Nói đến gỏi nuốt chắc ai cũng sẽ tò mò về món ăn đặc sản của vùng đất anh hùng này.
Hòa mình vào nền ẩm thực phong phú, mấy năm gần đây, tại quê hương Vĩnh Linh nổi lên một món ăn mới đó là gỏi nuốt. Miền đất Quảng Trị, ở những con sông nước lợ như khúc sông Hiền Lương từ Cửa Tùng đến Huỳnh Hạ, xuất hiện nhiều con sứa, nuốt.
Nuốt là loại động vật nhuyễn thể, không xương, sống ở vùng nước lợ. Ở dưới nước, chúng trong suốt. Vớt ra khỏi nước, chúng đổi sang màu trắng sữa, phớt xanh da trời hay hồng nhạt, ăn giòn sần sật và mát, giúp giải nhiệt những ngày nắng nóng. Nhiều người lầm tưởng nuốt là sứa, nhưng không phải vậy. Tuy họ hàng với sứa nhưng nuốt bé hơn. Thịt nuốt lành và ngon hơn sứa rất nhiều. Khi gió nồm Nam thổi lên thì lúc đó là thời gian nuốt xuất hiện nhiều nhất. Những người dân thôn Phúc Lâm, xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh chăng lưới giữa dòng sông Sa Lung để vớt món ăn đặc sản này.
Nuốt được tách riêng phần chân với phần đầu. Chân nuốt sau khi sơ chế được đưa ra phơi nắng đến khi chảy bớt nước và co nhỏ lại. Tiếp theo đem rửa dưới vòi nước cho sạch cát và ngâm trong nước lạnh để khi làm gỏi sẽ có vị giòn ngon nhất định. Lưu ý, lúc nào gần ăn thì vớt ra để ráo, càng ráo món ăn sẽ càng ngon.
Sau khi sơ chế kỹ thì mỗi con nuốt chỉ vừa một lần gắp. Gỏi nuốt sẽ ăn kèm với quả vả, xoài xanh, rau thơm, hoa chuối, khế xanh, gói trong lá mưng (lá lộc vừng). Cái mát lạnh, mặn mà của nuốt quyện cùng nước chấm, vị chát chát của quả vả mọc sau nhà, của hoa cây bần, của ngọn mưng (lộc vừng) non mọc cạnh bờ sông; vị chua của xoài; mùi thơm của rau thơm…
Điều làm cho món gỏi nuốt lừng danh khắp vùng Vĩnh Linh, Quảng Trị chính là nước chấm. Người dân ở đây làm nước chấm bằng nước mắm nhĩ pha thêm chút ớt, tỏi, tiêu, gừng. Tuy nhiên, bạn có thể chấm gỏi nuốt với mắm ruốc. Tùy theo sở thích để cho thêm ớt, chanh hay thêm ít bột ngọt để tăng thêm gia vị. Chính vì thế, điều quan trọng là cách pha chế nước chấm, cái hồn của món ăn.
Theo Doanhnhan+