Ẩm thực Tết ở mỗi vùng miền mang một phong vị riêng tạo nên nét độc đáo và đặc sắc trong văn hóa dân tộc Việt.
Đất
nước Việt Nam chữ S có 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi miền có những đặc
trưng riêng trong ẩm thực ngày Tết để cùng tạo nên nét đa dạng trong Văn
hóa Việt. Trải qua bao năm tháng thăng trầm, giá trị và những ý nghĩa văn hóa của ngày Tết truyền thống vẫn luôn nguyên vẹn trong nếp sống mỗi người dân Việt Nam.
Cầu kì như ẩm thực miền Bắc
Khi nhắc đến những món ăn ngày Tết ở miền Bắc ta không thể không nhắc đến bánh chưng. Với nguyên liệu chính là gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ và lá dong, bánh chưng là loại bánh có lịch sử lâu đời và có vị trí đặc biệt trong tâm thức cộng đồng người Việt. Cảnh tượng gia đình quây quần bên bếp lửa bập bùng canh nồi bánh chưng làm cho không khí ngày Tết Việt vẫn cứ luôn rộn ràng, dù đời sống có biến đổi thế nào đi chăng nữa... Bánh chưng thường được đặt cùng dưa hành trên mâm cơm ngày Tết.
Bánh chưng là món ăn tiêu biểu nhất trên mâm cỗ Tết miền Bắc
Thịt đông là một món ăn quen thuộc, đặc trưng của miền Bắc trong những ngày mùa đông và trong dịp Tết. Thịt đông có nguyên liệu chủ yếu là thịt lợn, đặc biệt là thịt chân giò, các gia vị cần chú ý là mộc nhĩ và hạt tiêu. Ngoài ra còn có bì lợn và có thể có sương đông (rau câu). Đây là món ăn nguội, lạnh, ăn với cơm nóng, khi ăn sẽ có cảm giác mát ở đầu lưỡi. Ăn thịt đông cùng với bánh chưng thêm dưa hành là đủ cảm nhận được hương vị của ngày Tết miền Bắc.
Xôi gấc cũng là một món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết miền Bắc. Ngay từ đầu tháng Chạp, khi mọi nhà đã chuẩn bị sắm sửa để lo Tết, các bà, các chị đi chợ không quên mua một quả gấc chín để nấu xôi cúng tất niên, vì màu đỏ tươi của gấc được coi là may mắn, đem lại mọi điều tốt lành cho cả năm. Đĩa xôi gấc đỏ tươi kết hợp với các món ăn được trang trí cầu kì tạo nên một bức tranh hài hòa trêm mâm cỗ Tết.
Xôi gấc xuất hiện trong mâm cỗ Tết tượng trưng cho sự may mắn
Nem rán (người miền Nam gọi là chả giò) - một món ăn độc đáo của người Việt và là món ăn tiêu biểu của ẩm thực ngày Tết của miền Bắc. Những miếng nem được rán vàng với lớp vỏ giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Món ăn này được rất nhiều người ưa thích còn được coi là ” quốc hồn quốc túy ” của người Việt.
Nem rán được ví là món ăn mang đậm hồn Việt
Đậm đà như ẩm thực miền Nam
Vào ngày Tết, nếu người dân miền Bắc có bánh chưng thì người miền Nam không thể thiếu bánh tét. Nguyên liệu làm bánh tét cũng gần giống bánh chưng nhưng thay vì được gói bằng lá dong, người ta gói bánh tét bằng lá chuối. Nhân bánh tét cũng khá đa dạng. Ngoài nhân đậu xanh thịt còn có nhân đỗ đen, nhân chuối hay nhân thập cẩm. Bánh tét thường được gói trước nửa tháng, bánh dùng để cúng tổ tiên trong ngày Tết ngoài ra còn được dùng làm quà biếu. Bánh tét được ăn cùng thịt kho tàu, dưa cải, củ kiệu mang hương vị riêng và hấp dẫn.
Bánh tét của miền Nam được ví tương đương với bánh chưng của miền Bắc
Theo quan niệm của người miền Nam thì canh khổ qua là món ăn để mong ước sẽ qua đi sự cơ cực, không may mắn bắt đầu một năm mới tươi sáng. Đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết của người miền Nam. Khổ qua có vị đắng đặc trưng không phải ai cũng ăn được nhưng nó lại có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Canh khổ qua nhồi thịt đơn giản và rất tốt cho sức khỏe
Tương tự như món dưa hành ở miền Bắc, miền Nam có củ kiệu ngâm là đặc trưng của ẩm thực ngày Tết. Củ kiệu được làm sạch rồi đem phơi, sau đó cho củ kiệu vào lọ, cứ 1 lớp củ kiệu thì cho 1 lớp đường cát trắng rồi đậy kín để kiệu tự chảy ra nước, khoảng 10 ngày là ăn được. Củ kiệu được ăn cùng với tôm khô sẽ tạo thành một món ăn rất ngon. Món củ kiệu ngâm giản dị có vị chua thanh quện lẫn vị ngọt dịu, ăn giòn sẽ giúp bữa ăn ngon hơn và đỡ ngán.
