươm tơ Nhất Tuấn của ông cũng im ỉm không còn tiếng cửi, xe tơ.
“Chừ người dân Duy Trinh chuyển qua trồng dâu nuôi tằm bán mồi nhậu nên cơ sở ươm tơ của tui cũng đói. Mấy năm trước tui nhuộm dệt mỗi năm đến 5-10 tấn, rồi cứ lụi dần, lụi dần còn 1-2 tạ, cả năm ni còn vài chục ký” - ông Tuấn rầu rĩ nói. Cơ sở ươm tơ Nhất Tuấn hiện là cơ sở duy nhất còn sót lại của Duy Trinh.
Trầy trật với cái kén con tằm, ông Tuấn mày mò pha chế ra một loại rượu ngâm từ con tằm có tiếng ở vùng Duy Xuyên này. “Tui tìm trong hàng trăm, hàng ngàn cái kén để chọn lấy tằm giá - tằm đứng cửi (không phải loại tằm hư, tằm bủng) để ngâm rượu” - ông Tuấn chia sẻ. Nhưng nghề ngâm rượu tằm cũng có những bí quyết thiên cơ bất khả lộ.
Ông Tuấn “dè sẻn” chỉ giáo: “Ngâm tằm phải có nghề và sống với nó, hiểu nó. Nếu ngâm phải tằm vôi, tằm bệnh thì ngộ độc tức khắc. Rượu phải là loại rượu gạo quê chất lừ trên 40 độ, ngâm cùng với mật ong. Nhưng ngâm vừa đủ, không quá lâu vì xác tằm sẽ rã ra...”.
Tiếng lành về loại rượu “độc đáo” ở xứ trồng dâu nuôi tằm khiến lượng rượu ông Tuấn ngâm ra không đủ bán. Không chỉ vậy, mỗi khi đến lễ hội Bà Chiêm Sơn, xã lại đến đặt ông Tuấn ngâm 100-200 lít rượu để phục vụ du khách thập phương, bà con trong làng.
Ông Nguyễn Văn Chiến - chủ tịch UBND xã Duy Trinh - cho biết: “Ông Tuấn đã gầy dựng được một thương hiệu mới của làng nghề. Đã có người đến đề nghị mua lại bản quyền nhưng chúng tôi khuyên ông đừng bán mà gầy dựng thành một sản phẩm du lịch, đăng ký thương hiệu đưa ra thị trường”.
Đoàn Cường
(Theo Tuổi trẻ)