Củ kiệu là món ăn luôn đứng đầu danh sách ẩm thực ngày Tết của người miền Nam
Thịt kho hột vịt nước dừa cũng là món ăn chắc chắn phải có trên mâm cỗ Tết của người miền Nam. Thịt kho là món ăn đơn giản, dễ làm và khá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày ở cả 3 miền. Nhưng đối với người miền Nam, món ăn đậm đà đơn giản này lại luôn luôn song hành cùng món canh khổ qua và được trân trọng xếp vào danh sách “ẩm thực tiêu biểu ngày Tết”.
Thịt kho hột vịt nước dừa là món ăn song hành cùng canh khổ qua
Phong phú như ẩm thực miền Trung
Người miền Trung ăn Tết cũng không thể thiếu bánh tét như người miền Nam. Bên cạnh bánh tét, người miền Trung có khá nhiều loại bánh khác cũng xuất hiện thường xuyên trên mâm cỗ ngày Tết nơi đây như bánh in, bánh tổ, bánh lá răng bừa.
Bánh in là loại bánh có nguồn gốc từ Bình Định. Bánh được làm bằng bột nếp, dễ làm và là món bánh không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên vào ngày Tết ở bất kì gia đình nào. Những hạt gạo nếp xay nhuyễn cùng đường cát và đậu xanh tạo nên những chiếc bánh ngon đặc biệt và là nét văn hóa của mảnh đất miền Trung.
Bánh in là món bánh cổ truyền đặc trưng của miền Trung
Với người dân xứ Quảng Nam, bánh tổ là loại bánh của ngày Tết. Nguồn gốc bán có nhiều giả thuyết. Có người cho rằng, ban đầu chiếc bánh có tên gọi là "lùng kú" do những người Hoa gốc tạo ra. Giả thuyết khác thì nói món bánh này có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam, do tổ mẫu Âu Cơ truyền dạy...Cũng có người cho rằng loại bánh này làm ra cốt là để cúng ông bà nên mới có tên gọi bánh tổ. Nguyên liệu chính làm nên bánh gồm có nếp, đường, hạt mè và gừng.
Bánh tổ có xuất xứ từ Quảng nam và là món bánh ăn Tết của người dân nơi đây
Bánh lá răng bừa hay còn gọi là bánh tẻ của người Thanh Hóa có hình dạng trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán. Nguyên liệu làm bánh là gạo tẻ xay nhuyễn cùng nhân bánh gồm hành khô, thịt ba chỉ và mộc nhĩ băm nhỏ trộn chung với hạt tiêu. Khi ăn chấm với nước mắm ngon tạo nên hương vị bánh đặc biệt.
Bên cạnh các loại bánh cổ truyền, mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung không thể thiếu một số loại thức ăn mặn khác như Dưa món, Tré…
Bánh răng lá bừa của người Thanh Hóa
Trong ngày Tết, người miền Bắc ăn bánh chưng với dưa hành, người miền Nam có món bánh tét với tôm khô củ kiệu, thì với người miền Trung dưa món không thể thiếu khi ăn kèm cùng bánh tét. Dưa món được kết hợp từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu.... được ngâm chua mặn, khi ăn lại hơi giòn giòn. Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có được hủ dưa món đầy sắc và vị thì tốn không ít thời gian và sự tỉ mỉ.
Người miền Trung ăn Tết không thể thiếu dưa món
Được làm từ thứ thịt rẻ tiền của con heo như: tai, mũi, da (bì), thịt ba chỉ nên người ta gọi tré là món ăn của dân nghèo. Tuy vậy, tré vẫn là một món ngon, đặc sắc của biết bao thế hệ người dân xứ này. Khác về cách chế biến nhưng cũng như nem, món tré hội tụ đủ ngũ vị: mặn, ngọt, chua cay và chan chat. Trong những ngày Tết, tré được đặt lên ban thờ dâng tổ tiên và là món nhâm nhi, đãi khách trong những buổi gặp mặt đầu năm mới.
Tré là món ăn đặc trưng ăn Tết của người miền Trung
Lan Khuê
(Theo Người lao động)